Dân Việt

Vụ cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng bị khởi tố dưới góc nhìn pháp lý

Phi Long 27/12/2024 13:01 GMT+7
Quá trình điều tra mở rộng vụ án Phúc Sơn, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bổ sung ông Phạm Văn Vọng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và 2 cựu Bí thư Phú Thọ là các ông Ngô Đức Vượng, Nguyễn Doãn Khánh. Luật sư đã có những phân tích dưới góc độ pháp lý vụ việc này.

Bộ Công an thông tin vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn

Chiều 26/12, Bộ Công an đã tổ chức họp báo thông báo về tình hình và kết quả công tác công an năm 2024; phương hướng nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2025 và định hướng công tác tuyên truyền về công tác công an trong thời gian tới.

Tại họp báo, đại diện Cơ quan điều tra Bộ Công an (C03) đã thông tin diễn biến mới về vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, gồm khởi tố một số bị can nguyên là lãnh đạo Vĩnh Phúc và Phú Thọ.

Cụ thể C03 đã khởi tố ông Phạm Văn Vọng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Phùng Quang Hùng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Hà Hòa Bình, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại Phú Thọ, 2 cựu Bí thư Tỉnh ủy địa phương này bị khởi tố gồm các ông Ngô Đức Vượng và Nguyễn Doãn Khánh.

Cả 5 người trên đều bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo khoản 3, Điều 356.

Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và một số cơ quan, địa phương liên quan, được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi.

Cảnh sát đã khởi tố, bắt tạm giam hàng chục bị can để điều tra về các tội danh: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo Bộ Công an, vụ án Tập đoàn Phúc Sơn "là một vụ án rất phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương, khối lượng đồ vật, tài liệu cần thu thập tương đối lớn".

Cơ quan điều tra đang củng cố tài liệu, chứng cứ, đồng thời mở rộng vụ án, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trên 300 tỷ đồng, 2 triệu đôla Mỹ, trên 500 lượng vàng, tạm giữ trên 1.000 sổ đỏ.

img

Bị can Phạm Văn Vọng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Ảnh: DV.

Quy định về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Luật sư Hoàng Anh Sơn – Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 có khung hình phạt cụ thể như sau:

Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm trong các trường hợp vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại khác về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm đối với người thực hiện hành vi được quy định tại khung 1 và thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm đối với người dân thực hiện hành vi phạm tội ở khung 1 và phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Như vậy,  theo luật sư Sơn, người phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù với khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù tùy theo tính chất mức độ của hành vi phạm tội, tài sản thiệt hại,…. 

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng theo quy định.