Dân Việt

Hesman Việt Nam: Thị trường điện thoại giảm sâu, chủ thương hiệu ShopDunk lỗ nặng, tăng vay nợ

Nguyễn Thịnh 26/12/2024 16:07 GMT+7
Trong bối cảnh ngành bán lẻ di động cạnh tranh gay gắt, Hesman Việt Nam - chủ thương hiệu ShopDunk (đại lý ủy quyền của Apple) có bức tranh tài chính không mấy tươi sáng: lỗ nặng, nhà đầu tư rút vốn và tăng vay nợ.

Tiềm lực Hesman Việt Nam của ông Phạm Mạnh Hòa ra sao?

Công ty cổ phần Hesman Việt Nam của đại gia Phạm Mạnh Hoà là chủ sở hữu của chuỗi cửa hàng bán lẻ công nghệ ShopDunk (và SamCenter). Theo đó, ShopDunk là đại lý ủy quyền của Apple kể từ năm 2020, phân phối các sản phẩm như điện thoại iPhone, iPod, iPad, MacBook, iMac, Apple Watch...

Hesman Việt Nam: Thị trường điện thoại giảm sâu, chủ thương hiệu ShopDunk tăng vay nợ - Ảnh 1.

ShopDunk là một chuỗi cửa hàng bán lẻ, cung cấp các sản phẩm công nghệ của Apple lớn nhất tại Việt Nam.

ShopDunk thành lập vào năm 2012, với cửa hàng đầu tiên tại phố Thái Hà (Hà Nội) chuyên bán các thiết bị Apple. Ban đầu, ShopDunk thuộc sở hữu của Công ty S&D nhưng từ tháng 7/2016, Công ty cổ phần Hesman Việt Nam mua lại thương hiệu ShopDunk.

Dữ liệu Dân Việt cho thấy, Hesman Việt Nam thành lập vào ngày 8/6/2016, có trụ sở chính tại số 76 Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, Việt Nam. Ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông. Đại diện pháp luật/Giám đốc là ông Phạm Mạnh Hòa (sinh năm 1986).

Thời điểm thành lập, Công ty cổ phần Hesman Việt Nam có vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, với số lao động đăng ký là 5. Địa chỉ trụ sở chính của công ty tại ngõ 191 Lạc Long Quân, phường Xuân La, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. 

Đến tháng 7/2021, Hesman Việt Nam chuyển địa chỉ trụ sở chính về số 76 Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Tháng 6/2022, Hesman Việt Nam tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng. 

Đến thời điểm tháng 12/2022, chủ sở hữu ShopDunk tăng vốn điều lệ lên tới 280 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới tháng 10/2023, công ty thu hẹp vốn điều lệ xuống còn 100 tỷ đồng, cổ đông không được tiết lộ. Thời điểm này tổng số lao động đăng ký của công ty vẫn là 5 người.

Hàng tồn kho giảm nhưng Hesman Việt Nam tăng vay nợ

Theo dữ liệu của Dân Việt, năm 2023, Hesman Việt Nam nhận doanh thu đạt hơn 2.600 tỷ đồng, giảm 7% so với kết quả 2.796 tỷ đồng của năm 2022. Giá vốn cao hơn doanh thu hơn 12 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp về bán hàng ghi nhận âm 11,6 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính năm 2023 của chủ sở hữu ShopDunk là 470 triệu đồng, tăng so với năm 2022 (312 triệu đồng). Trong khi, chi phí tài chính năm 2023 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, đạt 36,7 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng hơn 60 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp có giảm nhưng rất nhẹ, giảm 2%.

Hesman Việt Nam: Thị trường điện thoại giảm sâu, chủ thương hiệu ShopDunk tăng vay nợ - Ảnh 2.

Trong bối cảnh doanh thu bán hàng giảm, chủ sở hữu ShopDunk lại có chi phí bán hàng bất ngờ tăng mạnh, ghi nhận hơn 160 tỷ đồng năm 2023 (so với hơn 100 tỷ đồng năm trước).Kết quả hoạt động kinh doanh của Hesman Việt Nam.

Kết quả, năm 2023, Hesman Việt Nam ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 266,7 tỷ đồng, trước đó năm 2022 âm 69,6 tỷ đồng. Do có khoản lợi nhuận khác gần 128 tỷ đồng năm 2023 nên tổng lợi nhuận kế toán trước thuế chỉ còn âm 138,8 tỷ đồng. 

Đây cũng là lợi nhuận sau thuế bởi năm 2023 chi phí thuế  doanh nghiệp của chủ thương hiệu ShopDunk là 0, trong khi năm 2022 doanh nghiệp này lãi 10,6 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2023, tổng cộng tài sản của Hesman Việt Nam là 752 tỷ đồng, giảm 37,4% so với đầu kỳ. Nợ phải trả của Công ty vượt cả tổng tài sản. Dư nợ cuối năm 2023 của Hesman ghi nhận 763,6 tỷ đồng trong đó tất cả là các khoản nợ ngắn hạn. 

Nợ nhiều hơn tổng tài sản, tính đến hết ngày 31/12/2023 Công ty ghi nhận vốn chủ sở hữu âm 11,6 tỷ đồng. Điều đáng chú ý, năm 2022 vốn chủ sở hữu dương 307 tỷ đồng.

Năm 2023, ngành bán lẻ điện thoại và máy tính tại Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức do suy thoái kinh tế, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm sút. Một số "ông lớn" trong ngành bán lẻ như TGDĐ giảm khoảng 21%, FPT shop cũng ghi nhận giảm hơn 11%...

Trong bối cảnh đó, Hesman Việt Nam ghi nhận hàng tồn kho giảm (năm 2023 là gần 250 tỷ đồng so với hơn 467 tỷ đồng năm 2022), trả trước người bán giảm, doanh thu bán hàng giảm. Điều này phù hợp với hoàn cảnh kinh tế khi cầu giảm, người dân thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên với Hesman Việt Nam, doanh nghiệp lại tăng vay nợ khi hàng tồn kho đã giảm. 

Theo đó, khoản vay và nợ thuê tài chính của Hesman Việt Nam ghi nhận hơn 504 tỷ đồng (cao hơn 12% so với cùng kỳ năm trước) và chiếm đến 66% tổng dư nợ.

Hesman Việt Nam: Thị trường điện thoại giảm sâu, chủ thương hiệu ShopDunk tăng vay nợ - Ảnh 3.

Biểu đồ khoản vay và nợ thuê tài chính của Hesman Việt Nam.

Ngoài ra, khoản phải thu dài hạn khác tăng vọt lên 310 tỷ đồng năm 2023 (so với 11,9 tỷ đồng năm 2022). Theo thuyết minh, đây là khoản ký cược ký quỹ chuyển từ mục phải thu ngắn hạn khác sang phải thu dài hạn khác.

Như đã nói, năm 2022, chủ sở hữu của ShopDunk đã thành công trong việc tăng vốn từ mức 30 tỷ đồng lên 280 tỷ đồng (tăng thêm 250 tỷ). Tuy nhiên sang năm 2023, công ty lại phải giảm vốn, mua lại cổ phiếu đã phát hành, trả lại tiền cho nhà đầu tư/cổ đông đến 180 tỷ đồng, qua đó giảm vốn điều lệ xuống 100 tỷ đồng.