Dân Việt

Bất ngờ tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024, thu ngân sách nhà nước tăng 15,5%

Vũ Khoa 31/12/2024 16:31 GMT+7
Bộ Tài chính cho biết đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so thu NSNN khoảng 20-21%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7%

Chiều ngày 31/12/2024, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục phát sinh nhiều bất ổn, khó khăn, thách thức lớn ngoài dự báo. Tuy nhiên, ở trong nước, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%).

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt dự toán, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, bội chi NSNN và nợ công được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, giới hạn cho phép, góp phần củng cố an ninh tài chính quốc gia.

Bất ngờ tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024, thu ngân sách nhà nước tăng 15,5%- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy nợ công của Việt Nam năm 2024 ở mức bền vững, ổn định. Các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố dư địa chính sách tài khóa.

Các chỉ tiêu an toàn nợ công theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội và của Chính phủ được kiểm soát chặt chẽ. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục cơ cấu lại nợ công; phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài, góp phần kéo dài danh mục nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội. Thực hiện trả đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ theo cam kết. Không cấp mới bảo lãnh cho các dự án vay trong nước và nước ngoài.

Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so thu NSNN khoảng 20-21%.

Về điều hành chính sách, Bộ Tài chính đã triển khai nhiệm vụ thu, chi NSNN ngay từ đầu năm; rà soát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, chống thất thu, phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện.

Bộ đã tham mưu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024. Kết quả thực hiện (bao gồm các chính sách thi hành từ năm 2023, tiếp tục tác động làm giảm thu NSNN năm 2024) ước đạt khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng.

Thu NSNN cả năm 2024 ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, bằng 119,1% (tăng 324,4 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023.

Chi NSNN ước đến ngày 31/12/2024 đạt khoảng 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 78,1% dự toán Quốc hội quyết định; tỷ lệ giải ngân ước đạt 77,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt khoảng 81,9%); chi thường xuyên ước đạt 94,5% dự toán.

Cân đối ngân sách trung ương, ngân sách địa phương các cấp được đảm bảo. Đã thực hiện phát hành được 330,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 82,59% kế hoạch, kỳ hạn bình quân 11,12 năm, lãi suất bình quân 2,52%/năm, đảm bảo nguồn chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của ngân sách trung ương và góp phần định hướng lãi suất thị trường.

Đối với nhiệm vụ tài chính năm 2025, Bộ Tài chính cho biết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7-7,5%; kiểm soát lạm phát trong phạm vi 4,5%,...;

Dự toán thu NSNN là 1,97 triệu tỷ đồng; Dự toán chi 2,5 triệu tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 31% và dự toán chi thường xuyên chiếm khoảng 60,9%; Bội chi NSNN là 471,5 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8% GDP; Vay trả nợ gốc là 363,6 nghìn tỷ đồng.

Hoàn thiện loạt thể chế, chính sách

Năm 2024, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ VIII 2 Luật sửa đổi, Nghị quyết chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng. Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 3 Nghị quyết .

Bên cạnh đó, Bộ đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, rà soát đối với các Luật thuế bảo vệ môi trường; Luật thuế tài nguyên; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Luật Quản lý thuế; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Kế toán; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trên cơ sở đó, sẽ nghiên cứu để lập đề nghị xây dựng các Luật và báo cáo cấp có thẩm quyền đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ Tài chính đã hoàn thành 63 đề án nhiệm vụ được giao, trong đó có 38 đề án, nhiệm vụ được giao bổ sung. Tính đến hết 31/12/2024, đã hoàn thành 70/71 nhiệm vụ được giao. Tính cả các đề án đã trình từ những năm trước chuyển sang, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 23 Nghị định và 20 dự thảo Nghị định đang xem xét ban hành; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Quyết định và 2 dự thảo Quyết định đang xem xét ban hành; đồng thời đã ban hành theo thẩm quyền 86 thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính - NSNN.