Lần đầu anh qua Pháp triển lãm cùng họa sĩ Trịnh Tuân, Phạm Long ngại nhà tôi chật, nên ưu tiên Công Quốc Hà ở riêng một căn hộ trong Paris, còn họa sĩ Trịnh Tuân ở nhà tôi cùng Phạm Long. Tối tối chúng tôi thường tổ chức ăn uống. Hà ghé qua thấy vui quá mới thủ thỉ ghé tai tôi: "Bà chủ cho ghé ở luôn đây nhé, đằng kia buồn thúi ruột". Tôi đáp: "Nhà chật quá, nếu không chê, tôi sẵn sàng thôi, Hà ở dưới tầng hầm nhé". Thực ra chỗ đó chỉ để ngủ, còn toàn bộ sinh hoạt đều phía trên.
Hôm sau, Hà kéo vali về nhà tôi, rồi cười khà khà với giọng đùa dí dỏm trong sự ngạc nhiên của tất cả bạn bè: "Tôi thích ở khách sạn âm hai sao này hơn ở khách sạn 5 sao Paris kia". Tất cả phá lên cười. Cái buồng khách bé xíu ngoài vườn trở thành nơi tán dóc của các nghệ sĩ. Đợt đó đúng dịp Cúp đá bóng thế giới 1998. Anh đùa khi Pháp đoạt cúp: "Số thắng phải thắng thôi, Chúa phán rồi". Đêm đó cả Paris còi xe náo động. Do nhà riêng có vườn, chằng ảnh hưởng đến ai. Hôm chia tay về nước, anh tặng gia đình một bức tranh sơn mài thiếu nữ che quạt. Xem tranh anh toàn thấy gái đẹp e ấp, che che đậy đậy. Chúng tôi đùa đặt cho anh cái tên: "Họa sĩ Công Cuốc Bướm". Anh cười và từ đó tôi toàn gọi anh với cái tên hấp dẫn đó.
Cái tên mới cũng nói lên hết tâm tư và tranh của anh. Đời mềm mại, và sức hấp dẫn của đời chính không gì ngoài hoa thơm và bướm lượn. Thiếu hai thứ đó hội họa dường như không có hơi thở. Lần khác anh đưa vợ con đi cùng, và cũng xin ghé nhờ khách sạn âm hai sao. Tôi đùa trêu: "Mê khách sạn âm hai sao này rồi?".
Một bữa ăn, tôi làm món gỏi cho các họa sĩ nhậu. Ai cũng khen ngon, nhưng không đoán được gỏi gì vừa giòn vừa dai dai. Công Quốc Hà bảo hao hao đu đủ xanh. Sau anh biết vỏ dưa hấu bào nhỏ, anh đùa "món thùng rác" hấp dẫn phết. Về nước anh bảo vợ đạo diễn món này để anh nhậu. Hằng (vợ anh) khi gặp tôi mới kể: "Chị biết không, từ khi gặp chị về, anh toàn bắt em làm món nộm vỏ dưa đấy".
Lần khác, tôi cùng họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng và nhà báo Lê Anh Hoài qua thăm anh. Công Quốc Hà không biết lái xe. Ở cái xứ Thụy Điển đất rộng người thưa, sống nơi những vùng xa thành phố hay ngoại ô, ai không biết lái xe như người Việt không biết đi xe đạp thời chiến. Chúng tôi đợi buýt đến tận 2 giờ sáng. Đồng quê vắng ngắt, tuyết rơi bay trắng trời. Ánh đèn bến đợi mờ mờ. May mặc ấm, chúng tôi cùng vui đùa dưới tuyết cho nóng người. Nhỡ một chuyến xe phải đợi thêm hai tiếng, vì đã khuya. Về đến nhà Hà, tất cả rét run, ăn bát mỳ nóng ấm hẳn người. Về nước nhà văn Lê Anh Hoài đã viết một bài kỷ niệm đáng nhớ về chuyến đi gặp gỡ với họa sĩ Công Quốc Hà.
Tôi còn nhớ hồi về Việt Nam thăm gia đình. Công Quốc Hà mời tôi đến xưởng vẽ gia đình ở Lò Đúc. Họa sĩ Công Kim Hoa - em gái Hà bày tôi làm sơn mài. Học ít vui đùa nhiều. Qua những buổi học đó, tôi mới thấy thấu cái khổ của người làm tranh sơn mài. Hai bàn tay mỏi nhừ xoa xoa với nước trên sơn cho đến khi mặt tranh nhẵn trơn bóng. Chưa kể công nghệ hom tranh, chờ khô rất vất vả. Tranh sơn mài không vội được. Nó đủng đỉnh như Công Quốc Hà. Cái gì cũng tà tà và chờ đợi đến đủ độ.
Anh ấp ủ mơ ước có một bảo tàng tư nhân về nghệ thuật Hà Nội ở châu Âu. Anh đã bỏ nhiều công sức cho một ngôi nhà nghệ thuật ở Kissa (Thụy Sĩ). Chúng tôi may mắn trở thành những người khách đầu tiên đến thăm ngôi nhà này giữa mùa đông băng giá ở châu Âu. Một ngôi nhà trắng giữa vùng tuyết, nhưng bên trong có một Hà Nội ấm áp với những tranh và hiện vật mỹ nghệ Việt Nam được họa sĩ trang trí rất hấp dẫn.
Cảm ơn họa sĩ Công Quốc Hà đã đem lại cho bạn bè thế giới một tình yêu Hà Nội qua các bức tranh các cô gái Việt mơ màng. Gia đình anh theo Thiên chúa giáo. Anh không vẽ về Chúa, nhưng dường như khuôn mặt hiền từ của Đức Mẹ luôn nhập vào hồn tranh khi vẽ các thiếu nữ Việt dịu dàng quyến rũ.
Họa sĩ Công Quốc Hà đi về với Chúa vào đúng dịp Giáng Sinh. Tiếng chuông nhà thờ vang lên như cầu nguyện cho đứa con chiên trở về yên ngủ trong lòng Chúa. Một người bạn mãi mãi không quên.