Dân Việt

Năm mới 2025: "Gọi vốn" toàn dân để đất nước bứt phá, cần cơ chế "win – win"

Nguyễn Tuyền 01/01/2025 06:00 GMT+7
Đất nước đang bước vào thời khắc mang tính quyết định, đánh dấu bước ngoặt sống còn trên con đường thay đổi vì mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp phát triển, giàu mạnh vào các mốc quan trọng năm 2030 và 2045, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và 100 năm ngày lập nước.

Từ nay đến các mục tiêu chiến lược, thời gian chỉ còn lại 5-20 năm - một khoảng thời gian không quá dài để thực hiện những nỗ lực và quyết tâm thay đổi vận mệnh dân tộc.

"Gọi vốn" phát triển đi liền "tái cấu trúc" quản trị đất nước

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH TP.HCM, khẳng định: Thời gian không phải là quá ngắn, nhưng cũng không quá dài để quyết tâm thực hiện các mục tiêu chiến lược, đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới. Cần phải hành động thực tế và quyết liệt, bởi trước khi trở thành những nước công nghiệp mới (NICs), con rồng châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, các nền kinh tế này đều đã trải qua những cải cách quyết liệt trong quản trị quốc gia.

Ông Nghĩa nhấn mạnh rằng các quốc gia này đã quyết tâm chọn lựa thế mạnh để tập trung đầu tư, hành động kiên định và không ngại khó khăn. Có những giai đoạn họ buộc phải thắt lưng buộc bụng nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược, giúp nâng tầm vị thế đất nước. Việt Nam, với vị thế là quốc gia đi sau, đứng trước bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ và nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển, cần phải nhanh nhạy chuyển đổi, bắt kịp xu thế, thậm chí vượt lên, nếu muốn đứng ngang hàng với các cường quốc.

Năm mới 2025: "Gọi vốn" toàn dân để đất nước bứt phá, cần cơ chế "win – win"- Ảnh 1.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH TP.HCM (Ảnh: Quochoi.vn).

Với mục tiêu tăng trưởng hai con số giai đoạn từ năm 2025, nhằm phục vụ các chiến lược 5 năm, 10 năm và 20 năm, Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều nhiệm vụ. Trong đó, cải tổ bộ máy quản trị quốc gia, kiến tạo và thu hút mọi nguồn lực hiện có, tiềm năng và trong tương lai là những yếu tố cốt lõi để thúc đẩy sự phát triển đất nước.

Cùng với chiến lược thắt chặt chi tiêu ngân sách và tập trung nguồn lực vào các dự án chiến lược quan trọng cấp quốc gia, Việt Nam đang nỗ lực thu hút mọi nguồn lực phục vụ phát triển. Ngày 29/11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), một nội dung được doanh nghiệp đặc biệt kỳ vọng.

Theo số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải, trước khi Luật PPP được ban hành năm 2020, cả nước đã huy động khoảng 712.774 tỷ đồng để đầu tư vào 242 dự án hạ tầng giao thông theo phương thức này. Tuy nhiên, kể từ khi Luật chính thức có hiệu lực vào năm 2021, số lượng dự án đầu tư PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông có dấu hiệu giảm. Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận hiện có 31 dự án mới đang triển khai và 11 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư theo mô hình PPP.

Thực tế, theo chương trình của Chính phủ, từ năm 2025 trở đi, Việt Nam sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án chiến lược quốc gia. Nổi bật là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư dự kiến 67,3 tỷ USD, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trị giá 16 tỷ USD, siêu dự án cảng Cần Giờ hơn 4,5 tỷ USD, siêu cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), cùng các tuyến đường vành đai 4, 5 tại Hà Nội và TP.HCM. Đặc biệt, các dự án thành phần thuộc đường cao tốc Bắc - Nam tiếp tục là điểm nhấn trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông quốc gia.

Nhu cầu vốn cho nền kinh tế ngày càng tăng, trong khi nguồn vốn từ ngân sách mỗi năm, bao gồm cả vốn điều chuyển và bổ sung, chỉ đạt khoảng 670.000 đến gần 800.000 tỷ đồng, tương đương 26 - 34 tỷ USD. Đây là con số khá khiêm tốn so với tổng mức đầu tư cần thiết, có thể lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định.

Năm mới 2025: "Gọi vốn" toàn dân để đất nước bứt phá, cần cơ chế "win – win"- Ảnh 2.

Đất nước đang thay da đổi thịt hàng ngày, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn tới là rất lớn khi hàng loạt công trình cỡ tỷ USD hoặc chục tỷ USD được đưa ra (Ảnh: NT).

TS Trương Trọng Nghĩa, cho rằng: "Việt Nam tiến vào giai đoạn công nghiệp hóa, điện khí hóa, hiện đại hóa, đòi hỏi phải có khoản đầu tư rất lớn từ nguồn lực tổng hòa của đất nước (Nhà nước, tư nhân và nước ngoài). Chúng ta mới chỉ để ý đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, trong đó có hệ thống đường cao tốc, đường sắt. Đó là những hạng mục cơ bản, bản lề để đáp ứng đòi hỏi thiết yếu cho đất nước phát triển, chứ không đảm bảo cho tăng trưởng về chất, hiệu quả của icor".

Ông Nghĩa cho rằng, để chuyển đổi mô hình kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, Việt Nam cần thực hiện chuyển đổi sâu sắc về kinh tế, tập trung nâng cao hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng trong sản phẩm. Điều này đòi hỏi đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như logistics, công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn và cơ khí chế tạo. Đây đều là những ngành công nghiệp yêu cầu nguồn vốn lớn, cùng với sự đầu tư bài bản vào khoa học, công nghệ và nguồn lực chất lượng cao.

"Hút tiền" trong dân, doanh nghiệp "chung lưng đấu cật"...khó mà dễ!?

Hiện nay, dòng vốn đầu tư tại Việt Nam chủ yếu dựa vào các nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, vốn vay nợ (bao gồm cả trong nước và nước ngoài), cũng như các kênh huy động vốn như chứng khoán và trái phiếu. Tuy nhiên, sau giai đoạn bùng nổ, các kênh này đang đối mặt với nhiều khó khăn. Trong khi đó, lượng tiền trong dân vẫn rất lớn, bao gồm vàng, ngoại tệ và tiền gửi, tạo ra một tiềm năng đáng kể nếu được khai thác hiệu quả.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 17/11, lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đã đạt 7 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 275 tỷ USD. Ngoài ra, người dân hiện đang sở hữu và cất trữ khoảng 400 tấn vàng, tương đương giá trị hàng chục tỷ USD. Rõ ràng, nếu xây dựng được các cơ chế huy động hiệu quả để đưa nguồn lực này đầu tư trở lại nền kinh tế, Việt Nam sẽ có thêm động lực lớn để thúc đẩy tăng trưởng.

Năm mới 2025: "Gọi vốn" toàn dân để đất nước bứt phá, cần cơ chế "win – win"- Ảnh 3.

Gọi vốn toàn dân được xem là kênh huy động dễ, nhưng bấy lâu chúng ta vẫn loay hoay cho dù nhu cầu vốn cho nền kinh tế ngày một lớn. (Ảnh: Lê Tiên)

PGS.TS. Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, nhận định: Việc huy động vốn PPP cho phát triển là bài học đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công, như Đức, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản... Các nước này đã kêu gọi xã hội hóa hiệu quả vào các lĩnh vực như đường cao tốc, hạ tầng điện, y tế, giáo dục, với nguồn vốn khổng lồ.

"Nhà nước và các doanh nghiệp có vốn Nhà nước không nên thực hiện những nhiệm vụ mà doanh nghiệp tư nhân có thể làm tốt hơn. Vai trò của Nhà nước là tham gia hoạch định, giám sát quy hoạch và chuẩn bị dự án. Nếu xét về hiệu quả quản trị, Nhà nước không thể so sánh với doanh nghiệp. Doanh nghiệp có khả năng tính toán, lập kế hoạch để đạt lợi ích tối ưu. Nhà nước chỉ cần đứng sau để bảo đảm dự án đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn và mang lại hiệu quả xã hội tốt nhất," ông Cường nhấn mạnh.

Theo ông Cường, mặc dù Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được thử nghiệm trong vài năm qua với cả thành công và thất bại, nhưng đây vẫn là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của nhiều quốc gia. Bài học kinh nghiệm quan trọng là phải đảm bảo hai bên cùng có lợi, phân chia công bằng và tạo cơ hội để doanh nghiệp phát triển lớn mạnh.

"Huy động tiền trong dân, kêu gọi doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm qua các hình thức như phát hành trái phiếu phát triển hoặc đặt hàng doanh nghiệp thực hiện các dự án là cách giúp Việt Nam vừa có nguồn vốn, sản phẩm cụ thể, vừa tạo thêm việc làm cho doanh nghiệp trong nước," ông Cường đề xuất.

PGS.TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, bổ sung rằng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải huy động nguồn vốn tổng lực để phát triển đất nước.

"Hiện tại, chúng ta phải đối mặt với ba yêu cầu lớn. Thứ nhất, phát triển kinh tế đòi hỏi một nguồn vốn lớn và rẻ, trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp. Thứ hai, Việt Nam đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa sâu và hiện đại hóa, với nhiều dự án lớn mang tính chiến lược đòi hỏi vốn đầu tư, công nghệ cao và năng lực quản trị mạnh mẽ. Thứ ba, nhân dân sở hữu một lượng tiền lớn, đặc biệt là vàng cất trữ. Chúng ta cần có cơ chế huy động theo cách 'win-win' để vừa ích nước vừa lợi nhà, qua đó thúc đẩy đất nước phát triển," PGS.TS. Trần Chủng nhấn mạnh.