Mục tiêu chi tối thiểu 20% tổng ngân sách, Giáo dục Việt Nam đến năm 2030 sẽ thay đổi thế nào?

Tào Nga Thứ sáu, ngày 03/01/2025 08:04 AM (GMT+7)
Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1705/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bình luận 0

Chiều 2/1, Bộ GDĐT thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu của Chiến lược nhằm phát triển giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, phát triển toàn diện con người Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới, chủ động tham gia và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các tiến bộ mới nhất của khoa học và công nghệ; chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn 2045: Những con số ấn tượng - Ảnh 1.

Học sinh Hà Nội trong ngày khai giảng năm 2024. Ảnh: Tào Nga

Chiến lược đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phấn đấu đạt được các mục tiêu, trong đó, bố trí ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo bảo đảm đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước theo quy định và quản lý sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo. Kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo đó, ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi, xoá mù chữ, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, các nhiệm vụ trọng điểm, các chương trình mục tiêu, các ngành nghề mũi nhọn; ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nghiên cứu cơ chế phân bổ nguồn lực theo hướng chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ giáo dục theo kết quả đầu ra.

Ngoài ra, tăng cường huy động và thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển giáo dục. Xây dựng, triển khai chương trình tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non và phổ thông bảo đảm điều kiện tối thiểu thực hiện chương trình. Đồng thời, tích hợp các mục tiêu tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học vào các chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục đầu tư xây dựng các trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Huy động đa dạng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại, vốn đầu tư, tài trợ của tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác; phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư công để gia tăng thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục.

Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và ưu tiên phân bổ đầu tư nguồn lực để phát triển các đại học quốc gia, đại học vùng, các trường đại học xuất sắc theo hiệp định quốc tế, các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và các trường đại học sư phạm ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. 

Xây dựng, thực hiện Chương trình đầu tư công hiện đại hoá giáo dục đại học phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, sư phạm và cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đảm bảo đầy đủ nguồn lực để triển khai thực hiện quy hoạch và các đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển các ngành kinh tế quan trọng và các lĩnh vực công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, giáo dục Mầm non sẽ phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; Giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục; Tỷ lệ trường mầm non dân lập, tư thục đạt 30%, số trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục đạt 35%.

Đối với giáo dục phổ thông, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; 75% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; Học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày...

Về giáo dục đại học, số sinh viên đại học/vạn dân đạt ít nhất là 260, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40%. Có ít nhất 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới; Nằm trong 4 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á và trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á.

Phát triển hệ thống giáo dục mở, đảm bảo công bằng và bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, phục vụ học tập suốt đời, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á và đến năm 2045 đạt trình độ tiên tiến của thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem