Vụ ngộ độc ở Long Biên (Hà Nội) khiến 2 người chết: Do hóa chất cực độc có trong rượu mang vào?
Vụ ngộ độc ở Long Biên (Hà Nội) khiến 2 người chết: Do hóa chất cực độc có trong rượu mang vào?
Gia Khiêm - Diệu Linh
Thứ ba, ngày 24/12/2024 12:45 PM (GMT+7)
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội), vụ ngộ độc ở Long Biên, Hà Nội, khiến 2 người chết, 15 người nhập viện cấp cứu do ngộ độc hóa chất Acetonitrile có trong rượu trắng.
Ngày 24/12, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội có báo cáo kết quả điều tra, giám sát, xử lý sự cố an toàn thực phẩm tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội.
Cụ thể, ngày 19/12, Công ty TNHH MTV NBC Pacific tổ chức hội thảo tại một trung tâm hội nghị ở phường Phúc Lợi, quận Long Biên. Sau bữa ăn trưa cùng ngày, 20 người có biểu hiện ngộ độc nhập viện, 2 người tử vong.
Ngoài thực đơn do đơn vị tổ chức sự kiện cung cấp, công ty này có mang thêm 20 lít rượu trắng vào bữa tiệc để sử dụng. Trong số 80 người tham gia hội nghị, có 20 người nhập viện.
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, nguyên nhân xảy ra vụ việc là do ngộ độc hóa chất Acetonitrile có trong rượu trắng.
Theo đó, tất cả bệnh nhân trên đều liên quan đến sử dụng dịch vụ ăn uống tại trung tâm hội nghị và sử dụng rượu trắng tự mang vào. Lực lượng chức năng đã lấy tổng số 53 mẫu thực phẩm và rượu có liên quan đi xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm cho thấy trong 6 mẫu rượu do công ty tự mang đến, có 2 mẫu rượu nồng độ Methanol vượt quá giới hạn cho phép và phát hiện Acetonitrile; 4 mẫu rượu khác các chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép.
14 mẫu thức ăn lưu không phát hiện vi sinh vật gây bệnh; 4 mẫu nước uống có các chỉ tiêu kiểm nghiệm vi sinh, hóa học trong giới hạn. Các mẫu bệnh phẩm (máu, nước tiểu) phát hiện Acetonitrile và Cyanid.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội. nguyên nhân vụ ngộ độc được kết luận là do ngộ độc hóa chất Acetonitrile có trong rượu trắng do công ty mang đến.
Trước đó, ngày 22/12, bác sĩ Nguyễn Mạnh Chiến, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hiện có 14 bệnh nhân điều trị với các biểu hiện ngộ độc khác nhau. Các triệu chứng bao gồm rối loạn tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy), rối loạn thần kinh (đau đầu, nói sảng, rối loạn ý thức), rối loạn tuần hoàn, chuyển hóa.
Trong số này, 5 bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng, nhiễm độc, phải hồi sức tích cực, lọc máu, đặt nội khí quản và thở máy. Hai ca nặng nhất đã được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực để giảm tải. Trong 9 bệnh nhân còn lại, 2 ca nhẹ, 7 ca ở mức trung bình hoặc nặng, tình trạng dần tiến triển.
Người nhà một bệnh nhân nặng cho biết sau khi tham dự sự kiện, bệnh nhân từ Hà Nội về Bắc Giang, trên đường xuất hiện buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi và được đưa vào bệnh viện huyện. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.
Tất cả người bệnh đang được theo dõi sát sao, bao gồm đánh giá chức năng tim mạch, huyết động, và xét nghiệm máu, nước tiểu, phân để tìm chất độc hoặc vi khuẩn gây bệnh. Các mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai và gửi đến Viện Pháp Y Quốc gia, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo bác sĩ Chiến, bệnh viện đã tổ chức hội chẩn liên chuyên khoa để đưa ra phương án điều trị tối ưu. Qua theo dõi, các bệnh nhân đều có hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, nhiễm toan chuyển hóa với lactat tăng cao, tổn thương cơ tim nhẹ, giãn mạch ngoại biên và ức chế cơ tim.
Acetonitril là một dung môi công nghiệp được sử dụng trong sản xuất hóa chất, dược phẩm và các ứng dụng kỹ thuật. Acetonitril thường không phải là thành phần tự nhiên trong rượu.
Trong các vụ ngộ độc rượu, thủ phạm phổ biến thường là Methanol, không phải Acetonitril. Methanol được dùng làm dung môi công nghiệp và đôi khi bị pha trộn vào rượu giả, gây ngộ độc nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu Acetonitril được sử dụng một cách bất hợp pháp trong quá trình sản xuất rượu hoặc pha trộn rượu giả, thì ngộ độc Acetonitril có thể xảy ra.
Khi vào cơ thể, Acetonitril được chuyển hóa thành Cyanide, một chất cực độc và có thể gây ngộ độc nghiêm trọng.
Hít phải acrylonitrile có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm hắt hơi, tức ngực, ho, yếu tay chân, buồn nôn và nôn, buồn ngủ, nhịp tim không đều, co giật và ngất xỉu. Nhìn chung, mức độ phơi nhiễm càng nghiêm trọng thì các triệu chứng càng nghiêm trọng. Trong cơ thể, acrylonitrile phân hủy để giải phóng xyanua. Các triệu chứng có thể xảy ra do bất kỳ loại phơi nhiễm nào với acrylonitrile bao gồm qua da hoặc qua đường tiêu hóa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.