Độc đáo phong tục đón Tết Nguyên đán của người Mường ở vùng biên Kon Tum

Hoàng Lộc Thứ bảy, ngày 10/02/2024 08:39 AM (GMT+7)
Cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, bà con người Mường sinh sống tại huyện biên giới Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) lại rộn ràng với những phong tục mang đậm bản sắc dân tộc.
Bình luận 0

Ký ức đón cái Tết đầu tiên ở miền biên viễn

Trên con đường bê tông dẫn vào thôn Hào Lý (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) – nơi các hộ người Mường sinh sống những ngày này, chúng tôi cảm nhận được không khí rộn ràng của Tết Nguyên đán.

Đi đến đâu cũng bắt gặp tiến cười nói rôm rả của bà con. Khắp các con đường được trang trí cờ, hoa và cây nêu rực rỡ. Những cành mai vàng, hoa đào đua nhau khoe sắc tô điểm cho sắc xuân thêm tươi đẹp.

Độc đáo phong tục đón Tết Nguyên đán của người Mường ở vùng biên Kon Tum- Ảnh 1.

Người Mường ở thôn Hào Lý dọn dẹp bàn thở để chuẩn bị cúng trong dịp Tết.

Vào năm 1991, hàng chục hộ người Mường đầu tiên di cư từ huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) đến xã biên giới Sa Loong để sinh sống. Hiện nay, thôn có trên 140 hộ với gần 580 nhân khẩu, toàn bộ là người dân tộc Mường từ tỉnh Hòa Bình vào lập nghiệp từ những năm 1991.

Ông Bùi Thanh Xuân (76 tuổi, người lớn tuổi nhất thôn Hào Lý) chia sẻ, đối với người Mường thì một năm chỉ có 2 ngày lễ lớn là Tết Nguyên đán và Tết Độc lập ngày 2/9. Vào những dịp như thế này, bà con lại quây quần bên nhau, những người sinh sống xa làng cũng về chung vui.

Nhớ lại những ngày đầu vào mảnh đất Sa Loong để lập nghiệp, ông Xuân bảo: "Tôi cùng một số người dân vào đây từ năm 1991. Hồi đó cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn. Xung quanh 4 bề toàn là rừng núi, khí hậu khắc nghiệt. Nhà cửa được người dân dựng tạm bằng những khúc gỗ đã mục, vách và mái làm bằng tre nứa. Lúc đầu mới vào đây, chúng tôi thiếu đất sản xuất nên phải bà con phải trồng lúa thuê cho Công ty 732 (thuộc Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng). Dần dầu về sau, bà con dành dụm, tích góp được nên có tiền mua đất rẫy để trồng cà phê, cao su, xây được một căn nhà khang trang. Đời sống đến bây giờ cơ bản cũng khá ổn định".

Độc đáo phong tục đón Tết Nguyên đán của người Mường ở vùng biên Kon Tum- Ảnh 2.

Gói bánh chưng là phong tục không thể thiếu trong mỗi dịp Tết của bà con ở đây.

Khi nhắc về cái Tết đầu tiên ở mảnh đất biên cương, ông Xuân nói: "Ngày ấy, nơi này không có điện chiếu sáng nên nhà nào phải thắp đèn dầu để sinh hoạt. Vào những ngày Tết, cả làng tập trung lại để gói bánh chưng bánh tét, mổ heo để ăn. Tối đến, dưới ánh đèn dầu, cả nhà cùng ngồi quây quần bên nhau thưởng thức mâm cơm ngày Tết rồi ôn lại những câu chuyện của một năm đã qua, những truyền thống vẻ vang của dân tộc mình".

Gìn giữ bản sắc văn hóa

Ông Đinh Công Ngữ (66 tuổi, trú tại thôn Hào Lý) chia sẻ, Tết Nguyên đán là cái tết to nhất, tết quan trọng nhất của người Mường ở trong năm. Ngày Tết chỉ thực sự bắt đầu từ 27 tháng Chạp và kết thúc vào mồng 6 tháng 2 (âm lịch).

Độc đáo phong tục đón Tết Nguyên đán của người Mường ở vùng biên Kon Tum- Ảnh 3.

Bánh chưng sau khi được gói xong sẽ được mang đi hấp bằng củi trong nhiều giờ đồng hồ.

Từ thời điểm đó, người dân bắt đầu trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp bàn thờ và phần mộ của ông bà, tổ tiên. Sau khi hoàn tất công đoạn này là đến việc dựng cây nêu trước cổng nhà. Đây là một nghi lễ không thể thiếu của người Mường. Người ta chọn một cây tre còn tươi thật đẹp, róc bớt cành lá phần dưới, để lại phần lá xanh trên ngọn rồi sau đó kết vòng hoa leo trang trí cho cây nêu.

"Cây nêu thường được làm bằng cây tre, phải có thân thật thẳng, các lóng thật dài, tán ngọn tròn, bầu đất lúc đào lên phải còn nguyên vẹn thì khi trồng mới được tươi lâu. Đây là một biểu tượng, tín hiệu văn hóa. Tục cắm cây nêu ngày tết như một lá cờ cắm để giữ nhà mình, giữ cửa nhà mình ý muốn nói là tất cả tà ma không có lời mời không được đến", ông Ngữ lý giải.

Độc đáo phong tục đón Tết Nguyên đán của người Mường ở vùng biên Kon Tum- Ảnh 4.

Những thiếu nữ mặc váy áo truyền thống biểu diễn dân ca, dân vũ.

Tiếp đó, vào ngày 28 tháng Chạp, nhiều nhà bắt đầu lên rừng củi, hái lá dong, chặt nứa làm lạt để gói bánh chưng. Người Mường gói cả hai loại bánh chưng: bánh vuông và bánh ống – giống như bánh tét của đồng bào Nam Bộ, nhân bánh cũng giống như bánh của người miền xuôi.

Bên cạnh đó, cầu cúng là một phong tục độc đáo của người Mường. Ngày Tết, người ta cúng để cầu đất trời thần linh phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, làng bản yên bình, cửa nhà mát mẻ, gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, con cháu làm ăn tấn tới phúc lộc đầy nhà. Ngoài ra, còn bày tỏ sự biết ơn đối với những người đã khuất. Chính vì vậy, mâm cỗ cúng ngày Tết được người Mường đặc biệt chuẩn bị chu đáo và cẩn thận.

Bà Đinh Thị Qúy (vợ ông Ngữ) chia sẻ: "Bà con quan niệm ăn thế nào thì thờ cúng thế đó nên trong mâm cỗ để cúng có đủ các món ngày Tết. Các thực phẩm chuẩn bị đón Tết đã được thực hiện một cách chu đáo như bánh chưng, xôi nếp, rượu gạo, thịt gà, thịt heo...mang ý nghĩa tượng trưng cho sự đủ đầy, sung túc của anh em trong dòng họ. Toàn bộ mâm cúng phải được đặt trên lá chuối".

Độc đáo phong tục đón Tết Nguyên đán của người Mường ở vùng biên Kon Tum- Ảnh 5.

Trò chơi ném còn ngày Tết của người Mường.

Trong những ngày Tết, bà con người Mường sẽ đi chúc Tết, chơi xuân. Những ngày sau, người dân trong thôn cũng tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: đánh cò le, đánh cù, đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn, đánh đu… Tết của người Mường kết thúc sau ngày mùng 7 tháng Giêng.

Dân làng tổ chức lễ khai hạ (xuống đồng). Bà con bắt đầu làm mùa, bước vào một năm mới với niềm hy vọng tràn trề, rằng năm nay cây cối sẽ tươi tốt, mùa màng sẽ bội thu, bản mường được yên bình hạnh phúc.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông A Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Sa Loong cho biết, Tết Nguyên đán của người Mường là một nét đẹp văn hóa, mang tính nhân văn cao đẹp được bà con gìn giữ và phát huy trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, nó còn thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

"Đối với người Mường ở thôn Hào Lý, những năm qua, bằng nhiều nguồn lực của Trung ương và địa phương, chính quyền đều hỗ trợ bà con cây, con giống để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, thôn chỉ còn 4 hộ nghèo, đời sống của bà con hiện nay cơ bản đã khấm khá. Bên cạnh đó, trong mỗi dịp Tết đến xuân về, chúng tôi cũng hỗ trợ cho thôn 4 triệu đồng để bà con đón một cái Tết đầm ấm, đủ đầy", ông Tân cho hay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem