Việt Nam là điểm sáng trong một thế giới đầy bất ổn
Đại biểu Quốc hội: Việt Nam là "điểm sáng" trong một thế giới đầy bất ổn
An Linh
Thứ hai, ngày 04/11/2024 09:50 AM (GMT+7)
Sáng 4/11, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Đại biểu Ngân nhấn mạnh, trong 1 thế giới nhiều bất ổn, lạm phát tăng cao 3 năm vừa qua, bình quân mỗi năm tăng 6%, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại (ước tăng 3,2%), nhưng Việt Nam nổi lên là điểm sáng.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân đưa dẫn chứng: Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 4 bậc, chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, chỉ số Chính phủ điện tử tăng 15 bậc, đặc biệt chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu tăng 8 bậc,…
“Chúng ta tiếp tục duy trì ổn định chính trị xã hội, duy trì lạm phát ở mức tốt trong 10 năm qua, bình quân năm 2015 đến nay bình quân lạm phát chỉ 3%, cán cân thương mại thặng dư và xuất siêu liên tục từ năm 2016 đến nay tích lũy được hơn 100 tỷ USD, nợ công/GDP kéo giảm để chúng ta tiếp tục đầu tư các dự án lớn, kinh tế ước cả năm 2024 trên 7%; năm 2025, phấn đấu 6,5%-7%, mức cao hơn là 7,5%”, ông Ngân nói.
Về các nhóm giải pháp trọng tâm của Chính phủ trong thời gian tới, ông Ngân nhấn mạnh đến giải pháp tái cơ cấu sản phẩm xuất khẩu để gia tăng giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Đại biểu Ngân đề nghị Chính phủ quan tâm đến việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, tạo giá trị gia tăng như nông sản, thủy sản.
“Gần đây, chúng ta rất vui mừng khi các sản phẩm công nghệ Việt Nam đã được xuất khẩu đi nước ngoài như chip, phần mềm, hơn 1.500 doanh nghiệp số ở Việt Nam đã đi ra nước ngoài”, Đại biểu Ngân thông tin.
Về giải pháp thúc đẩy đầu tư toàn xã hội, Đại biểu Ngân khẳng định hiện tổng vốn đầu tư xã hội tăng lên, trong đó vốn đầu tư từ dân doanh vẫn còn thấp, vốn tại khu vực FDI tăng cao. Chính vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt Quốc hội sắp bấm nút thông qua hàng loạt các chính sách luật, Nghị quyết lần này là một trong những biện pháp để tháo gỡ điểm nghẽn thể chế kinh tế, cải thiện môi trường, huy động các nguồn lực trong phát triển kinh tế.
Về động lực tiêu dùng, PGS Trần Hoàng Ngân khẳng định, tiêu dùng nội địa đã tăng song vẫn chưa đạt được tỷ lệ hai con số như thời gian trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Ông Ngân đề nghị Chính phủ nghiên cứu các chính sách hỗ trợ tăng tiêu dùng, trong đó có giảm, miễn thuế để kích cầu, quan tâm đến tăng lương, trợ cấp ưu đãi cho người có công trong năm 2025. Đây là năm có nhiều sự kiện quan trọng của dân tộc.
Ông Ngân một lần nữa đề xuất Chính phủ cân nhắc tăng lương, trợ cấp cho người có công.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ quan tâm đến khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, chuyển đối số, xanh, đánh thức 3 động lực tăng trưởng nội sinh đất nước là: Nông nghiệp, Văn hóa và Du lịch. Đây là những thế mạnh của dân tộc chúng ta từ đặc điểm kinh tế, lịch sử văn hoá, thiên nhiên ưu đãi.
“Ba lĩnh vực này mới là chủ công của phát triển đất nước trong thời gian tới”, ông Ngân nhấn mạnh.
Thương mại điện tử bùng nổ, tội phạm mạng gia tăng
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho biết, với sự gia tăng sử dụng các nền tảng mạng xã hội hiện nay, đại biểu nhận thấy, nhiều trường hợp bị lừa đảo đã xảy ra; đặc biệt là quyền riêng tư của người dùng dễ bị xâm phạm, thông tin cá nhân dễ bị lạm dụng và mua bán công khai trên mạng xã hội.
Ông Tuấn dẫn số liệu thống kê cho thấy, năm 2023 Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, số thông tin cá nhân của người dùng bị đánh cắp trong 06 tháng đầu năm 2024 tăng 50% so với cùng kỳ 2023, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Từ thực trạng trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung chỉ đạo có biện pháp chủ động phòng ngừa hiệu quả và xử lý kịp thời những vụ án khi phát hiện.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị cần có biện pháp giải quyết, xử lý dứt điểm những vụ việc phát sinh tiêu cực tại các trường học, lớp học hiện nay, trong đó có khá nhiều trường hợp học sinh hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Ngoài những quy định cấm hút thuốc lá Chính phủ đã ban hành, ông Trần Quốc Tuấn cho rằng, cần phải có sự phối hợp tuyên truyền giáo dục hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội đi cùng với những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong kiểm tra, giám sát, có chế tài xử phạt thật nặng những trường hợp vi phạm kinh doanh thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Khoáng sản đang là “miếng mồi ngon” bị tận thu
Tại Hội trường, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) lo ngại việc khai thác tận thu khoáng sản và việc lãng phí các loại khoáng sản.
Ông Hòa nhấn manh: Luật Địa chất, khoáng sản dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều điểm bất cập về quản lý nhà nước, nhằm khai thác, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả.
“Khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước, hầu hết không được tái tạo phát triển mà ngày càng cạn kiệt, đòi hỏi phải được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, đóng góp tương xứng vào ngân sách nhà nước, góp phần vào sự phát triển quan trọng của đất nước” ông Hòa nói.
Tuy nhiên, Đại biểu Hòa cho rằng: Thực tiễn cho thấy, nhiều nơi vẫn còn vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo, vì khoáng sản là “miếng mồi ngon” mà những người biết cách sẽ khai thác triệt để, bất chấp hệ quả, miễn là có lợi cho họ. Nhiều khoáng sản quý giá nằm lẫn lộn trong đất đá nên tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở của luật pháp trong quản lý để lách luật, khai thác hàng quý hiếm này chung với vật liệu thông thường để tiêu thụ, mà không bị phát hiện.
Ngoài ra, việc khai thác khoáng sản quý trái phép diễn ra cục bộ ở một số nơi vẫn qua mắt được cơ quan chức năng. Mặt khác, việc kê khai số lượng quặng khoáng sản được thu hồi phụ thuộc vào tính tự giác của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước rất khó kiểm soát. Chưa kể đến các mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác theo theo cơ chế xin – cho, cũng làm thất thu ngân sách nhà nước.
Ông Hòa lo ngại, tại những địa phương vùng cao, có những khoáng sản đi kèm như đất, đá, xỉ than lẫn lộn với khoáng sản quý vẫn chưa được sử dụng khai thác, bị thải bỏ gây ra lãng phí. Thậm chí, có nơi chất thành đống cao, nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người dân, trong khi đó đất đá để xây lắp cho các công trình không đủ để sử dụng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.