Năm 2002 và 2004, các nhà khảo cổ trực tiếp khai quật hai ngôi mộ cổ có quan tài ở khu cánh đồng Cây đa Ông Hàm và đếm được tổng số vỏ của 6 quan tài độc mộc khác.
Ngôi mộ được khai quật năm 2004 ở Động Xá là ngôi mộ được nghiên cứu tỷ mỷ nhất trong số các ngôi mộ cổ thời kỳ văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam.
Ngôi mộ cổ cũng nằm trong địa tầng chung của vùng này, đó là tầng đất xám đen bên dưới tầng sét trắng. Bề mặt nguyên thuỷ được phủ phù sa sét nâu. Mặc dù khai quật cẩn thận và có chủ ý xác định vách huyệt mộ, nhưng các chuyên gia khảo cổ, bảo tàng Úc không tìm được biên thành mộ và miệng huyệt mộ.
Ngôi mộ có quan tài làm từ nửa chiếc thuyền độc mộc. Chiếc thuyền nguyên thuỷ dài chừng 5m. Người xưa đã cắt đôi chiếc thuyền bằng rìu để dùng một nửa chôn người chết.
Đây là loại thuyền độc mộc đẽo thu ở hai đầu, nơi rộng nhất đo được khoảng 80cm, phần đầu mũi thuyền để lại gỗ dày 20cm, phía lưng đẽo vát lên khiến đáy thuyền có hình cong vát.
Trên thành miệng quan tài còn giữ được dãy lỗ mộng chốt đinh gỗ dùng để cơi mạn thuyền bằng cách ghép các ván phụ. Để bịt lại chỗ hở ở đầu cắt quan tài, người xưa dùng kỹ thuật ghép hộp như đã thấy ở quan tài chứa đồ đồng.
Đó là đánh khấc vách ngăn ở vị trí cách đường chặt 8cm rồi đặt vào đó một tấm ván làm từ loại vỏ cây cứng, dày 2cm, hình bán nguyệt. Trên tấm ván có một lỗ thủng có thể tượng trưng cho lỗ thoát hồn.
Cách khoảng 20cm về phía bên trong, người xưa cũng làm một rãnh khấc nữa và cũng đặt một tấm ngăn tương tự để tạo ra một ngăn riêng đựng đồ tuỳ táng. Trong ngăn này các nhà khảo cổ phát hiện một nồi gốm thô Đông Sơn...
Xác chết được chuyên gia nhân chủng Nhật Bản, Giaó sư Matsumura, xác định là đàn ông tuổi chừng 35 – 40, chiều cao toàn thân khoảng 1,50m.
Toàn thân xác người chết được bọc những lớp vải gai thưa có trang trí những băng sợi tơ tằm rộng chừng 1,5cm. Bên ngoài là những lớp cói đan mỏng mịn.
Ngăn cách giữa bọc xác với quan tài là một tấm nệm cỏ. Bên trong bọc xác, xương đã mủn gần hết. Những bức ảnh X-Quang giúp các nhà khoa học xác nhận dáng nằm của thi thể, những chiếc răng và những đồng tiền ngũ thù đời Hán ở phần mặt và chân.
Vải trong mộ được xác định là vải gai và những sợi tơ tằm được dệt đan xen trang trí.
Trống đồng Động Xá được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hưng Yên. Đây là chiếc trống đồng cổ xưa dân làng Động Xá vô tình đào trúng khi đi cải tạo kênh mương nội đồng vào năm 1997 ở độ sâu 2,5m. Cái trống đồng phát lộ ở cánh đồng làng Động Xá, thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên) có niên đại khoảng 2.000-2.300 năm.
Năm 1997, khi tu sửa bờ mương và đào ao ở gần làng, nhân dân thôn Động Xá phát hiện trong lòng đất 1 trống đồng nguyên vẹn ở độ sâu 2,5m so với mặt ruộng.
Chiếc trống đồng phát hiện ở Động Xá (gọi là trống đồng Động Xá) là chiếc trống đồng rất độc đáo.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, trống có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 - 2.300 năm, thuộc văn hoá Đông Sơn.
Mặt trống trang trí 7 vành hoa văn, hoạ tiết chính gồm: Chính giữa đúc nổi hình sao 9 cánh xen vạch răng cưa, vòng tròn đồng tâm, 4 hình chim lạc, 4 con nhái đúc nổi quay ngược chiều kim đồng hồ.
Tang trống phình cong, đúc nổi hoa văn hình tròn đồng tâm, vạch răng cưa, hình người chèo thuyền. Hình vẽ người phụ nữ trong trang phục áo dài cổ tròn, mặc váy lộ bắp chân, khuôn mặt đẹp, mũi cao, đeo vòng khuyên tai lớn, tóc quấn trần búi gọn phía sau, buộc theo dải lụa toả xuống đang thư thái kéo mái chèo, hai mũi thuyền độc mộc cong vênh lên cao, được trang trí bằng vòng tròn đồng tâm.
Thân trống đồng thắt, trang trí hình chim mỏ dài đứng trên lưng trâu, đặc biệt là hình trâu có sừng dài đang trong tư thế ăn cỏ, đang giao phối; ngăn giữa các ô trang trí là hoạ tiết vòng tròn đồng tâm tiếp tuyến đứng, chấm dài.
Trống đồng Động Xá có 4 đôi quai kép trang trí hoa văn bện thừng. Chân trống choãi không có trang trí hoa văn.
Theo các nhà khảo cổ học, trống đồng Động Xá mang đậm giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật; là hiện vật khảo cổ học minh chứng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên từ xa xưa các cư dân thời đại Hùng Vương đã từng đến sinh cơ lập nghiệp.
Đồ án trang trí mỹ thuật hiếm hoi, sinh động và độc đáo trên trống thể hiện sự cự thịnh cho nền mỹ thuật kim khí của cư dân Lạc Việt , đồng thời nói lên phần nào nét sinh hoạt văn hoá phong phú của xã hội bấy giờ.