Dân Việt

Vụ Công an triệt phá đường dây cá độ bóng đá gần 600 tỷ đồng, người tham gia đánh bạc bị xử lý thế nào?

T. Nam - K. Trinh 27/12/2024 07:17 GMT+7
Theo luật sư, căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của từng vụ việc và số tiền được sử dụng để cá độ mà người có hành vi đánh bạc có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Công an triệt phá đường dây cá độ bóng đá gần 600 tỷ đồng

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định vừa chủ trì, phối hợp triệt xóa một đường dây hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá trên không gian mạng xuyên tỉnh, thành, với tổng số tiền giao dịch ước tính khoảng 600 tỷ đồng.

Đây là chuyên án mà Công an tỉnh ra quân trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Qua công tác trinh sát nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định đã phát hiện một đường dây hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc xuyên tỉnh, thành trong toàn quốc dưới hình thức cá độ bóng đá trên không gian mạng.

Các đối tượng trong đường dây có sự phân công vai trò, nhiệm vụ; sử dụng mạng internet và các ứng dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội.

Cầm đầu đường dây là Trần Ngọc Linh (SN 1983; ngụ phường Lộc Vượng, TP Nam Định) và các đối tượng trong đường dây gồm: Đoàn Phúc Hưng (SN 1984); Đỗ Quốc Chính (SN 1991; cùng ngụ TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam); Nguyễn Đức Thành (SN 1976; ngụ quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).

Vụ Công an triệt phá đường dây cá độ bóng đá gần 600 tỷ đồng, người tham gia đánh bạc bị xử lý thế nào?- Ảnh 1.

Các đối tượng trong đường dây cá độ tại cơ quan công an. Ảnh: Báo NLĐ.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, các đối tượng đã lôi kéo nhiều người ở các tỉnh, thành trong toàn quốc tham gia cá độ bóng đá trên không gian mạng với tổng số tiền giao dịch đánh bạc ước tính gần 600 tỉ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về tội "Tổ chức đánh bạc" và "Đánh bạc".

Người tham gia đánh bạc có thể sẽ phải chịu trách hình sự

Luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc Công ty Luật TNHH Tín Hải cho hay, các giải bóng đá quốc tế nói chung và giải bóng đá AFF Cup 2024 đang diễn ra được xem là cao điểm của nạn cá độ bóng đá trong dịp cuối năm nay.

Các đối tượng tội phạm cá độ bóng đá trên không gian mạng thường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng như: Sử dụng các thiết bị di động thông minh có kết nối mạng internet để trao đổi thông tin, thực hiện hành vi phạm tội; Lợi dụng sở hở trong quản lý, kiểm soát không gian mạng, quản lý sim rác, quản lý thanh toán để thực hiện tội phạm.

Người chơi chỉ cần có các thiết bị kết nối Internet, đăng ký tài khoản thành viên, có tài khoản cá nhân tại các ngân hàng, chuyển tiền vào tài khoản hoặc nạp tiền đánh bạc thông qua thẻ cào điện thoại, qua cổng trung gian thanh toán để tham gia cá cược.

Nếu thua không có tiền thanh toán, người chơi có thể bị các đối tượng cầm đầu cưỡng ép trả tiền bằng các hình thức như bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản hoặc thuê các đối tượng hình sự đòi nợ…

Theo luật sư Huy, cá độ bóng đá nhằm mục đích ăn thua bằng tiền hay hiện vật là một trong những hình thức của hành vi đánh bạc trái phép. Không phụ thuộc vào số tiền dùng để cá độ mà chỉ cần có hành vi cá độ ăn tiền, các đối tượng có thể sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. 

Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của từng vụ việc và số tiền được sử dụng để cá độ mà người có hành vi cá độ bóng đá có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp bị xử phạt hành chính, người tham cá độ bóng đá ăn tiền có thể bị phạt hành chính theo Khoản 2 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP với với mức phạt tiền là 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và người tổ chức cá cược có thể bị phạt tiền theo Khoản 4 Điều này với mức số tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, người tham gia và người tổ chức còn phải chịu hình phạt bổ sung như bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm…

Cũng theo luật sư Huy, không chỉ người trực tiếp tham gia cá cược bóng đá mới bị xử lý mà người tổ chức cũng sẽ bị xử lý về hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc trái phép. Vì vậy, nếu trường hợp hành vi của của các đối tượng trên cấu thành tội phạm thì tùy thuộc vào số tiền hoặc giá trị hiện vật cá cược mà các đối tượng trực tiếp tham gia vào hành vi cá độ bóng đá trái phép có thể bị xử lý về Tội đánh bạc và Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc quy định tại Điều 321 và Điều 322, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, tùy mức độ phạm tội mà người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Đối với Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong vụ việc này, tùy vào số người tham gia đánh bạc, giá trị cá độ, tính chất vụ việc mà các đối tượng trên có thể nhận khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Có tính chất chuyên nghiệp; 

Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.