Cùng với đó, họ cũng sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm trồng cây xáo tam phân, hỗ trợ cho người dân muốn trồng loại cây này.
Đến xã Ninh Tây, mới 8 giờ, chúng tôi đã thấy không khí oi ả. Cây cối nơi đây không được xanh tốt như nhiều nơi vì là vùng khí hậu cực đoan, khô nóng gay gắt.
Nhưng ở Buôn Lác, trang trại của Công ty XATAPHA lại cho cảm giác khác. Trải khắp trang trại là màu xanh của xáo tam phân xen dưới tán xoài tơ, “lót chân” bằng thảm cỏ rậm rì.
Ông Nguyễn Thanh Tá - chủ trang trại vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm đúc kết sau 3 năm trồng xáo tam phân: “Chúng tôi cố ý nuôi cỏ, bởi cỏ chính là chìa khóa quan trọng hỗ trợ cây trồng nơi đây”.
Năm 2019, ông Tá và 1 cộng sự lập trang trại. Ở vùng đất mà mùa mưa kéo dài, mùa nắng nóng cực đoan, sống khỏe nhất là… cỏ!
Các ông đã tốn vài trăm triệu đồng thử các loại máy cắt cỏ, lắp đặt hệ thống tưới nước nhưng cỏ vẫn lấn lướt.
“Thấy tôi lăn lộn ngoài rẫy, có người bảo, bất động sản đang lên mà lại giữ đất trồng cây, lại trồng ở xứ này... Nhưng tôi nghĩ khác. Nếu thích nghi được với tự nhiên, giá trị kinh tế từ nông nghiệp không kém ngành nào”, ông nói.
Trăn trở với nhiều phương pháp trồng nhưng không thành công, ông Tá đã đăng ký làm thực tập sinh ở Israel; sang Trung Quốc, Thái Lan tham quan; cùng các nông dân đến tỉnh Tây Ninh học hỏi “chuyên gia trồng sầu riêng” Huỳnh Văn Quới, tới miền Tây Nam Bộ học công nghệ làm giống, canh tác…
Ông Tá (bên phải ) và cộng sự xác định chất lượng dinh dưỡng của đất qua rễ cỏ trên vùng đất trồng cây xáo tam phân ở Khánh Hòa.
Từ đó, ông nhận ra, cỏ có ích khi canh tác nền đất cát và xáo tam phân phù hợp với vùng khí hậu Ninh Tây. Ông quyết định trồng xáo tam phân xen canh xoài theo hướng sinh học.
Năm 2021, 2.000 cây xoài và 600 gốc xáo tam phân bén rễ ở trang trại. Thảm cỏ cũng được duy trì để dưỡng cây.
“Cỏ giữ ẩm, tái tạo chất hữu cơ, thức ăn cho vi sinh vật trong đất, từ đó tạo ra chất vô cơ cho cây. Mùa khô, cỏ bảo vệ độ ẩm, giải độc cho đất cát, duy trì hệ vi sinh, ổn định dinh dưỡng trong đất. Mùa mưa, rễ cỏ giúp thoát ẩm cho đất”, ông Tá nói.
Hiện nay, trang trại của ông có diện tích hơn 6ha, trồng 1.700 cây xáo tam phân; bước đầu thu 1,5 tấn cành lá tươi, 750kg cành khô, trị giá hơn 600 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đức Cường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) cho biết: “Trang trại trồng xoài xen canh xáo tam phân theo hướng nông nghiệp hữu cơ ứng dụng vi sinh của ông Tá tuy chưa thu hoạch đại trà nhưng bước đầu cho thấy chiều hướng phát triển tích cực, nhất là về cải tạo đất, không gây hại đến môi trường…”.
Gần 15 năm trước, khi cơn sốt khai thác khiến cây xáo tam phân ở vùng núi Hòn Hèo dần khan hiếm, ông Trần Bá Ninh - Giám đốc Công ty TNHH Bá Ninh (thôn Tiên Du 1, xã Ninh Phú), Chủ tịch Hiệp hội Cây dược liệu Khánh Hòa đã quyết định trồng xáo tam phân để bảo tồn giống và cung cấp cho thị trường.
Ông cắt cành xáo tam phân với độ dài, ngắn khác nhau, gắn thẻ, lập sổ theo dõi từng cây. Năm 2015, cây ra trái, ông lại thử nghiệm trồng bằng hạt và quyết định chuyển hẳn sang nhân giống từ hạt vì ưu thế hơn hẳn.
Ông cũng nhận ra xáo tam phân phát triển rất tốt khi nương vào thân cây mọc hoang nên chủ động bắc giàn làm “nhà” cho cây.
“Xáo tam phân là loại cây bụi leo, chỉ cần có giàn để tựa thì sau 6 - 8 năm, cây đã thành bụi, lượng khai thác cộng dồn khoảng hơn 3 tạ thân, lá, gần 30kg rễ.
Cây này siêu kinh tế vì khai thác được cả thân, lá, cành, trái, hạt, rễ…, riêng rễ tươi bán lẻ khoảng 1,2 triệu đồng/kg”, ông Ninh nói.
Ông Ninh kiểm tra vườn ươm cây giống xáo tam phân đang trồng ở xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Hiện nay, công ty có 5 điểm trồng xáo tam phân ở xã Ninh Phú với khoảng 10ha, trong đó 7ha trồng xáo tam phân nương vào cây khác, còn lại trồng xen canh; dự kiến năm 2025 sẽ tăng tiếp diện tích.
Hàng năm, công ty cung cấp ra thị trường hơn 200.000 cây giống; thu mua khoảng 5 tấn cành, lá tươi và 6 tấn rễ để chế biến.
Công ty cũng sử dụng nhiều loại máy móc để chế biến; liên kết với các đối tác, nhà khoa học để nhân giống theo hướng công nghệ cao, nâng cấp dây chuyền sản xuất, mở rộng vùng ươm cây giống, vùng trồng nguyên liệu; phát triển nhiều loại sản phẩm như: cao, trà các loại, rượu, viên nang... từ xáo tam phân.
Ông Ninh khẳng định: “Tôi sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ kỹ thuật trồng cây xáo tam phân, kinh nghiệm để giữ gìn và phát triển giống cây bản địa này”.
Công ty TNHH Bá Ninh đang duy trì ổn định việc làm cho 10 lao động. Công ty cũng ký hợp đồng cung cấp cây giống, thuốc bảo vệ thực vật miễn phí, bao tiêu đầu ra với lợi nhuận chia đôi cho người dân quanh vùng núi Hòn Hèo (gồm các xã, phường: Ninh Phú, Ninh Thọ, Ninh Phước, Ninh Vân, Ninh Đa, Ninh Thủy). Ông Trần Văn Tâm (thôn Tiên Du 1) làm tại công ty đã 6 năm, lương hiện hơn 10 triệu đồng/tháng.
Ông Võ Đình Đô (thôn Tiên Du 1) được công ty hỗ trợ cây giống miễn phí từ năm 2012 với diện tích hơn 2ha, được hướng dẫn cách trồng, được cam kết hỗ trợ 1/2 công thu hoạch, vận chuyển, bao tiêu sản phẩm. Ông đang chờ giá cao hơn để thu hoạch.
Công ty của ông Ninh còn hỗ trợ người không có đất được mượn đất để xen canh và chăm sóc xáo tam phân. Ông Dương Tấn Văn (thôn Tiên Du 1) là ví dụ.
Ông được mượn hơn 2.000m2 đất để trồng đu đủ xen xáo tam phân do công ty cung cấp. Hơn 100 gốc đu đủ của ông đã cho thu hoạch 5 - 6 đợt trái, có cây được 1 - 3 tạ. Năm sau, xáo tam phân sẽ cho thu cành.
Lăn lộn với xáo tam phân, ông Tá nhận thấy đồng bào dân tộc thiểu số chịu khó lao động; có kinh nghiệm về thời tiết, sản xuất; tiếp thu kỹ thuật nhanh; tính cộng đồng cao… nhưng đời sống còn rất khó khăn. Vì vậy, ông ưu tiên nhận lao động là người dân tộc thiểu số.
“Làm cùng bà con, tôi cảm nhận họ như người thân của mình, không nề hà vất vả, gắn bó khi mình khó khăn”.
Hiện nay, 5 lao động của công ty đều là người dân tộc Ê đê. Bà H’Bờ Liếc (Buôn Sim, xã Ninh Tây) làm từ năm 2020, được trả 35.000 đồng/giờ. “Tôi hài lòng khi làm ở đây”, bà H’Bờ Liếc nói.
Ông Tá và cộng sự lựa chọn bao bì để quảng bá sản phẩm xáo tam phân trên sàn thương mại điện tử.
Chia tay chúng tôi khi nắng chiều đã nhạt, ông Tá bảo, vốn là dân công nghệ thông tin nên ông rất coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch nhật ký canh tác thông qua ghi chép bằng hình ảnh lưu trên đám mây, thương mại hóa sản phẩm từ nông trại, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Hiện nay, nhiều nông dân còn thiếu kiến thức, chưa biết áp dụng công nghệ và bị phụ thuộc đầu ra. Do vậy, song song với việc chuẩn bị làm hồ sơ mã số vùng trồng, phấn đấu xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, kết hợp chế biến nhiều sản phẩm, đưa lên sàn thương mại điện tử.
Ông cũng dự kiến cấp giống xáo tam phân cho đồng bào dân tộc thiểu số trồng để bám đất làm kinh tế; khi thu hoạch được nhiều sẽ trích lợi nhuận đầu tư cho thư viện trường học, hỗ trợ cặp sách cho con em đồng bào hàng năm…
“Tôi may mắn được đi học, được đi nhiều nơi, học hỏi nhiều cách làm và trải nghiệm thực tế, tìm được hướng đi cho xáo tam phân ở vùng đất "nắng không ưa, mưa không chịu" này nên không thể giữ cho riêng mình”, ông Tá nói.
Ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa): Xáo tam phân hiện được trồng tập trung tại các xã: Ninh Phú, Ninh Tân, Ninh Tây với khoảng 60ha. 3 cơ sở có diện tích tương đối lớn là Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại dịch vụ POM Group, Công ty Long Beach, Công ty TNHH Bá Ninh...
Các cơ sở này đã nghiên cứu, thử nghiệm nhiều mô hình để bảo tồn, phát triển xáo tam phân. Một số cơ sở đã chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc xáo tam phân, cam kết thu mua với giá tương đối ổn định, giúp giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân địa phương; nghiên cứu, chế biến xáo tam phân thành các sản phẩm giá trị.
UBND thị xã đánh giá khá cao nỗ lực này của các công ty. Xác định xáo tam phân là cây trồng có giá trị kinh tế cao, là cây bản địa cần được bảo tồn, phát triển, thời gian đến, thị xã sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc; theo dõi sản xuất để tránh sản xuất ồ ạt, sản xuất ở những vùng không phù hợp; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các công ty liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho người dân.