Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM kế hoạch điều tra xã hội học cho toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn TP.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, việc điều tra nhằm rà soát số liệu thống kê nhà trên và ven sông, kênh rạch cần phải di dời. Trong đó, làm rõ các nội dung như: xác định thông tin nhân khẩu, tình trạng cư trú và hoạt động sinh kế của người dân, chất lượng và tình trạng pháp lý của nhà ở, xác định nhu cầu, nguyện vọng của người dân đối với việc di dời nhà ở.
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM dự kiến sẽ phát 46.452 phiếu khảo sát tương ứng với số lượng nhà ở trên và ven sông, kênh rạch hiện nay chưa có phương án di dời tại quận: 4, 5, 6, 7, 8, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân; các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ và TP.Thủ Đức.
Quy trình thực hiện gồm 3 bước: chuẩn bị khảo sát (10 ngày); khảo sát thực tế (khoảng 30 ngày); phân tích và bảo cáo (10 ngày). Kinh phí khảo sát dự toán khoảng 8,6 tỷ đồng.
Kết quả khảo sát sẽ là bộ cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh để sử dụng được cho những nhu cầu công việc triển khai tiếp theo và báo cáo phân tích kết quả điều tra xã hội học phục vụ đề án di dời.
Trước đó, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tạo ra không gian đô thị thông thoáng, giảm thiểu nguy cơ thiên tai, đồng thời phát triển hạ tầng giao thông và môi trường sống đô thị, TP.HCM đã xây dựng đề án Di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh, rạch.
Đây được xem là đề án "khủng" bởi hiện còn đến hơn 46.000 căn nhà trên và ven sông, kênh rạch trên địa bàn TP.HCM chưa triển khai thực hiện, chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Tại cuộc họp về xây dựng Đề án đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội và chính sách bồi thường phục vụ cho công tác di dời đối với nhà đất trên và ven sông, kênh, rạch trên toàn địa bàn TP.HCM, Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi cho hay, TP quyết tâm đến năm 2030, cơ bản phải di dời, tái định cư 46.000 căn nhà trên/ven sông, kênh rạch địa bàn TP.
Đối với việc chỉnh trang quỹ đất sau di dời, ngoại việc chỉnh trang về giao thông, thủy lợi, cảnh quan, TP sẽ chọn một số địa điểm chỉnh trang kết hợp khai thác quỹ đất dựa trên cơ sở pháp lý hoặc điểm tựa pháp lý nhưng không lạm dụng để tạo nguồn vốn.
Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với các quận, huyện về vị trí tái định cư, khai thác quỹ đất và rà soát quy hoạch để xem cần điều chỉnh hoặc bổ sung quy hoạch hay không. Chủ tịch UBND TP.HC Phan Văn Mãi yêu cầu Sở Xây dựng cùng Viện Nghiên cứu và Phát triển thuê đơn vị tư vấn để thực hiện các nhiệm vụ theo đúng tiến độ.