Khép lại năm 2024, Báo Dân Việt cùng với các chuyên gia kinh tế hàng đầu đã bình chọn 10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2024. Xin giới thiệu, những sự kiện kinh tế nổi bật với những con số ấn tượng của Việt Nam 2024.
1. Việt Nam dẫn đầu ASEAN-6 về tăng trưởng GDP đạt trên 7%, lạm phát dưới 4% và thu hút FDI đạt 34 tỷ USD
'Thần kỳ' là mỹ từ các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước dành cho Việt Nam khi đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt được trong 11 tháng qua. Mạnh mẽ vượt qua tác động khủng khiếp của cơn bão mạnh nhất trong 70 năm qua – bão Yagi, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với 7,4% trong quý III/2024 (theo Tổng cục Thống kê). Sản xuất và thương mại kiên cường và tiếp tục dẫn đầu quá trình phục hồi kinh tế. Dự kiến, tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%, thuộc top 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới và gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đồng thời, lạm phát duy trì dưới 4%, trong ngưỡng Quốc hội cho phép.
Không những vậy, năm 2024, Việt Nam là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), khi dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn duy trì mạnh mẽ , 11 tháng FDI đăng ký đạt 31,38 tỷ USD, FDI thực hiện đạt 21,68 tỷ USD, tiếp tục tăng cao năm thứ 3 liên tiếp.
Việt Nam cũng đã đạt được nhiều cam kết đầu tư cho những năm tiếp theo, củng cố vị thế tiếp tục là điểm đến của các tập đoàn công nghệ hàng đầu. Đồng thời mở ra cơ hội trở thành trung tâm công nghệ và trí tuệ nhân tạo hàng đầu khu vực, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững và nâng tầm kinh tế Việt Nam trên bản đồ thế giới.
2. Bộ 3 Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản được thông qua và có hiệu lực sớm 5 tháng so với dự kiến, cùng với biểu giá đất mới trên khắp cả nước
Việc 3 bộ luật có hiệu lực thi hành từ 1/8 được nhà đầu tư và người dân đánh giá đã tạo hành lang pháp lý tác động trực tiếp đến lĩnh vực đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản. Các hành vi gian dối, lừa đảo trong kinh doanh nhà, đất cũng sẽ bị ngăn chặn, giúp thị trường bất động sản minh bạch và phát triển bền vững.
Đặc biệt, Luật Đất đai 2024 sớm có hiệu lực là "cú hích" lớn đối với thị trường bất động sản. Theo đó, luật mới đã xây dựng hành lang pháp lý về giá đất để sát với thị trường, hướng dẫn các địa phương xây dựng bảng giá đất mới để hạn chế các bất cập trong tương lai.
Luật Nhà ở cũng ngay lập tức phát huy tác dụng khi hàng loạt chính sách, dự án về Nhà ở cho người thu nhập thấp được triển khai, thị trường Nhà ở ngày càng minh bạch, có lời cho người lao động.
3. Quốc hội thông qua Nghị quyết đầu tư 67 tỷ USD cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; Hơn 2.000 km dường bộ cao tốc đã hoàn thành, hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng được triển khai tạo bệ phóng mới cho phát triển kinh tế
Năm 2024, Ngành GTVT đã đưa 11 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 hoàn thành đi vào khai thác nối liên thông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước lên 2.021 km. Bộ GTVT đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam. Cụ thể, 12 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021 - 2025) dài 729 km, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km) được áp dụng hình thức chỉ định thầu được triển khai thi công, đến nay, có 7 dự án dự kiến sẽ hoàn thành giữa năm sau, số còn lại được đẩy tiến độ để phấn đấu thông xe cuối năm 2025.
Đặc biệt, vào kỳ họp tháng 11, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, sơ bộ tổng vốn 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương 67 tỷ USD, dự kiến hoàn thành năm 2035. Toàn tuyến được đầu tư với tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Đầu tư hạ tầng mạnh mẽ và đạt được kết quả kỳ vọng sẽ mang lại diện mạo mới cho đất nước và sự lan toả kinh tế sang nhiều lĩnh vực.
4. Giá vàng nhảy múa và biện pháp chưa có tiền lệ
Khởi đầu năm 2024, giá vàng trong nước niêm yết ở mức khoảng 70 triệu đồng/lượng. Sau 5 tháng, cùng với đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước nhảy vọt và lập đỉnh mới tại mốc gần 93 triệu đồng/lượng bán ra, tăng hơn 30%. Đồng thời giá vàng trong nước tạo ra chênh lệch lên tới 20 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi.
Trong bối cảnh giá vàng "sốt nóng", ngày 15/4/2024, Ngân hàng Nhà nước thực hiện giải pháp 'mạnh'. Ngân hàng Nhà nước bán đấu thầu vàng miếng SJC tăng cung vàng ra thị trường thông qua các ngân hàng sau 11 năm (kể từ năm 2013) với giá thấp hơn so với thị trường.
Tuy nhiên, giải pháp bán đấu thầu vàng không mang lại kết quả như kỳ vọng. Phải đến khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng biện pháp bán vàng trực tiếp cho nhóm ngân hàng Big4 (BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank) và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) với giá thấp hơn đáng kể so với thị trường – biện pháp chưa từng có tiền lệ mới đạt được hiệu quả rõ rệt.
Giá vàng đã giảm mạnh khoảng 7 triệu đồng so với mốc 93 triệu đồng được ghi nhận hồi tháng 5. Đồng thời, mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và vàng trong nước đã được thu hẹp đáng kể chỉ còn khoảng 4- 5 triệu đồng/lượng tùy thương hiệu.
5. "Hoãn xuất cảnh" với doanh nghiệp/cá nhân nợ thuế
Năm 2024 cụm từ "cấm xuất cảnh" hay "hoãn xuất cảnh" trở thành từ khóa được tìm kiếm hơn 33.300.000 trong 0,18 giây bởi hầu hết doanh nghiệp và người dân có nộp thuế thu nhập đều quan tâm. Nhiều doanh nghiệp phải thực hiện công bố thông tin bất thường 24h cho tình huống lãnh đạo cấp cao bị "hoãn xuất cảnh". Trong năm Tổng Cục Thuế đã thực hiện nhiều biện pháp cưỡng chế nợ thông qua các hình thức như tạm hoãn xuất cảnh, kê biên tài sản, thu qua hoá đơn… Tính đến tháng 11/2014, ngành thuế đã ban hành 58.680 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền nợ thuế là 80.512 tỷ đồng từ gần 6.500 người và đã thu hồi khoảng 4.289 tỷ đồng.
Cơ quan thuế cũng đã đưa 120.000 doanh nghiệp, cá nhân vào diện rà soát, đạt số thuế kê khai và nộp là 51.563 tỷ đồng. Đồng thời, đã xử lý vi phạm 30.668 trường hợp, truy thu và phạt gần 1.360 tỷ đồng.
Ngoài ra Tổng cục Thuế tổ chức siết chặt với các sàn thương mại điện tử, nhà cung cấp, kênh kinh doanh từ ngoài biên giới khi tham gia vào thương mại điện tử Việt Nam. Qua đó, đã có 120 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử, với số thuế đạt gần 8.690 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2023.
6. Khánh thành đường dây 500kV mạch 3 và tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Ngày 29/08/2024 dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 từ Phố Nối, tỉnh Hưng Yên đến Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình bổ sung khoảng 30 tỉ kWh điện mỗi năm chính thức được khánh thành. Đường dây tải điện 500 kV mạch 3 Phố Nối – Quảng Trạch có tổng chiều dài khoảng 519 km thi công trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đi qua nhiều địa hình hiểm trở. Song với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động, sáng tạo trong điều hành của Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, chỉ sau hơn 6 tháng thi công công trình đã về đích. Đây là một kỳ tích không chỉ riêng của ngành điện mà còn là kỳ tích của Việt Nam.
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối hoàn thành cùng với các tuyến đường dây 500 kV mạch 1 & 2 sẽ trở thành trục xương sống quan trọng, góp phần cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong giai đoạn mới.
Ngày 30/11/2024, sau 8 năm tạm dừng, Quốc hội đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tại Luật Điện lực 2024, Quốc hội đồng ý về chủ trương đưa điện hạt nhân vào phạm vi điều chỉnh của Luật.
Việc tái khởi động chủ trương đầu tư, phát triển điện hạt nhân được sự đồng thuận từ chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ trước thực tiễn đất nước phát triển ngày một nhanh chóng, nhu cầu điện quốc gia ngày càng lớn, trong khi nguồn điện đang có nguy cơ thiếu hụt trong bối cảnh Việt Nam phải thực hiện mục tiêu giảm phát thải nhà kính về 0 vào năm 2050.
7. Ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và "cú bắt tay lịch sử"
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Chiến lược định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đến năm 2050 theo lộ trình 3 giai đoạn.
Việc ban hành chiến lược này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực và các cơ hội từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.
Và thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và NVIDIA ngày 5/12/2024 được coi là "cú bắt tay lịch sử" mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc phát triển công nghệ AI và bán dẫn, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế số của đất nước.
Theo thoả thuận, thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) và Trung tâm Dữ liệu AI đồng thời NVIDIA dự kiến đầu tư từ 4 đến 4,5 tỷ USD vào Việt Nam trong vòng 4 năm tới, tạo ra khoảng 4.000 việc làm trực tiếp và từ 40.000 đến 50.000 việc làm gián tiếp.
8. Lần đầu tiên 2 đầu tàu kinh tế đạt thu ngân sách Nhà nước vượt 500.000 tỷ đồng
Chiều 11/12, tại Kỳ họp lần thứ 20 HĐND, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thu ngân sách Nhà nước của Hà Nội lần đầu tiên vượt 500.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với 2023, chiếm khoảng 28% tổng thu cả nước.
Trước đó, tại Tp. Hồ Chí Minh, sáng ngày 4/12/2024, Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 34, phát biểu tại hội nghị, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, thu ngân sách Nhà nước năm 2024 của Thành phố đạt hơn 502.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023, đóng góp 27% tổng thu ngân sách cả nước.
Kết quả nói trên cho thấy nhiều nỗ lực của 2 đầu tàu kinh tế Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh từ triển khai biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, để đẩy nhanh tiến độ giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án, đưa đất vào sử dụng, không để chậm, gây lãng phí, hoang hóa.. Cũng như từ các công cụ truy thu, xử lý thuế của cơ quan Thuế, Hải quan các địa phương, qua đó tạo nguồn thu ngân sách rất lớn cho Nhà nước.
9. Nở rộ sàn thương mại điện tử và nhức nhối tình trạng lừa đảo trên không gian mạng
Trong năm 2024, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Trung Quốc đã bùng nổ các hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Điều này mang đến sự đa dạng sản phẩm cũng như thuận tiện mua sắm với người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên sự gia nhập của các sàn TMĐT Trung Quốc tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp và sàn TMĐT trong nước. Đồng thời việc kiểm soát chất lượng sản phẩm và nguồn gốc hàng hóa từ các sàn này đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong khi đó, song song với phát triển mạnh sàn thương mại điện tử ở Việt Nam là tình trạng lừa đảo nở rộ trong lĩnh vực đầu tư tài chính và chứng khoán quốc tế tại Việt Nam. Các thủ đoạn lừa đảo phổ biến như: Mạo danh sàn giao dịch uy tín; Lời mời gọi lợi nhuận cao; Sử dụng công nghệ cao; Lập nhóm tư vấn giả mạo. Và hậu quả là nhiều nhà đầu tư đã bị lừa đảo, mất số tiền lớn, có trường hợp lên đến hàng chục tỷ đồng. Tiêu biểu mới đây là vụ triệt phá tội phạm Mr Pips Phó Đức Nam với số tài sản thu giữ ước tính 5.200 tỷ đồng.
10. Kim ngạch xuất nhập khẩu tiến tới mốc lịch sử 800 tỷ USD, nông sản lập kỷ lục xuất khẩu mới với trên 62 tỷ USD.
Năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức phục hồi ấn tượng với tổng kim ngạch ước tính 783 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước, vượt xa mục tiêu tăng trưởng Chính phủ giao (+6%). Trong đó, xuất khẩu vượt mốc 400 tỷ USD, tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức cao, gần 25 tỷ USD, đánh dấu năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu.
Cả nước ghi nhận 36 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, với 7 mặt hàng vượt 10 tỷ USD. Ngành nông lâm thủy sản gây ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu trên 62 tỷ USD, vượt xa mục tiêu đầu năm (55-57 tỷ USD) và tăng hơn 18% so với 2023. Xuất khẩu gạo lần đầu tiên chạm mốc 9 triệu tấn, đạt giá trị 6 tỷ USD, khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong an ninh lương thực toàn cầu.
Nhiều mặt hàng khác cũng ghi dấu ấn: rau quả đạt trên 7 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ 16,1 tỷ USD, cà phê gần 5,5 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD và cao su 3,2 tỷ USD. Thành tựu này tiếp tục khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ thương mại thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.