Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) vừa công bố thông tin về việc nhận chuyển nhượng 70% vốn góp tại Công ty TNHH Hòa Phát Bốn. Đây là công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng có trụ sở tại Làng Tu, xã Ia Lâu, Chư Prông, Gia Lai.
HĐQT quyết định giao cho bà Bùi Hương Giang - Tổng Giám đốc của BAF Việt Nam, quyết định toàn bộ vấn đề và chủ động thực hiện các công việc. Đồng thời, bà Giang là người đại diện ủy quyền quản lý toàn bộ số cổ phần của BAF Việt Nam tại Hòa Phát Bốn.
Trước đó, BAF đã nhận chuyển nhượng gần 3,55 triệu cổ phiếu, tương đương 99,99% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp sạch Thanh Xuân, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi tại Thanh Hóa.
Trước đó nữa, vào cuối tháng 10, BAF đã mua lại 95% vốn góp của Công ty TNHH Chăn nuôi Công nghệ cao Khuyên Nam Tiến tại Đắk Lắk với giá 47,5 tỷ đồng. Tiếp theo, BAF cũng nhận chuyển nhượng cổ phần tại năm công ty chăn nuôi khác ở Quảng Trị, mỗi công ty 171.500 cổ phiếu, chiếm 49% vốn điều lệ.
Song song với các hoạt động M&A, BAF đang triển khai kế hoạch phát hành 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ, huy động hơn 1.000 tỷ đồng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. BAF dự kiến sử dụng gần 558 tỷ đồng để mua cám và phụ gia, 450 tỷ đồng để mua heo giống và nguyên liệu phục vụ trang trại, với thời gian giải ngân từ quý IV/2024 đến quý IV/2025.
BAF Việt Nam đang nổi lên như một hiện tượng trong ngành chăn nuôi với chiến lược M&A mạnh mẽ. Chỉ trong hai tháng qua, BAF đã thâu tóm 9 công ty chăn nuôi, tạo nên một làn sóng mở rộng chưa từng có.
Theo ông Ngô Cao Cường, Giám đốc Tài chính BAF, doanh nghiệp đang tận dụng nhanh khoảng trống của thị trường, đặc biệt khi các quy định mới của Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ 1/1/2025. Các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ tại khu dân cư sẽ buộc phải di dời, tạo cơ hội lớn cho những công ty quy mô lớn như BAF mở rộng thị phần.
Trong 9 tháng năm 2024, BAF Việt Nam ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 215 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ, hoàn thành 70% kế hoạch năm. Kết quả này phản ánh rõ nét thành công của BAF trong việc tái cơ cấu hoạt động, giảm dần mảng kinh doanh nông sản để tập trung vào mảng chăn nuôi lợn khép kín theo mô hình 3F.
Quy mô đàn lợn của BAF đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây, từ khoảng 330.000 con cuối năm 2023 lên 520.000 con vào cuối tháng 9/2024, tương đương mức tăng trưởng 73%. Qua đó, sản lượng lợn thương phẩm của BAF Việt Nam có thể lên tới 1 triệu con.
Được biết, BAF đặt mục tiêu nâng tổng đàn lên mức 100.000 lợn nái vào năm 2025 (tăng hơn 30%), lên 185.000 lợn nái vào năm 2026 (tăng 85%), và vào khoảng 260.000 lợn nái vào năm 2027 (tăng 40,5%).
Đến năm 2030, công ty đặt mục tiêu sẽ có 102 trang trại với tổng đàn nái 450.000 con, 10 triệu lợn thương phẩm xuất chuồng. Hệ thống trang trại sẽ được phát triển theo hướng cân bằng tại 3 miền trên cả nước, thay vì tập trung tại khu vực nhất định, nhằm tối đa độ phủ.
Ban lãnh đạo BAF chia sẻ, công ty dự kiến chi khoảng 3.000 tỷ đồng, để xây dựng 15 trang trại nhằm mở rộng quy mô trong năm 2025. Nếu xây không kịp, BAF sẽ đi thuê hoặc tìm kiếm đối tác có sẵn vốn và quỹ đất để xây dựng trang trại theo mô hình của BAF rồi tiến hành thuê lại.