Nhóm đối tượng chuyên dùng ô tô gắn biển số giả để trộm chó ở Tây Ninh, có thể bị xử lý hình sự không?

T. Nam - K. Trinh Thứ năm, ngày 26/12/2024 15:02 PM (GMT+7)
Theo luật sư, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà người trộm chó có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bình luận 0

Khởi tố nhóm đối tượng chuyên dùng ô tô gắn biển số giả để trộm chó

Công an huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh) mới đây đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam 4 bị can về hành vi trộm cắp tài sản, gồm: Nguyễn Văn Dĩnh (45 tuổi, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên); Nguyễn Thanh Gấm (39 tuổi), Võ Chiến Thắng (34 tuổi, cùng ngụ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) và Nguyễn Văn Khánh, 39 (tuổi huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). 

Các bị can nói trên có liên quan đến nhiều vụ trộm chó xảy ra trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Trước đó, tối 22/12, Công an huyện Gò Dầu phối hợp cùng Công an thị xã Trảng Bàng, Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Tây Ninh đột kích tại khu vực ấp Bến Kinh, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng bắt quả tang Dĩnh đang thu mua chó trộm từ các bị can Gấm, Thắng, Khánh.
Nhóm đối tượng chuyên dùng ô tô gắn biển số giả để trộm chó, có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Nhóm đối tượng vừa bị cơ quan Công an huyện Gò Dầu (Tây Ninh) khởi tố điều tra hành vi trộm cắp tài sản. Ảnh: Báo Thanh Niên.

Tang vật thu giữ gồm: 2 xe ô tô con; 2 xe ô tô tải; 2 bộ dụng cụ bắn chó (súng điện tự chế) kết nối với bình ắc quy; 20 cây đinh sắt (loại tam giác); 1 cân đồng hồ và hơn 37 triệu đồng tiền mặt.

Theo kết quả điều tra ban đầu, hằng đêm từ 23h đến 4h sáng ngày hôm sau, Thắng, Gấm đi xe ô tô gắn biển số giả trên các tuyến đường ở thị xã Hòa Thành, huyện Tân Biên, huyện Tân Châu (Tây Ninh), còn Khánh đi hướng huyện Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng. 

Các bị can thường tìm những nhà dân nuôi chó thả bên ngoài rồi dùng súng bắn điện để bắt chó, mỗi đêm trộm hàng chục con chó. Sau đó đưa về tập kết ở ấp Bến Kinh, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng bán lại cho Dĩnh với giá 400 nghìn đồng/1 con, thu lợi từ 4 đến 6 triệu đồng.

Tiếp đó, Dĩnh thu gom chó đưa lên xe tải chở qua tỉnh Bình Dương bán lại cho những người khác, thu lợi từ 4 đến 8 triệu đồng.

Nhóm đối tượng gây ra vụ việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc Công ty Luật TNHH Tín Hải cho hay, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà người trộm chó có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về mặt hành chính, căn cứ theo Điểm a Khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội...) hành vi trộm cắp tài sản, trong đó bao gồm hành vi trộm chó sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Về xử lý hình sự, Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định hành vi trộm cắp tài sản, trong đó bao gồm hành vi trộm chó nếu có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc tài sản trộm cắp dưới 2.000.000 đồng nhưng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, nhưng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trường hợp, hành vi trộm chó của các đối tượng trong vụ việc được phía cơ quan điều tra xác định thuộc một trong các trường như có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm... có thể sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Theo luật sư Huy, trong quá trình trộm chó các đối tượng có thể đã gây náo động cả khu dân cư, làm xáo trộn trật tự, an ninh tại khu vực đó. Đây có thể xem là cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng trộm chó về tội Trộm cắp tài sản mà không cần xem xét giá trị tài sản trộm.

Bên cạnh đó, nhóm đối tượng trên thể hiện sự manh động, tinh vi, coi thường pháp luật khi sử dụng biển số giả nhằm che giấu hành vi phạm tội và gây khó khăn trong điều tra cho cơ quan chức năng.

Việc sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán biển số xe ô tô là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Các phương tiện gắn biển số giả sẽ gây khó khăn trong công tác điều tra, phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, pháp luật nước ta về những hành vi sản xuất, sử dụng biển số xe giả với mức phạt còn khá thấp và chưa đủ sức răn đe.

Bởi vậy, theo quy định tại Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021), hành vi điều khiển ô tô gắn biển kiểm soát không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển kiểm soát không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) sẽ bị phạt từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng, tịch thu biểm kiểm soát giả và tước giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.

Trường hợp, nhóm đối tượng đã sử dụng biểm kiểm soát giả để sử dụng làm công cụ phục vụ mục đích phạm tội hoặc né tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng nên có thể khởi tố hình sự thêm về tội làm giả con con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức tại Điều 341 Bộ luật hình sự.

Đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật thì người thực hiện hành vi phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tùy thuộc vào những tình tiết khác mà người phạm tội các hành vi này có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm hoặc nặng hơn là bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem