Khoảng 10 ngày nay, giá dừa khô ở Trà Vinh tăng thêm 5.000 đồng/chục (12 quả). Hiện dừa khô được thương lái mua tại vườn có giá từ 120.000- 130.000 đồng/chục.
Ông Huỳnh Văn Triều, ấp Công Thiện Hùng, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) cho biết, từ đầu năm đến nay, giá dừa khô thường ở mức cao; đăc biệt khoảng 6 tháng trở lại đây luôn ở mức trên 100.000 đồng/chục nên nhà vườn rất phấn khởi.
Gia đình ông Triều chuyển đổi 2.500 m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa khoảng 20 năm nay, cho nguồn thu nhập khá ổn định so với trồng lúa trước đó.
Do không tốn nhiều chi phí đầu tư nên với năng suất 1 thiên/tháng (1 thiên=1.200 quả), vườn dừa gia đình ông mang lại nguồn thu hơn 80 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa trên cùng vùng đất.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết: Những năm gần dây, diện tích dừa của Trà Vinh phát triển mạnh do người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả, đặc biệt là chuyển nhiều diện tích trồng lúa sang trồng dừa.
Tính đến cuối năm 2024 toàn tỉnh có 27.520 ha trồng dừa với hơn 7,2 triệu cây, tăng hơn 8.200 ha so với năm 2014.
Nhà vườn xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh thu hoạch dừa khô bán trong bối cảnh loại quả này đang tăng giá tốt, giúp bà con trồng dừa có thêm thu nhập. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN.
Diện tích dừa của Trà Vinh đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre, tập trung nhiều ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành, Cầu Kè, Trà Cú và thành phố Trà Vinh.
Chính phủ Việt Nam chính thức đưa cây dừa vào danh sách cây công nghiệp chủ lực quốc gia, giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án phát triển từ năm 2021.
Trong số diện tích trồng dừa của tỉnh có hơn 1.400 ha được cấp 19 mã số vùng trồng nội địa và gần 1.400 ha được cấp 10 mã số vùng trồng xuất khẩu. Hiện tỉnh có 9 vùng trồng dừa với tổng diện tích trên 1.240 ha và 2 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc.
Địa phương cũng đang đề nghị Cục Bảo vệ Thực vật xem xét, đàm phán với nước nhập khẩu (Trung Quốc) để tiếp tục cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đối với 8 vùng trồng dừa của hơn 1.000 hộ dân ở xã Long Thới, huyện Tiểu Cần trên tổng diện tích hơn 450 ha. Đặc biệt, tỉnh đang từng bước hướng đến tham gia vào thị trường carbon của ngành hàng dừa.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện, xác định dừa là cây trồng chủ lực nên thời gian qua, tỉnh Trà Vinh tập trung nhiều giải pháp khuyến khích, phát triển chuỗi giá trị dừa; trong đó, tập trung xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư bao tiêu sản phẩm, chú trọng phát triển cây dừa theo hướng hữu cơ gắn với cấp mã số vùng trồng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Chỉ thị số 48-CT/TU ngày 11/10/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển dừa hữu cơ gắn với cấp mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh để đẩy mạnh xuất khẩu. Theo đó, tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển cây dừa.