'Ông lớn' chăn nuôi BAF Việt Nam muốn huy động hơn 1.000 tỷ đồng để làm gì?
'Ông lớn' chăn nuôi BAF Việt Nam muốn huy động hơn 1.000 tỷ đồng để làm gì?
Nguyễn Phương
Thứ năm, ngày 10/10/2024 06:00 AM (GMT+7)
Với hơn 1.000 tỷ đồng thu được từ bán cổ phiếu, BAF Việt Nam dự kiến dùng gần 558 tỷ đồng để mua cám, phụ gia, nguyên vật liệu phục vụ các trang trại lợn; 450 tỷ đồng để mua lợn giống, lợn cai sữa, lợn hậu bị phục vụ các trang trại. Thời gian giải ngân dự kiến từ quý IV/2024 đến quý IV/2025.
CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã: BAF) vừa trình ĐHĐCĐ phương án phát hành 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 15.500 đồng/cp cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (không giới hạn số lượng).
Hơn 1.000 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán, BAF dự kiến dùng gần 558 tỷ đồng để mua cám, phụ gia, nguyên vật liệu phục vụ các trang trại lợn; 450 tỷ đồng để mua lợn giống, lợn cai sữa, lợn hậu bị phục vụ các trang trại. Thời gian giải ngân dự kiến từ quý IV/2024 đến quý IV/2025.
BAF đang lưu hành 239 triệu cổ phiếu. Sau thương vụ, số cổ phiếu sẽ là 304 triệu và các cổ đông mới nắm giữ 21,4% cổ phần công ty. Nếu đợt phát hành thành công, BAF sẽ nâng vốn điều lệ từ 2.390 tỷ đồng lên 3.040 tỷ đồng.
Theo BAF Việt Nam, việc tăng vốn điều lệ có ý nghĩa quan trọng với công ty để hướng tới mục tiêu mảng chăn nuôi đạt 1,5 triệu con lợn thịt thương phẩm bán ra thị trường trong năm 2025; 10 triệu con lợn thịt thương phẩm bán ra thị trường năm 2030; tổng đàn nái đạt 400.000 con vào năm 2030 và trở thành Top 3 công ty chăn nuôi hàng đầu Việt Nam.
Hiện tại, tổng số đàn lợn của BAF Việt Nam là 11.000 lợn nái ông bà và lợn nái cụ kỵ, trên 38.000 lợn nái bố mẹ, tương đương với 1 triệu lợn nái hậu bị và lợn thịt thương phẩm. Bên cạnh đó, BAF còn sở hữu 36 trại nuôi lợn thịt và lợn giống hiện đại đã đi vào hoạt động.
Để nâng cao năng lực sản xuất, hồi tháng 9, BAF và Tập đoàn Chăn nuôi – Thực phẩm Muyuan (Muyuan Foods Co., Ltd) đã ký kết hợp tác chiến lược về chuyển giao công nghệ thiết bị chuồng trại, ứng dụng AI vào quy trình vận hành trong toàn chuỗi chăn nuôi.
Phía đối tác Muyuan khẳng định, công ty có thể hỗ trợ BAF Việt Nam đạt được mục tiêu mở rộng quy mô với 450.000 con lợn nái và 10 triệu con lợn thịt vào năm 2030, đồng thời giúp BAF giảm thiểu chi phí nước và đất đai.
Năm 2023, Muyuan sở hữu 1.125 trang trại và sản lượng gần 64 triệu con lợn, cùng 10 nhà máy giết mổ, qua đó đứng đầu thế giới về khối lượng giết mổ lợn. Theo thỏa thuận, hai bên hướng đến mục tiêu đưa BAF trở thành tập đoàn chăn nuôi hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2030, đồng thời nâng cao nhận diện thương hiệu trên toàn thế giới. Thỏa thuận này tập trung vào việc chuyển giao công nghệ thiết bị chuồng trại và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quy trình chăn nuôi, nhằm đảm bảo an toàn sinh học và bảo vệ môi trường.
Theo dữ liệu của một số hãng chứng khoán, giá vốn mảng chăn nuôi lợn hiện nay của BAF Việt Nam chỉ ở mức 40.000 đồng/kg - mức khá thấp so với trung bình ngành nhờ việc công ty này tận dụng các nguồn lực của hệ sinh thái tập đoàn mẹ - Tập đoàn Tân Long.
BAF Việt Nam còn được kỳ vọng là một trong số các doanh nghiệp chăn nuôi niêm yết hưởng lợi trực tiếp từ việc các quy định mới của Luật Chăn nuôi đang thúc đẩy việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hoá, đáp ứng các quy chuẩn quốc tế, phù hợp với các doanh nghiệp theo mô hình sản xuất an toàn khép kín 3F.
Xét về hoạt động kinh doanh hiện nay, trong quý II/2024, doanh thu thuần của BAF đạt 1.225 tỷ đồng giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm sâu tới hơn 30% dẫn đến lợi nhuận gộp trong kỳ của công ty ngược chiều tăng vọt 89% lên 174 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BAF bất ngờ ghi nhận thêm 35 tỷ đồng lợi nhuận khác trong quý II.
Nhờ vậy, dù nhiều khoản chi phí phát sinh nhưng BAF vẫn đạt lợi nhuận tăng trưởng cao gấp 4 lần cùng kỳ lên 34 tỷ đồng.
Giải trình chênh lệch, BAF cho biết lợi nhuận trong kỳ cái thiện đáng kể là do thị trường giá lợn trong quý II/2024 đã có sự phục hồi nhất định sau đợt giảm đáy vào quý IV/2023.
Bên cạnh đó, sản lượng lợn của BAF trong quý II đạt hơn 144.000 con, nâng tổng đàn trong nửa đầu năm 2024 lên 252.000 con, gấp 1,8 lần cùng kỳ. Ngoài ra, theo BAF, giá nguyên liệu đầu vào giảm cũng giúp công ty tăng hiệu quả chăn nuôi.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, BAF ghi nhận doanh thu đạt 2.518 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, cơ cấu doanh thu xuất hiện sự chuyển dịch cơ cấu chuyển dần từ nông sản sang chăn nuôi.
Lợi nhuận của BAF đạt 153 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, tăng gấp 14 lần cùng kỳ. Kết quả trên đã giúp Công ty hoàn thành hơn 50% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Năm nay, BAF Việt Nam dự kiến sẽ bán khoảng 580.000 con lợn thịt và hơn 24.700 con lợn giống các loại. Công ty lập kế hoạch kinh doanh với mục tiêu 5.544 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 7% so với năm 2023. Nhưng mục tiêu lãi ròng của BAF Việt Nam lên đến 306 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm ngoái.
Về kế hoạch mở rộng quy mô, BAF Việt Nam hiện đặt mục tiêu tăng tổng quy mô đàn lợn vào cuối năm nay sẽ tăng gấp đôi so với cuối năm 2023; nâng tổng đàn lên 75.000 con lợn nái và 800.000 con lợn thịt.
Được biết, về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản BAF đạt 7.333 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Đáng chú ý, lượng tiền mặt và tiền gửi nắm giữ của BAF ở mức 1.155 tỷ đồng, gấp 2,7 lần đầu kỳ. Chỉ số hàng tồn kho của BAF đạt 1.942 tỷ đồng, tăng 22%.
Tính đến cuối tháng 6, nợ phải trả của BAF ở mức 5.271 tỷ đồng, tăng 14%, tăng chủ yếu từ vay và nợ thuê tài chính. Cụ thể, vay ngắn hạn đạt 837 tỷ đồng, vay dài hạn đạt 1.709 tỷ đồng; tăng lần lượt 19% và 6% so với số với đầu năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.