Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, nông dân Bình Dương đã tích cực đưa sản phẩm lên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm.
Đi lên từ cơ sở kinh doanh nông hộ, bà Tăng Thị Hằng – Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Hiếu Hằng (xã An Long, huyện Phú Giáo) cho biết, việc ứng dụng nền tảng số trong bán hàng càng trở nên quan trọng và hữu ích để mở rộng thị trường.
Thời gian qua, bà Hằng được Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ tập huấn sử dụng phần mềm quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc (FaceFarm). Bà cũng thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Từ kinh nghiệm tích lũy, bà Hằng mạnh dạn đưa các sản phẩm yến sào đạt chuẩn OCOP lên mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok, các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki.
Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, bà Hằng có thể giao dịch, trả lời đơn hàng của khách hàng mọi lúc mọi nơi. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm yến của công ty ngày càng mở rộng; khách có thể mua hàng ở bất cứ nơi nào.
"Tôi cũng kết nối với đơn vị giao hàng chuyên nghiệp, đưa sản phẩm nhanh chóng đến tay khách hàng", bà Hằng chia sẻ.
Hiện nay, Công ty Hiếu Hằng có tổng cộng 3 nhà yến với diện tích hơn 1.500m2. Mỗi tháng, công ty thu khoảng 15kg yến thô, giá dao động từ 20-22 triệu đồng/kg. Mỗi năm, doanh thu từ tổ yến thô đạt khoảng 3 tỷ đồng.
Công ty Hiếu Hằng còn giải quyết việc làm ổn định cho gần 10 công nhân, với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng, cùng đầy đủ các chế độ phúc lợi xã hội khác.
Bà Phan Thị Khánh Duyên – Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Dương cho biết, song song với phương thức thương mại truyền thống, từ cuối năm 2021, ngành đã đưa vào hoạt động Sàn thương mại điện tử tỉnh (binhduongtrade.vn).
Sàn hoạt động theo mô hình B2B với mục tiêu xây dựng thêm kênh phân phối mới trên nền tảng kinh doanh thương mại trực tuyến, hướng đến phát triển kinh tế số.
Đồng thời, sàn thương mại điện tử Bình Dương hỗ trợ người tiêu dùng và các đơn vị đối tác có cơ hội kết nối với các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước và quốc tế như: Lazada, Sendo, Alibaba, Ebay, Amazone,...
Theo Sở NNPTNT Bình Dương, năm 2024, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ 6 cơ sở ứng dụng công nghệ IOT, truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực trồng trọt.
Ngành hỗ trợ cho nhiều nông dân thực hiện theo dõi giám sát việc ghi chép nhật ký sản xuất trên hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp Mtrace (Mã truy xuất). Hoặc tổ chức tập huấn và hỗ trợ 1 năm sử dụng phần mềm quản lý sản xuất truy xuất nguồn gốc (FaceFarm) cho các chu thể.
Năm 2024, nông nghiệp Bình Dương đã hỗ trợ gần 100 chủ thể đăng ký tài khoản trên sàn thương mại điện tử tỉnh, trong đó có hơn 200 sản phẩm OCOP.
Tỉnh cũng thường xuyên cập nhật thông tin các sản phẩm và chủ thể được chứng nhận OCOP lên website Sở NNPTNT tỉnh.
"Nhờ chủ động triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh, ngành nông nghiệp Bình Dương đã đạt được những kết quả tốt", ông Bông cho biết.
Theo ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, năm qua, kinh tế Binh Dương đạt mức tăng trưởng khá trong khu vực Đông Nam bộ. Quy mô kinh tế của tỉnh đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội.
"Tỷ trọng ngành nông nghiệp Bình Dương tuy chỉ chiếm 2,73% trong quy mô kinh tế của tỉnh nhưng giá trị tuyệt đối là rất lớn, có thể bằng cả GRDP nói chung của một số tỉnh thành khác", ông Dũng nói.
Năm 2025 là năm tăng tốc của cả nhiệm kỳ 2021-2025. Lãnh đạo tỉnh đề nghị ngành nông nghiệp Bình Dương cần tiếp tục tập trung nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, tạo động lực phát triển.
Trong đó có việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, và thực hiện chuyển đổi số.
"Nông nghiệp Bình Dương cần đẩy mạnh việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho một số sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông sản có tiềm năng, lợi thế của tỉnh", ông Dũng đề nghị.