Theo Quyết định số 1653 vừa công bố mới đây, Thủ tướng Chính phủ sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An vào Trường Đại học Kinh tế Nghệ An và đổi tên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An thành Trường Đại học Nghệ An trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An. Thông tin này nhận được quan tâm từ nhà trường, học sinh, sinh viên và dư luận về những thay đổi sắp tới.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho hay: "Hiện Nhà trường chưa có kế hoạch cụ thể về tinh giản biên chế, tuy nhiên, dự kiến sẽ có một số thay đổi về nhân sự các phòng ban. Nghị định mới được ban hành sẽ tạo điều kiện tốt, khuyến khích cho người lao động".
Nói thêm về việc sáp nhập với Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An thành Trường Đại học Nghệ An, Tiến sĩ Tường cho biết: "Về cơ bản, điều kiện hoạt động giảng dạy, nghiên cứu vẫn theo hiện trạng hiện có của các trường khi chưa sáp nhập. Sẽ có một số thay đổi trong việc mở thêm mã ngành, mở rộng thêm diện tích trường học so với trước đây. Một số ngành mới thuộc khối ngành Sư phạm được mở như: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Mầm non. Ngoài ra, cũng sẽ có một số ngành thuộc khối ngành khác được mở, trong đó có ngành Ngôn ngữ Trung. Đặc biệt là có thể có thêm một trường THPT nằm trong Trường Đại học Nghệ An.
Quyết định về việc sáp nhập và đổi tên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An thành Trường Đại học Nghệ An tuy mới được phê duyệt nhưng trước đó đã có đề án liên quan được thông qua từ hồi tháng 10/2023. Vì thế, chúng tôi đã có một khoảng thời gian để thực hiện các công việc cần thiết.
Trong đề án đã nêu rõ các vấn đề về cơ cấu tổ chức, tinh giản các đầu mối ra sao để trường có thể hoạt động hiệu quả, đó là may mắn lớn nhất đối với nhà trường trong quá trình thực hiện. Việc tinh giản nhân sự cũng đã được chúng tôi chủ động triển khai từ trước đó chứ không phải đến hôm nay mới bắt đầu thực hiện. Vì thế, khi có quyết định chính thức thì chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thực hiện việc sáp nhập và đổi tên trường một cách thuận lợi nhất", Tiến sĩ Tường nói.
Cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ cho hoạt động của nhà trường sau khi sáp nhập không có thay đổi nhiều so với hiện trạng hiện có từ trước đó, tuy nhiên sẽ có thay đổi một chút về cơ năng. Trong đó, có một số địa điểm trước đây đang bị bỏ không chưa sử dụng đã có phương án để bố trí làm ký túc xá cho sinh viên người Lào sử dụng. Theo tính toán, mỗi năm sẽ có khoảng 200 sinh viên người Lào theo học, sử dụng với diện tích đó là vừa đủ.
TS. Phạm Hiệp, Trưởng nhóm nghiên cứu Đổi mới Giáo dục, Trường Đại học Thành Đô đánh giá: "Nhìn chung, mọi người ủng hộ việc tinh giản biên chế. Những người có năng lực, có trình độ sẽ thấy vui mừng vì năng lực của họ sắp tới sẽ được trọng dụng, phát huy".
Chia sẻ về việc tinh giản biên chế tác động thế nào đến công tác đào tạo của các trường đại học, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TP.HCM cũng cho biết: "Lao động bị tinh giản biên chế có thể sẽ tăng nhu cầu đào tạo lại. Họ đã có kỹ năng tốt về nghề nghiệp do đó các trường đại học sẽ bồi dưỡng cho họ các kỹ năng mềm khác theo xu hướng của xã hội hiện nay cần. Ví dụ như kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, tiếng Anh,.... để các nhân sự đó phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Thứ hai, nếu nhân sự đáp ứng yêu cầu của trường đại học (muốn công tác tại trường và trường có nhu cầu tuyển dụng) sẽ được tiếp nhận về các trường".
Trước đó, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết giảm hơn 2.300 viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước trong 10 năm và Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến giảm đến 40% các ban, phòng và 15% biên chế.