Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm tuyển rửa cát biển để san lấp các dự án đường cao tốc
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm tuyển rửa cát biển để san lấp các dự án đường cao tốc
Huỳnh Xây
Thứ tư, ngày 25/12/2024 08:52 AM (GMT+7)
Trước ngày diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, ông Võ Tấn Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ Phần Công Nghệ Cát Sạch MeKong (TP.Cần Thơ) đề xuất được triển khai thí điểm việc tuyển rửa cát biển để san lấp dự án cao tốc vùng nước ngọt.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Võ Tấn Dũng cho biết, hiện nay, ĐBSCL đang thiếu cát làm đường cao tốc. Ngoài ra, các công trình trọng điểm của các địa phương cũng thiếu cát trầm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu cát này.
Cụ thể, đối với cát biển hiện chỉ thí điểm mở rộng đắp nền cho các dự án cao tốc có điều kiện môi trường tương tự (vùng đất có độ mặn, địa phương vùng giáp biển), chưa triển khai vùng nước ngọt.
Đối với cát sông, nhiều mỏ được cấp khai thác xảy ra tình trạng lẫn nhiều bùn sét, tạp chất hữu cơ dẫn đến không thể khai thác đủ công suất và trữ lượng cho phép, nếu chấp nhận khai thác sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Trước tình hình trên, ông Dũng xin Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xem xét được triển khai thí điểm tuyển rửa cát biển và cát sông tại mỏ bằng công nghệ do chính ông chế tạo ứng dụng từ năm 2018 và đã được cải tiến sau đó.
Chất lượng cát biển sau khi qua thiết bị tuyển rửa đảm bảo không ảnh hưởng đến cây trồng, đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo văn bản kết luận số 2841/BNN-KL ngày 19/4/2024 Bộ NNPTNT gửi Bộ Giao thông Vận tải và đảm bảo TCVN 13754:2023 "Cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa" và TCVN 9436:2012 dùng cho cát san lấp đắp đường.
Thiết bị đạt giải nhất Hội thi "Sáng tạo Kỹ thuật TP.Cần Thơ", giải nhất Hội thi "Sáng tạo Kỹ thuật toàn Quốc năm 2019, được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới trao giải WIPO và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2020.
Ông Dũng cho rằng, nếu được tuyển rửa cát biển và cát sông tại mỏ sẽ góp phần rất lớn trong việc đảm bảo nguồn cung về cát chất lượng cho công trình trọng điểm quốc gia, nhất là dự án đường cao tốc đi qua ĐBSCL và công trình của các địa phương. Đồng thời, góp phần sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, đảm bảo không ảnh hưởng đến cây trồng.
Hệ thống thiết bị do ông Dũng chế tạo đã được thực hành quy trình tuyển rửa cát biển ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc, Trà Vinh qua báo cáo kiểm định của Viện chuyên ngành Bê tông thuộc Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây Dựng). Đặc biệt, tháng 4/2024 Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây Dựng) đã tiến hành kiểm định cát biển sau khi qua thiết bị tuyển rửa và cho thấy, cát thành phẩm đều đạt chất lượng cát tương đương cát sông dùng cho san lấp và dùng cho bê tông & vữa, và nước thải ra đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Để được khách quan, ông Dũng mong được cơ quan chức năng tại các tỉnh, thành quản lý mỏ cát thẩm định các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến chất lượng cát biển, cát sạch thành phẩm và chất lượng nước thải sau khi tuyển rửa. Nếu kết quả triển khai thí điểm thành công, đúng như mục tiêu đề ra ở trên, ông Dũng mong muốn được triển khai đại trà sau đó.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2007, ông Dũng đã bắt đầu thử nghiệm công nghệ làm cát sạch, trải qua nhiều năm cải tiến ông đã thành công với công nghệ tuyển rửa cát biển và cát sông (trong đó có nhiều lần thất bại do chưa được chủ động về nguồn mỏ và tiêu chuẩn cát biển chưa được ban hành,…).
Thiết bị của ông dễ dàng lắp đặt và di chuyển, được xử lý theo hệ thống từ khâu rửa, sàng, loại bỏ muối và bụi bùn sét, phân loại cát ra các loại làm bê tông, xây trát và san lấp (trên cơ sở thực hiện đúng qui định pháp luật về ĐTM và luật bảo vệ nguồn nước, sử dụng nguồn nước). Với công nghệ và quy mô thiết kế hiện tại, có thể đảm bảo hoạt động với công suất từ 100 - 2.000 m3/giờ. Riêng chi phí tuyển rửa cát biển và cấp cát sạch thành phẩm xuống tàu không quá 20.000 đồng /m3.
ĐBSCL đang triển khai thi công các dự án cao tốc như: Dự án thành phần Cần Thơ-Hậu Giang, Hậu Giang-Cà Mau thuộc Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng và Dự án An Hữu-Cao Lãnh cùng một số dự án trọng điểm khác với tổng nhu cầu nguồn vật liệu cát đắp khoảng 50 triệu m3.
Mặc dù đã được áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp mỏ vật liệu, tuy nhiên, nguồn cát sông và công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tiến độ thi công. Từ thực tế trên và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ TN&MT, Bộ NNPTNT, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, các viện nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học triển khai dự án thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường cao tốc trên tuyến hoàn trả ĐT.978 (trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu) thuộc cao tốc Hậu Giang-Cà Mau.
Từ kết quả bước đầu, tháng 6 vừa qua, Bộ GTVT có thông báo tiếp tục cho thí điểm mở rộng đoạn từ Km 81+000 đến hết phạm vi tuyến chính tại Km126+223 (thuộc địa bàn huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu; huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang; huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) và từ Km 6+522 đến Km16+510 đoạn tuyến nối Cà Mau (thuộc địa bàn các huyện Thời Bình, Trần Văn Thời và Cái Nước, tỉnh Cà Mau).
Việc triển khai thí điểm mở rộng này nhằm để theo dõi, quan trắc và đánh giá một cách toàn diện, khoa học, khách quan để có thể sử dụng đại trà vật liệu cát biển làm vật liệu đắp nền tại các khu vực có điều kiện nhiễm mặn khác nhau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.