Tây Nguyên gây thương nhớ với du khách thập phương bởi khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, non nước hữu tình và nếp sống sinh hoạt, tập quán mang đậm bản sắc riêng. Mỗi điểm đến trên mảnh đất đầy nắng và gió này đều được lựa chọn để trở thành nơi dừng chân lý tưởng cho du khách. Bên cạnh thành phố sầm uất Gia Lai, Kon Tum với nhiều làng du lịch cộng đồng thì ẩm thực với hàng loạt các món ăn hấp dẫn cũng đang từng bước "chinh phục" trái tim của các tín đồ ưa xê dịch.
Được chế biến từ 30 – 60 loại lá rừng khác nhau, món gỏi lá Kon Tum khiến thực khách mê mẩn "quên lối về" bởi nguyên liệu "gần ngay trước mắt", khi cắn thử một miếng lại thấy rất lạ miệng, phảng phất hương thơm đặc trưng của đại ngàn. Đây là đặc sản có thể nói là độc bản mà bất cứ du khách nào cũng muốn thưởng thức một lần khi đặt chân đến mảnh đất Kon Tum.
Đã có hơn 15 năm chế biến và lan tỏa món ăn mang đậm phong cách Tây Nguyên này đến với du khách, chị Nguyễn Thị Hồng Yến (48 tuổi, chủ quán gỏi lá Yến Vy) chia sẻ với Dân Việt: "Món này là đặc sản của Kon Tum, đặc biệt là của đồng bào Ba Na, làng Kon K’tu. Ngày xưa, dân tộc Ba Na khi chưa chế biến được đặc sản như bây giờ thì họ chỉ biết ăn những cái lá mọc trên cây thôi.
Họ lên rừng hái lá cây, rồi bắt được con chim, con chuột, con ếch, con nhái thì họ đều nướng lên hết, chấm với muối kiến vàng, kẹp với các cái loại lá hái từ trên rừng rồi ăn.
Món gỏi lá này đã có từ rất là lâu rồi. Hồi xưa nhà tôi nghèo khổ, khi đó lấy gạo nấu lên để mà làm cái nước chấm ăn với rau cải, rau mùng tơi chứ không có biết ăn với lá rừng. Sau đó thì chồng tôi là người ở trong làng, được đồng bào Ba Na chỉ cho ăn những cái lá cây. Thế là 2 vợ chồng mới kết hợp công thức lại với nhau và cho ra đời món gỏi lá".
Chị Yến cũng cho biết, để thu hoạch được đa dạng các loại lá, gia đình chị phải vào rừng hái từ sáng sớm. Theo đó, lá được hái trong lúc trời còn mờ sương sẽ giữ được vị ngon hơn, đáp ứng được yếu tố thanh mát, giải ngấy cho thực khách. Nước chấm gỏi lá cũng phải được nấu kỹ lưỡng từ 2-3 tiếng đồng hồ, đạt chuẩn vị mới múc ra bát thưởng thức.
Mỗi loại lá rừng để tạo thành món gỏi lại mang một hương vị khác nhau. Lá bứa có vị chua, lá lộc vừng, lá ổi có vị chát, lá sung có vị bùi, đặc biệt phải kể đến là sự xuất hiện của lá lưỡi trâu với 3 vị riêng biệt: chua chua, chát chát và ngọt ngọt. Bên cạnh đó còn có các loại lá dễ trồng như đinh lăng, bạc hà, rau má, diếp cá,… hay các loại lá quen thuộc trên mâm cơm của mỗi gia đình như lá ổi, lá xoài.
Điều làm nên sức hấp dẫn đặc biệt cho món gỏi lá nằm ở nước chấm, đó không phải là nước mắm thông thường mà là gạo nếp lên men.
Chia sẻ với Dân Việt, chị Yến cho hay: "Nước chấm thì được làm từ gạo của người đồng bào, không bị nát mà còn nguyên hạt, khi lên men sẽ tỏa ra mùi thơm lừng rất hấp dẫn. Kết hợp các loại lá vào sau đó mình cuốn lại với nhau, cho 1 muỗng nước chấm vào chính giữa, cho một trái ớt, thêm hạt tiêu, muối, 1 con tôm, 1 miếng thịt và 1 miếng bì heo, mình sẽ thưởng thức trọn vẹn hương vị món cuốn gỏi lá".
Theo chị Yến, tôm để ăn kèm gỏi lá nên chọn những con tôm suối, có màu vàng đậm sắc và mang vị thơm, giòn hơn tôm sông. Với thịt heo, phải chọn những con heo già để có mùi thơm, còn bì heo nên chọn miếng mềm để làm thính.
Với những thực khách lần đầu thưởng thức món ăn này, chị Yến cho biết, ban đầu họ sẽ hơi lúng túng khi không biết bắt đầu từ đâu, cuốn lá thế nào vì có đến 30 – 60 loại lá khác nhau.
"Trước tiên phải dùng chiếc lá to, lá cải hoặc lá mơ đều được, cuốn thành hình cái phễu rồi tiếp tục cho các lá nhỏ vào bên trong đó. Mỗi lần cuốn tầm khoảng 10 lá thôi, có tới 50, 60 lá mà cuốn hết nó sẽ bị tràn ra và rất khó cầm. Cuốn xong thì mới cho tôm, thịt và bì heo lên bên trên rồi rắc thêm gia vị như hạt tiêu, muối. Cuối cùng là chan một muỗng nước chấm lên gỏi cuốn và bắt đầu thưởng thức", chủ quán gỏi lá Yến Vy trên đường Trần Cao Vân (Kon Tum) cho hay.
Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được vị chua của lá, chua của mẻ. Tôm giòn, có vị thơm. Miếng thịt ba chỉ có phần dai dai nhưng hương thơm lại nồng nàn. Miếng bì heo mềm kết hợp với trái ớt cay nồng mang đặc trưng của vùng đất đỏ bazan và vị mằn mặn của muối, thơm nức mũi của hạt tiêu.
"Khách du lịch đến khám phá Kon Tum thích thưởng thức nhiều nhất vẫn là món gỏi lá. Trong tương lai mình rất muốn mang món gỏi lá này đi lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc để người dân, du khách, các tín đồ ẩm thực đều biết đến đặc sản Kon Tum, đặc sản núi rừng Tây Nguyên. Mình cũng đem hương vị truyền thống, bản sắc dân tộc vào trong món gỏi lá này để mà phát triển", chị Nguyễn Thị Hồng Yến bộc bạch.