Dân Việt

Dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, tiến đến bỏ "room"

L. Anh 31/12/2024 08:00 GMT+7
Trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 16%, đồng thời có lộ trình hạn chế và tiến tới bỏ việc phân bổ hạn mức cho từng nhà băng.

Tối muộn ngày 30/12, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đơn vị này sẽ tiếp tục bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, cao hơn mức mục tiêu 15% trong năm nay. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật trên cơ sở phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn, bảo đảm chất lượng tín dụng, sử dụng vốn đúng mục đích, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động.

Tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu, tín dụng đi vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng.

Các tổ chức tín dụng được yêu cầu tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… để có dư địa tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình thực tế để điều hành tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng chủ động, linh hoạt, kịp thời, để hệ thống tổ chức tín dụng cung ứng đủ vốn phục vụ nền kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống, gắn với ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cung ứng đủ và kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế mà tổ chức tín dụng không cần có văn bản đề nghị.

Tín dụng "tăng tốc" quý cuối năm

Thống kê của Chứng khoán MB (MBS), tính đến 19/12, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 13,1% so với đầu năm, nhanh hơn so với năm ngoái và tiến gần mục tiêu 14-15% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho cả năm. Chuyên gia cho rằng, mức tăng trưởng 14%-15% là có thể đạt được sau tốc độ giải ngân đầu tư công mạnh mẽ và nhu cầu tín dụng cao hơn của quý 4.

Dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, tiến đến bỏ "room"- Ảnh 1.

Đối với năm 2025, các chuyên gia MBS cho rằng hoạt động tín dụng có thể được thúc đẩy bởi một số yếu tố như sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, sự phục hồi này sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động sản xuất và thương mại, nhờ nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên. Điều này sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng vào năm 2025.

Yếu tố hỗ trợ thứ hai là tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao. MBS dự kiến, tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao trong năm 2025 dự kiến sẽ tạo việc làm và hỗ trợ nhu cầu tín dụng, phù hợp với mục tiêu phục hồi kinh tế và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025.

Dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, tiến đến bỏ "room"- Ảnh 2.

Với những lý do trên, nhóm phân tích kỳ vọng các ngân hàng có các điều kiện sau sẽ có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn vào năm 2025. Thứ nhất, ngân hàng sử dụng hạn ngạch tín dụng cao vào năm 2024. Các ngân hàng đã sử dụng hết hạn ngạch tín dụng cao vào năm 2024 sẽ có lợi thế cạnh tranh trong việc đảm bảo hạn ngạch tín dụng cho năm tài chính 2025.

Thứ hai, ngân hàng có tăng trưởng chi phí dự phòng và cải thiện chất lượng tài sản: Tăng tốc chi phí dự phòng vào năm 2024, cùng với cải thiện chất lượng tài sản sẽ giảm bớt áp lực của NPL (nợ xấu) tăng vọt vào năm 2025 khi tăng trưởng tín dụng bán lẻ phục hồi.

Cuối cùng là ngân hàng có sự phục hồi mạnh mẽ của biên lãi thuần (NIM) vào năm 2024: Sự phục hồi mạnh mẽ của NIM vào năm 2024 sẽ cho phép các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, mang lại lợi thế quan trọng trong việc mở rộng tín dụng vào năm 2025.