Việc này đã làm nhiều người dân địa phương ngạc nhiên và thích thú. Dù đông nhà vườn ủng hộ thử nghiệm, nhưng cũng không ít cá nhân bàn ra, tính vào, cho rằng sẽ dễ thất bại và mất trắng vốn.
Vườn nho của ông Lê Trung Trực ở xã Bình Quới, huyện Châu Thành trồng trên đất thanh long ngày nào đã đem kết quả. Ảnh: Thiên Long.
Dư luận là vậy, ông Trực cùng các con vẫn quyết tâm phải làm đến cùng, vừa thử nghiệm, vừa muốn "khám phá" trồng loại trái cây lạ mà cả huyện chưa có ai dám nghĩ đến.
Khai thác diện tích 1.500 mét vuông đất gò cao, ông Trực đã đầu tư xây dựng 500 mét vuông nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới nước và phân nhỏ giọt, tổng kinh phí lên đến 200 triệu đồng.
Ông đã đầu tư thử nghiệm 300 gốc nho từ Bình Thuận với các giống như: Nho tím cổ, nho kẹo, nho sữa; nho Jesmine và nho Bai Lay của Hàn Quốc để thử nghiệm trên vùng đất trồng thanh long mấy chục năm qua.
Thời điểm ông mua có giá trung bình mỗi gốc nho 150.000 đồng, tự gia đình thuê phương tiện đưa về nơi nhà màng đã làm sẵn chờ đặt cây giống vào.
Con ông Trực cùng gia đình chăm sóc vườn nho ở xã Bình Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ảnh: Thiên Long.
Bên trong nhà lưới, ông thiết kế giàn leo cao khoảng 2 mét và áp dụng quy trình canh tác chuyên nghiệp. Mỗi giống nho đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc riêng, từ ánh sáng, độ ẩm đến cắt tỉa và thời gian thu hoạch.
Ông Trực nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật hiện đại như tưới tự động và bón phân hữu cơ để từng bước hoàn thiện mô hình sản xuất nông nghiệp mới.
Chiều 30/12, phóng viên Dân Việt trao đổi với chủ vườn, ông Trực cho biết sau 12 tháng chăm sóc, thành quả bắt đầu được tận hưởng một cách ngon lành.
Thu hoạch đầu tiên của loại trái cây "dễ trồng, giá cao" hơn 200kg, nếu tính giá bình quân 120.000 đồng/kg, ông đạt doanh thu 24 triệu đồng. Đợt trái thứ hai sản lượng sẽ tăng lên gần 500kg, thu mua tại vườn giá 80.000 đồng đến 120.000 đồng/kg.
Nho đến kỳ thu hoạch giá 120.000 đồng/kg của vườn ông Trực, nông dân trồng nho xã Bình Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ảnh: Thiên Long.
Sau Tết, ông bắt đầu bội thu mùa vụ thứ 3, chỉ hơn 1 năm thu được hơn 100 triệu đồng với diện tích đất khiêm tốn. Thành quả này xem như thắng lợi cho mùa vụ đầu tiên nghề làm vườn.
"Cây nho có thể sống đến 12 năm, nếu chăm sóc tốt sau 3 năm, mỗi gốc có thể cho từ 15 đến 30kg trái mỗi năm. Gia đình tiếp tục lựa chọn giống nho phù hợp với vùng đất để đảm bảo năng suất cao và chất lượng tốt. Tới đây, tôi sẽ nhân rộng ra vùng đất của mình", ông Trực chia sẻ.
Nhiều nông dân trồng thanh long ở huyện Châu Thành tìm đến nơi để xem thành quả, đồng thời họ muốn áp dụng vào đất trồng thanh long đến nay đã không còn hấp dẫn.
Chủ nhân vườn nho thông tin, mùa trái chín, khách vào tận nơi tham quan, thưởng thức trái nho ngay tại vườn, chiêm ngưỡng những chùm nho đẹp mắt, sau đó tự chọn chùm nho ưng ý để mua đem về.
Triển vọng cho vườn nho trong tương lai hứa hẹn sẽ tiếp tục góp phần làm phong phú thêm nền kinh tế địa phương và tạo cơ hội cho ngành du lịch phát triển.
Theo UBND xã Bình Quới, huyện Châu Thành (tỉnh Long An) gia đình ông Trực khởi đầu từ những ý tưởng tự phát, tuy nhiên mô hình trồng nho đang mang lại kết quả khả quan.
Chính quyền sẽ hỗ trợ về hệ thống tưới nước, kỹ thuật chăm sóc. Thời gian tới, xã tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng nông sản, tạo nhiều mô hình mới cho nông dân phát triển sản xuất.