Luật có bố cục gồm 9 chương với 89 điều, quy định các nội dung cụ thể về nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; các hành vi bị nghiêm cấm…
Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Luật này tách biệt khỏi Luật Đường bộ 2024 để tập trung quản lý người và phương tiện tham gia giao thông, cùng các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.
Luật quy định rõ về trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức tham gia giao thông, như tuân thủ quy tắc giao thông. Đặc biệt, hệ thống quản lý điểm giấy phép lái xe được áp dụng, cho phép trừ điểm đối với các vi phạm; khi hết điểm, người vi phạm phải học lớp kiểm tra kiến thức để được cấp bằng.
Luật Đường bộ số 35/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 27/06/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 (Luật Đường bộ).
Luật Đường bộ gồm 6 Chương, 86 Điều tập trung vào 3 đột phá chiến lược là thể chế chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực; đồng thời, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động đường bộ và tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính.
Đối với các quy định về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện và phương tiện tham gia giao thông đường bộ đã đưa vào điều chỉnh trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản gồm 3 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 43 điều; bổ sung 02 điều mới; bãi bỏ 02 điều và một số điểm, khoản của Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Luật đã sửa đổi về tài sản đấu giá; thêm trường hợp bị cấm trong đấu giá; thay đổi quy định về đấu giá viên và đào tạo đấu giá; thêm trường hợp đấu giá không thành; quy định mới về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước trong đấu giá...
Nội dung của luật có nhiều điểm mới tích cực, được đánh giá sẽ góp phần nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan.
Luật Thủ đô 2024 gồm 7 chương và 54 điều quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Luật Thủ đô năm 2024 có nhiều điểm đổi mới và tầm nhìn đột phá, tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; đặc biệt là với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra.
Mục tiêu xây dựng Luật Thủ đô là nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Luật gồm 9 chương, 152 điều, giảm 2 chương nhưng tăng 54 điều so với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung 101 điều; bổ sung mới 48 điều và giữ nguyên 3 điều, có nhiều điểm mới về: vị trí, vai trò của Tòa án nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân; đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án; tổ chức xét xử;…
Luật được xây dựng và ban hành nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Luật gồm 2 điều, trong đó điều 1 sửa đổi bổ sung 1 số điều của Luật Cảnh vệ gồm 15 khoản và điều 2 quy định Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ và yêu cầu thực tiễn đặt ra cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cảnh vệ; trong đó, việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ là cần thiết với những lý do là: Bổ sung đối tượng cảnh vệ phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Tách biệt chế độ cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ để thuận lợi áp dụng trên thực tế, đồng thời luật hóa một số biện pháp cảnh vệ lực lượng Cảnh vệ đang triển khai thực hiện góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cảnh vệ trong tình hình mới. Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ và điều kiện bảo đảm thực hiện công tác cảnh vệ…
Luật bao gồm 8 chương, 75 điều, quy định cụ thể các nội dung liên quan đến nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ; các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
Điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí; thủ tục trang bị vũ khí quân dụng, thủ tục cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng; nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng, các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ độc lập để bảo đảm an ninh, trật tự;…
Luật gồm 6 chương, 34 điều. Một trong những nội dung cơ bản của luật là quy định nguyên tắc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chính sách của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; phân loại và phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự; quy định về quản lý công trình lưỡng dụng và những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Luật gồm 11 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 Chương 103 Điều, quy định việc quản lý Nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.
Luật áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Luật Đầu tư công có hiệu lực từ tháng 01/01/2025.