Ở Ninh Bình có một hang động đá vôi huyền ảo, mọc la liệt chồi đá, thạch nhũ hình thù kỳ lạ

Vũ Thượng Thứ hai, ngày 06/01/2025 08:00 AM (GMT+7)
Chùa và động Địch Lộng tọa lạc tại xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình được xếp hạng di tích lịch sử -văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Động Địch Lộng là một hang động đá vôi có vẻ đẹp huyền ảo, cùng hệ thống thạch nhũ với hình thù kỳ lạ được mệnh danh “động đẹp thứ 3 trời Nam”.
Bình luận 0

Nếu như vua Tự Đức ban tặng Hương Tích là "Nam thiên đệ nhất động", chúa Trịnh Sâm ban tặng Bích Động "Nam thiên đệ nhị động", thì Địch Lộng cũng được vua Minh Mạng ban tặng "Nam thiên đệ tam động", có nghĩa động đẹp thứ 3 ở trời Nam.

Hang động đá vôi-động Địch Lộng có thờ Phật

Động và chùa Địch Lộng hiện nay tọa lạc tại xã Gia Thanh (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Theo sử sách, vào năm 1739, một tiều phu lên núi đốn củi đã phát hiện hang động này, bên trong có nhiều nhũ đá giống hình tượng Phật nên đã lập bàn thờ ở đây.

Động Địch Lộng ở Ninh Bình được mệnh danh "Nam thiên đệ tam động" với hệ thống thạch nhũ kỳ lạ  - Ảnh 1.

Động và chùa Địch Lộng xã Gia Thanh (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) bao quanh là rừng núi. Ảnh: VT

Đến năm 1740, người dân mở đường lập chùa thờ Phật với tên chữ "Nham Sơn động Cổ Am tự" (có nghĩa là chùa Cổ Am và động Nham Sơn).

Để đến được động Địch Lộng, từ chân núi du khách phải leo 105 bậc đá mới lên đến cửa động. Sân trước động có phủ thờ Bà chúa Thượng Ngàn, phủ thờ Đức Thánh Mẫu. Bên trong động có thờ Phật nên nhân dân địa phương thường gọi là chùa Địch Lộng.

Động Địch Lộng ở Ninh Bình được mệnh danh "Nam thiên đệ tam động" với hệ thống thạch nhũ kỳ lạ  - Ảnh 2.

Sân trước của động Địch Lộng ở Ninh Bình có phủ thờ Bà chúa Thượng ngàn. Ảnh: VT

Động Địch Lộng ở Ninh Bình được mệnh danh "Nam thiên đệ tam động" với hệ thống thạch nhũ kỳ lạ  - Ảnh 3.

Trong động Địch Lộng có ngôi miếu thờ, bên cạnh còn có tấm bia khắc chữ Hán. Ảnh: VT

Tương truyền, nơi đây được vua Minh Mạng ban tặng cho 5 chữ "Nam thiên đệ tam động" (động đẹp thứ 3 trời Nam) nhân một chuyến tuần du vào năm 1821.

Chùa và động cũng là căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi lưu giữ quân khí, xưởng sản xuất vũ khí của quân và dân ta.

Động Địch Lộng mọc chồi đá, thạch nhũ hình thù kỳ lạ

Động và chùa Địch Lộng được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Quần thể di tích danh thắng này gồm có đình đá (16 cột đá nguyên khối), đền thờ Lý Quốc Sư (dân gian còn gọi là Thánh Nguyễn), chùa Hạ, khu vườn tháp ở hai bên.

Động Địch Lộng ở Ninh Bình được mệnh danh "Nam thiên đệ tam động" với hệ thống thạch nhũ kỳ lạ  - Ảnh 4.

Khi tiến sâu vào trong động Địch Lộng quan sát có những khối đá với hình thù kỳ lạ, huyền ảo. Ảnh: VT

Động Địch Lộng ở Ninh Bình được mệnh danh "Nam thiên đệ tam động" với hệ thống thạch nhũ kỳ lạ  - Ảnh 5.

Các nhũ đá trong hang động Địch Lộng xã Gia Thanh (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) đủ loại hình dáng. Ảnh: VT

Bên cạnh đó, hang Địch Lộng có 2 khu vực, được phân chia theo lối vào là hang Sáng và hang Tối với vô số nhũ đá đủ hình dáng như: Hình tượng Phật, hình con voi quỳ gối, hình sư tử, ngựa phục, voi uống nước chum,...

Đứng ở cửa động, du khách nghe được tiếng gió thổi vi vu như tiếng sáo thổi. Chính vì thế dân gian gọi đây là cây sáo gió khổng lồ bằng đá và lấy tên là Địch Lộng ("Địch" nghĩa là sáo, "Lộng" nghĩa là gió).

Động Địch Lộng ở Ninh Bình được mệnh danh "Nam thiên đệ tam động" với hệ thống thạch nhũ kỳ lạ  - Ảnh 6.

Trong hang Địch Lộng có 2 khu vực, được phân chia theo lối vào là hang Sáng và hang Tối. Ảnh: VT

Qua tìm hiểu, cứ đến ngày 6 và 7 tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân xã Gia Thanh (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) lại tổ chức lễ hội chùa Địch Lộng, cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem