Dân Việt

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2024 - năm của những kỷ lục mới

P.V 27/12/2024 16:07 GMT+7
Ngày 27/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành Nông nghiệp và PTNT.

Đặc biệt, trong 5 năm qua, năm nào Thủ tướng Chính phủ cũng dự, chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm trước, triển khai nhiệm vụ năm sau của ngành Nông nghiệp và PTNT. Điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng đối với nông nghiệp - nông dân - nông thôn nước nhà.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu chính ở trụ sở Bộ NNPTNT, có Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm… cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành Trung ương.

Tại đầu cầu các địa phương, có Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ; Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều… cùng nhiều địa phương khác.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp năm 2024 gặp nhiều khó khăn, trong đó có cơn bão số 3. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, ngành nông nghiệp đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật có kỷ lục xuất khẩu hơn 62 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 3,2%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2024 - năm của những kỷ lục mới - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ấn tượng với các sản phẩm nông sản chủ lực trưng bày bên lề Hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Năm 2024, ngành NNPTNT thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, có yếu tố tác động mạnh của biến động thị trường, của những hình thái khí hậu cực đoan.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, với nỗ lực vượt khó đương đầu với mọi thử thách, thích ứng với mọi thay đổi, ngành NN-PTNT đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ.

Năm 2024, ngành Nông nghiệp và PTNT thực hiện Kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, có yếu tố tác động mạnh của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa bão tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố phía Nam; đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2024 - năm của những kỷ lục mới - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ thưởng thức tiếng sáo của nghệ nhân người Mông đến từ Yên Bái. Ảnh: Tùng Đinh.

Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; với tinh thần "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững"; sự chung sức, đồng lòng, sáng tạo của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân… ngành Nông nghiệp và PTNT đã vượt qua khó khăn, thách thức để đẩy mạnh sản xuất phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất. 

Nông nghiệp Việt Nam vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng; nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh, chủ lực tiếp tục được mở rộng thị trường. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt nhiều kỷ lục mới. Nông nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà.

Theo thống kê, năm 2024 giá trị sản xuất (GO) toàn ngành đạt mức tăng trưởng 3,3%, tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 58%. Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS ước đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Trong đó xuất khẩu nông sản chính 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%. Có 07 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD (tăng 01 sản phẩm so với năm 2023).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2024 - năm của những kỷ lục mới - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, rất nhiều cảm xúc khi dự Hội nghị tổng kết của ngành nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Để đạt được kết quả này, theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án "Phát triển hệ thống dịch vụ Logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030"; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 13/CĐ-TTg ngày 06/02/2024 về tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản; tích cực triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ năm 2023; nâng cao chất lượng, gia tăng số lượng cấp mã số vùng trồng, cơ sở vùng nuôi, cơ sở đóng gói, bao bì.

Theo đó, đã cấp 8.052 mã số vùng trồng, 1.596 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi (thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh leo, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen... ) được phép xuất khẩu sang các thị trường (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…); đến hết năm 2024 số cơ sở xuất khẩu thủy sản vào các thị trường không ngừng tăng lên.

Đồng thời, thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản; chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, các trường hợp lô hàng bị cảnh báo tại thị trường nhập khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp về giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế. Phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, gia tăng vai trò của Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật, Nga, Braxin...).

Đặc biệt, ngay từ đầu năm, Bộ đã quan tâm và tập trung khai thác các thị trường còn nhiều tiềm năng như: Thị trường thực phẩm Halal, Trung Đông, Châu Phi...