Ở Đắk Lắk có vườn trồng cây thấp tè ra trái quá trời, hái phơi khô bán 200.000 đồng/kg

Thứ năm, ngày 02/01/2025 05:31 AM (GMT+7)
Không tốn nhiều công chăm sóc như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, cây mắc ca đang từng bước khẳng định vị trí, đem lại niềm vui cho bà con nông dân huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, trong đó nhiều hộ thanh niên đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng mắc ca.
Bình luận 0

Năm 2011, qua nắm bắt thị trường, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ các loại hạt, trong đó có hạt mắc ca của người tiêu dùng ngày càng nhiều, gia đình anh Hoàng Minh Hùng (SN 1991, ở thôn Bình Minh, xã Chứ Kpô, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) quyết định nhổ bỏ toàn bộ cây cà phê kém hiệu quả để trồng thuần cây mắc ca. 

Sau 6 năm trồng, chăm sóc, từ năm 2017 vườn mắc ca với diện tích 2 ha của gia đình anh cho thu nhập ổn định. 

Năm 2023, anh thu được hơn 8 tấn quả mắc ca khô, giá mắc ca khô bán dao động từ 180.000 - 200.000 đồng/kg.

Anh Hùng chia sẻ: "Để nâng cao tỉ lệ đậu quả, mình chỉ cần thường xuyên cắt tỉa cành, tạo tán, loại bỏ cành bị sâu bệnh, cụm cành mọc trong tán để cây mắc ca thoáng, phát triển tốt. Lúc cây ra hoa cần chú trọng bón phân, tưới đủ nước".

Khác với nhiều hộ trồng mắc ca ở địa phương, anh Hùng không bán sản phẩm thô mà đầu tư máy sấy, máy tách hạt, máy hút chân không để chế biến mắc ca thành sản phẩm sấy khô, đóng gói bán ra thị trường. 

Thời gian đầu, anh loay hoay với việc tìm đầu ra cho sản phẩm hạt mắc ca, vì đây là loại cây trồng mới ở địa phương, người tiêu dùng chưa biết nhiều đến loại hạt này. Qua giới thiệu từ bạn bè, anh chở hạt mắc ca qua huyện Krông Năng bán. 

Đến nay, sản phẩm mắc ca sấy khô, mắc ca tách hạt của gia đình anh Hùng được người tiêu dùng ở các tỉnh, thành khác biết đến.

Hay như gia đình anh Nguyễn Chính Hòa (SN 1985, ở thôn 1, xã Ea Ngai), nhận thấy đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây mắc ca rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương mình... 

Đầu năm 2020 anh đã mạnh dạn chặt bỏ những cây cà phê già cỗi để trồng xen mắc ca giống mới cho năng suất, chất lượng cao như: OC, QN1…

Từ thực tế sản xuất, theo anh Hòa, cây mắc ca có đặc điểm thụ phấn chéo nên trên một diện tích phải trồng ít nhất từ 2 - 3 giống mắc ca trở lên để nâng cao khả năng thụ phấn và đậu quả.

Mới đầu anh chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây mắc ca nên tỷ lệ đậu quả thấp. 

Sau đó, nhờ được tham gia thường xuyên các lớp tập huấn khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp do Đoàn Thanh niên phối hợp với Hội Nông dân xã và một số đơn vị tổ chức; tham quan tìm hiểu các mô hình trồng mắc ca hiệu quả ở những xã khác để áp dụng ở mô hình vườn mắc ca của gia đình. 

img

Anh Hoàng Minh Hùng (thôn Bình Minh, xã Chứ Kpô, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) chăm sóc vườn mắc ca.

Chính vì vậy, vườn cây của gia đình anh Nguyễn Chính Hòa luôn xanh tốt, cho thu hoạch bình quân khoảng 60 - 80kg quả tươi/cây/vụ.

"Mắc ca là loại cây lâu năm dễ trồng, dễ chăm sóc phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương. Trồng mắc ca xen trong vườn cà phê mang lại nhiều lợi ích kép. 

Cây mắc ca trồng đến năm thứ ba thì cao hơn cây cà phê nên chắn gió tốt. Tuy nhiên, muốn cây đạt năng suất, sau khi thu hoạch phải tỉa cành, giữ độ ẩm cho cây", anh Hòa cho hay.

Toàn huyện Krông Búk có 156,3 ha mắc ca, gồm 18,58 ha trồng thuần, 137,72 ha trồng xen các loại cây trồng khác. Hiện có hơn 56 ha cho sản phẩm, với sản lượng đạt khoảng 129 tấn/năm; có 1 sản phẩm mắc ca đạt OCOP 3 sao. 

Huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk) đã xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng mắc ca theo hướng an toàn sinh học.

Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học vào trồng mắc ca giúp giảm chi phí sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng năng suất và chất lượng của hạt mắc ca tại xã Ea Sin với quy mô 20 ha, đây là mô hình điểm của huyện trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học.

Chị H'Nguốp Niê, Bí thư Huyện Đoàn Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp ngoài hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm, thông tin về giá cả thị trường, những chủ trương của địa phương trong phát triển nông nghiệp, Huyện Đoàn còn hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, trong đó có vay vốn đầu tư trồng măc ca.

Đồng thời, tổ chức đoàn liên kết các công ty, doanh nghiệp sản xuất mắc ca để tìm đầu ra ổn định, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện.

Kim Huế (Báo Đắk Lắk)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem