Thủ tướng đề nghị các hợp tác xã, bà con nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp

H.Anh Thứ ba, ngày 31/12/2024 11:15 AM (GMT+7)
Thủ tướng nhấn mạnh, qua cơn bão số 3, chúng ta mới thấy bảo hiểm nông nghiệp quan trọng. Nếu chúng ta không đóng bảo hiểm khi gặp khó khăn, thiên tai bà con sẽ không thu hồi được vốn. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các hợp tác xã, bà con nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
Bình luận 0

Sáng ngày 31/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới".

Tại hội nghị, bà Hoàng Thị Gái – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, Kinh doanh Dịch vụ Tổng hợp Nông nghiệp xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng – người từng được vinh danh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021, đã chia sẻ về những khó khăn lớn mà ngành nông nghiệp đang đối mặt.

Bà Gái cho biết, cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến nhiều nông dân phải gánh chịu tổn thất lên tới hàng tỷ đồng. Trước tình hình đó, bà đã đặt câu hỏi tới Thủ tướng: "Chính phủ đã và sẽ có những chỉ đạo gì để các ngân hàng thương mại giãn, hoãn các khoản vay cũ, đồng thời tạo điều kiện cho vay mới, giúp nông dân kịp thời khôi phục sản xuất?".

Ngoài ra, bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo hiểm nông nghiệp trong việc giảm thiểu rủi ro cho nông dân, đặc biệt là những hộ sản xuất lớn. Tuy nhiên, việc tiếp cận bảo hiểm nông nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại.

Bà Gái thẳng thắn đặt câu hỏi: "Chính phủ sẽ có những chính sách gì để tháo gỡ khó khăn và khắc phục các vướng mắc trong việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp?".

Tháo gỡ điểm nghẽn để bảo hiểm nông nghiệp thực sự đi vào đời sống "Tam nông" - Ảnh 1.

Bà Hoàng Thị Gái – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, Kinh doanh Dịch vụ Tổng hợp Nông nghiệp xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú được Thủ tướng chỉ định giải đáp câu hỏi của Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng liên quan đến chính sách tín dụng và bảo hiểm.

Phó Thống đốc cho biết, theo đánh giá sơ bộ từ Ngân hàng Nhà nước, bão số 3 (Yagi) đã gây ảnh hưởng đến 126.000 khách hàng, với tổng dư nợ lên tới 192.000 tỷ đồng. Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc quyết liệt, yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai biện pháp khoanh nợ, giãn nợ và hoãn nợ đối với nông dân và doanh nghiệp bị thiệt hại, nhằm giúp họ nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 53/2024/TT-NHNN, quy định việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Thông tư này áp dụng cho các khách hàng thuộc 26 địa phương bị thiệt hại, cho phép cơ cấu lại số dư nợ gốc và lãi của các khoản vay phát sinh trước ngày 07/09/2023 và có nghĩa vụ trả nợ từ 07/09/2024 đến 31/12/2025.

Phạm vi hỗ trợ bao gồm cả các khoản nợ trong hạn hoặc quá hạn không quá 10 ngày, và trong trường hợp đặc biệt, số dư nợ quá hạn trên 10 ngày cũng được xem xét cơ cấu lần đầu. Chính sách này giúp các nông dân, doanh nghiệp có thêm thời gian khắc phục hậu quả thiên tai và khôi phục sản xuất.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện có nhiều chính sách ưu đãi về tín dụng, với 8 chính sách đang được áp dụng để hỗ trợ bà con. Đặc biệt, Nghị định 55 (ban hành năm 2015, sửa đổi năm 2018) đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và hợp tác xã vay vốn mà không cần tài sản đảm bảo, tham gia chuỗi liên kết giá trị, hoặc thực hiện các chương trình trọng điểm như "1 triệu ha lúa chất lượng cao" tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Tháo gỡ điểm nghẽn để bảo hiểm nông nghiệp thực sự đi vào đời sống "Tam nông" - Ảnh 2.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục rà soát và sửa đổi Nghị định 55 nhằm bổ sung thêm các đối tượng như nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, giúp họ được hưởng ưu đãi tốt hơn về lãi suất và điều kiện vay vốn. Phó Thống đốc hy vọng bản sửa đổi này sẽ sớm được ban hành, mang lại chính sách thông thoáng và gợi mở để hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp.

"Tất cả nội dung đó đang có trong dự thảo Nghị định 55 sửa đổi, cũng hy vọng trong thời gian sớm nhất, Nghị định 55 sửa đổi sẽ được ban hành. Sẽ có chính sách gợi mở, thông thoáng để tạo điều kiện cho các HTX, hộ nông dân tiếp cận được vay gấp 2-3 lần trước đây không cần tài sản đảm bảo, hoặc tham gia các chuỗi giá trị liên kết, chương trình, dự án như 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL và những chương trình khác hoàn toàn là những đối tượng ưu đãi cả về lãi suất và cho vay, cũng như các điều kiện hỗ trợ khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Tháo gỡ điểm nghẽn để bảo hiểm nông nghiệp thực sự đi vào đời sống "Tam nông" - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Trả lời bổ sung câu hỏi của nông dân Hoàng Thị Gái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay: Vừa qua chúng ta đã có các chính sách nhưng đã đủ mạnh chưa, cấp ủy, chính quyền phải bám sát để biết chính sách đã đi vào thực tế chưa, người nông dân phải tham gia kiểm chứng xem chính sách thực hiện thế nào trong thực tiễn.

Trước bão số 3, Chính phủ đã giao các Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách tín dụng cho các lĩnh vực, đặc biệt là về nông nghiệp. Sau bão số 3, Chính phủ cũng đã chỉ đạo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước xuống Quảng Ninh, Hải Phòng, là 2 tỉnh bị thiệt hại nặng nhất sau thiên tai để khảo sát và có ngay chính sách để tháo gỡ ngay cho bà con, các địa phương khắc phục hậu quả và khôi phục lại sản xuất hiệu quả nhanh nhất.

Thủ tướng Chính phủ chỉ định mấy ngày sau bão, Ngân hàng Nhà nước phải họp và đưa ra được cơ chế chính sách tín dụng tháo gỡ về vốn cho nông dân, doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão. Sau đó đã có nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện ngay rất hiệu quả.

Đối với bảo hiểm nông nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh, qua cơn bão số 3, chúng ta mới thấy bảo hiểm nông nghiệp quan trọng. Nếu chúng ta không đóng bảo hiểm khi gặp khó khăn, thiên tai bà con sẽ không thu hồi được vốn.

"Sinh ra bảo hiểm là như thế. Tôi đề nghị các hợp tác xã, bà con nông dân tham gia đóng bảo hiểm", Thủ tướng chỉ đạo.

Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ băn khoăn khi giải ngân của bảo hiểm tăng 19 – 20% so với năm ngoái nhưng đóng bảo hiểm lại giảm hơn so với năm ngoái, đó là sự mâu thuẫn. Thủ tướng yêu cầu, các bộ ngành cần phải nghiên cứu để đưa ra chính sách bảo hiểm nông nghiệp đạt hiệu quả và đi vào cuộc sống giúp bà nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem