Ngày 24/12, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) đã có báo cáo kết quả điều tra, giám sát, xử lý sự cố an toàn thực phẩm tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội.
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, vụ ngộ độc ở Long Biên, Hà Nội, khiến 2 người chết, 20 người nhập viện cấp cứu do ngộ độc hóa chất Acetonitrile có trong rượu trắng.
Vậy hoá chất Acetonitrile từ đâu mà có, độc hại thế nào? Trước vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội thắc mắc không hiểu tại sao hoá chất Acetonitrile lại lẫn vào trong rượu. Đây là một dung môi công nghiệp được sử dụng trong sản xuất hóa chất, dược phẩm và các ứng dụng kỹ thuật. Acetonitril thường không phải là thành phần tự nhiên trong rượu.
Theo ông Thịnh, trong các vụ ngộ độc rượu, thủ phạm phổ biến thường là Methanol, không phải Acetonitril. Methanol được dùng làm dung môi công nghiệp và đôi khi bị pha trộn vào rượu giả, gây ngộ độc nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu Acetonitril được sử dụng một cách bất hợp pháp trong quá trình sản xuất rượu hoặc pha trộn rượu giả, thì ngộ độc Acetonitril có thể xảy ra.
"Khi vào cơ thể, Acetonitril được chuyển hóa thành Cyanide, một chất cực độc và có thể gây ngộ độc nghiêm trọng. Hít phải acrylonitrile có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm hắt hơi, tức ngực, ho, yếu tay chân, buồn nôn và nôn, buồn ngủ, nhịp tim không đều, co giật và ngất xỉu. Nhìn chung, mức độ phơi nhiễm càng nghiêm trọng thì các triệu chứng càng nghiêm trọng. Trong cơ thể, acrylonitrile phân hủy để giải phóng xyanua. Các triệu chứng có thể xảy ra do bất kỳ loại phơi nhiễm nào với acrylonitrile bao gồm qua da hoặc qua đường tiêu hóa", ông Thịnh nhấn mạnh.
Ông Thịnh cho hay, Acetonitril là một nitril hữu cơ, được sử dụng chủ yếu để làm dung môi chạy HPLC trong chiết xuất dược liệu, pin lithium, phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu trong phòng thí nghiệm.
"Methanol nếu kết hợp Acetonitrile ở trong đó khi nhiễm vào cơ thể sẽ phân giải thành hợp chất xyanua rất độc, có thể gây chết người. Tôi cũng không loại trừ khả năng can đựng rượu trước đó có chứa Acetonitrile nhưng khi tái sử dụng súc rửa chưa sạch. Rượu là dung môi rất tốt hoà tan nên không loại trừ khả năng khi rót rượu vào Acetonitrile còn dính lại ở can gây ra độc tố gây chết người", ông Thịnh nêu quan điểm.
- Là dung môi quan trọng trong việc tinh chế butadien ở các nhà máy lọc dầu giúp loại bỏ hắc ín, phenol và các tạp chất khác khỏi hydrocacbon dầu mỏ. Cụ thể như sau: Hóa chất này sẽ được đưa vào đầu một cột chưng cất đầy hydrocarbon gồm cả butadiene. Khi ACN chảy qua cột, nó sẽ hấp thụ butadiene rồi được chuyển từ đáy tháp lên tháp thứ 2. Sau đó, sử dụng nhiệt năng để tách riêng butadiene.
- Là nguồn nguyên liệu để điều chế ra orthoacetate, acetophenone, axit alpha-naphthalenacetic... Bên cạnh đó, nó cũng được sử dụng là nguyên liệu sản xuất các dẫn xuất pyridine là chất trung gian của thuốc diệt cỏ sulfonylurea. Đặc biệt, nó có thể dùng để sản xuất vitamin B1 trong lĩnh vực công nghiệp dược phẩm, pin, các sản phẩm cao su (monome cao su nitrile).
- Là chất tiêu chuẩn trong phân tích sắc ký, cũng như dung môi và pha tĩnh cho sắc ký khí, sắc ký lỏng hiệu năng cao HPLC.
- Được sử dụng làm dung môi để chiết xuất axit béo từ dầu thực vật và động vật trong ngành công nghiệp axit béo. Đồng thời, nó còn là môi trường phản ứng của quá trình kết tinh các loại thuốc steroid trong ngành y học.
- Được sử dụng làm dung môi cho hầu hết các hợp chất vô cơ.
- Được dùng làm dung môi để đo quang phổ, pha loãng để xác định nhóm cacboxyl.
- Do có hằng số điện môi cao và khả năng phân rã các chất điện li nên nó được dùng trong các ứng dụng liên quan đến pin điện.
Trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo Công an quận Long Biên cho biết, hiện đơn vị vẫn đang điều tra làm rõ hoá chất Acetonitrile có từ đâu. Nguyên nhân gây ngộ độc được xác định là do hóa chất Acetonitrile có trong rượu trắng do Công ty TNHH MTV NBC Pacific mang đến. “Qua xác minh, Công ty TNHH MTV NBC Pacific có sử dụng hoá chất Acetonitrile sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi nên chúng tôi đang điều tra có từ đâu”, vị này thông tin thêm.
Ngày 19/12, Công ty TNHH MTV NBC Pacific tổ chức hội thảo tại một trung tâm hội nghị ở phường Phúc Lợi, quận Long Biên. Sau bữa ăn trưa cùng ngày, 20 người có biểu hiện ngộ độc nhập viện, 2 người tử vong.
Ngoài thực đơn do đơn vị tổ chức sự kiện cung cấp, công ty này có mang thêm 20 lít rượu trắng vào bữa tiệc để sử dụng. Trong số 80 người tham gia hội nghị, có 20 người nhập viện.
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, nguyên nhân xảy ra vụ việc là do ngộ độc hóa chất Acetonitrile có trong rượu trắng. Theo đó, tất cả bệnh nhân trên đều liên quan đến sử dụng dịch vụ ăn uống tại trung tâm hội nghị và sử dụng rượu trắng tự mang vào. Lực lượng chức năng đã lấy tổng số 53 mẫu thực phẩm và rượu có liên quan đi xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm cho thấy trong 6 mẫu rượu do công ty tự mang đến, có 2 mẫu rượu nồng độ Methanol vượt quá giới hạn cho phép và phát hiện Acetonitrile; 4 mẫu rượu khác các chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép.
14 mẫu thức ăn lưu không phát hiện vi sinh vật gây bệnh; 4 mẫu nước uống có các chỉ tiêu kiểm nghiệm vi sinh, hóa học trong giới hạn. Các mẫu bệnh phẩm (máu, nước tiểu) phát hiện Acetonitrile và Cyanid.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, nguyên nhân vụ ngộ độc được kết luận là do ngộ độc hóa chất Acetonitrile có trong rượu trắng do công ty mang đến.