Dân Việt

Phụ huynh tranh cãi "có nên cho học sinh nghỉ học khi chất lượng không khí nguy hại?": Chuyên gia ý kiến

Tào Nga - Gia Khiêm 08/01/2025 11:52 GMT+7
Khuyến cáo "có thể xem xét cho học sinh nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục" của Bộ Y tế đang trở thành chủ đề quan tâm của phụ huynh Hà Nội.

Chất lượng không khí ở mức nguy hại, học sinh có được nghỉ học không?

Ngày 7/1, Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe.

Theo báo cáo diễn biến chất lượng môi trường không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (giá trị AQI) đã lên đến mức xấu.

Cục Quản lý Môi trường y tế đưa ra các giải pháp khi chỉ số chất lượng không khí xấu, học sinh hạn chế các hoạt động tập thể dục hoặc vận động cần gắng sức trong thời gian dài.

Khi chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại (AQI ở mức 301 - 500), lớp mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học có thể xem xét cho học sinh nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục. Nếu bắt buộc đi học cần tránh các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc điều chỉnh thời gian học cho phù hợp.

Thông tin về chất lượng không khí ở mức nguy hại có thể xem xét cho học sinh nghỉ học đang là chủ đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Có người ủng hộ việc nghỉ học nhưng có người lại phản đối.

Phụ huynh tranh cãi "có nên cho học sinh nghỉ học khi chất lượng không khí nguy hại?": Chuyên gia ý kiến- Ảnh 1.

Chất lượng không khí tại Hà Nội vào sáng 8/1. Ảnh: CMH

Chị Lê Thanh Hương, có 2 con đang học tiểu học và mầm non lo lắng khi nghe tin chất lượng không khí mấy ngày qua ở nhiều khu vực của Hà Nội có mức cảnh báo xấu và rất xấu, chỉ số trong mức 151 đến hơn 201 (thang màu đỏ và tím): "Con nhỏ nên tôi thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, chất lượng không khí để theo dõi và phòng tránh cho con. Theo tôi, nhà trường nên linh hoạt cho việc học sinh đi học hay nghỉ. Nếu phụ huynh không yên tâm có thể cho con ở nhà để đảm bảo sức khỏe".

Đồng quan điểm, anh Ngô Mạnh Cường, có con đang học cấp 2 nêu quan điểm: "Bây giờ con đã thi xong học kỳ 1 nên việc học không quan trọng. Nếu chất lượng không khí nguy hại thì nên cho học sinh nghỉ học vì sức khỏe của các em mới là quan trọng".

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh khác cho rằng cần có giải pháp tận gốc vì học sinh ở nhà hay ở trường đều giống nhau. Trong khi đó, học sinh nghỉ học thì không có ai trông, nhất là Tết Âm lịch đang cận kề, ai cũng bận rộn để có một cái Tết trọn vẹn. 

"Tôi xét thấy, dù ô nhiễm không khí vẫn nên để cuộc sống duy trì bình thường. Cũng giống như khi Hà Nội vào mùa đông, nhiều nhà trường cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ dưới 10 độ C. Tôi nghĩ, cuộc sống sẽ luôn có những biến động và chúng ta phải thích nghi dù trong điều kiện hoàn cảnh nào. 

Học sinh nghỉ học, với gia đình có người giúp đỡ ở nhà trông con thì không sao, nhưng với gia đình bố mẹ đi làm công ty, ông bà ở quê, việc trông con rất khó khăn. Nếu thuê người trông coi, thì họ lấy giá cũng khá "chát". Như trước đây, tôi chỉ gửi con vài tiếng ở một cơ sở trông trẻ (tự phát) mà lúc tới đón con, giá lên tới 200.000 đồng. Thú thật, không phải ai cũng có điều kiện làm vậy được. Tôi nghĩ, hãy để các con tới trường và phòng ngừa ô nhiễm bằng các biện pháp như đeo khẩu trang, tránh các hoạt động ngoài trời", phụ huynh Nguyễn Nhật Hà cho hay.

"Cho học sinh nghỉ học là đúng"

Trao đổi với PV Dân Việt, TS.Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho hay, ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Cần có những giải pháp từ dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, quản lý từng nguồn thải. Gần đây đã có những giải pháp như thực hiện vùng phát thải thấp, chuyển đổi xe xăng sang xe điện... Thế nhưng cần kiên quyết hơn, nâng cao ý thức người dân.

Tổ chức Y tế thế giới cho biết, tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, các bệnh tim mạch và đột quỵ. Ngoài ra có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần.

"Đến nay, thành phố Hà Nội chưa tiến hành kiểm kê tổng thể các nguồn phát thải vào không khí. Tuy nhiên, tổng hợp từ các nghiên cứu kiểm kê khác nhau của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới và các nghiên cứu khác cho thấy, tỉ lệ đóng góp của các nguồn thải vào nồng độ bụi sơ cấp PM2.5 tại 11 điểm trên địa bàn Thủ đô. Tùy vào từng điểm, mức độ đóng góp của các nguồn chiếm tỉ lệ khác nhau. Nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn có đóng góp mức cao nhất (từ 58% - 74%), tiếp đến là nguồn công nghiệp (từ 14% - 23%), nguồn nông nghiệp (từ 3,4% - 18,9%), nguồn dân sinh và nguồn đốt rác có mức đóng góp thấp nhất", ông Tùng nhấn mạnh.

Đối với lớp mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học, có thể xem xét cho học sinh nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục, ông Tùng cho rằng, đây là biện pháp cần phải tính đến. Cụ thể, việc cho một số trường học nghỉ trong những ngày ô nhiễm là biện pháp đã quy định trong Nghị định 05/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường được ban hành ngày 6/1/2025. 

"Tuy nhiên, theo tôi cần phải nghiên cứu trường nào, kế hoạch ra sao cần chuẩn bị kỹ lưỡng, làm công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để việc này được tiến hành tốt hơn. Tôi nghĩ, chúng ta phải có kế hoạch phối hợp với phụ huynh học sinh để họ hiểu được, mục tiêu sức khoẻ con em là trên hết. Có nghiên cứu, chứng cứ để nói tác động của ô nhiễm không khí thì phụ huynh sẵn sàng vì sức khoẻ con em mình", ông Tùng phân tích.

Trao đổi về vấn đề này, ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam cho rằng, với lớp mẫu giáo, nhà trẻ, tiểu học, có thể xem xét cho học sinh nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày là đúng.

Bác sĩ Mạnh nêu, trẻ em và người già là 2 đối tượng dễ suy hô hấp, mắc các bệnh về hô hấp cấp. Trong không khí ô nhiễm này nên hai đối tượng trên kể cả phụ nữ mang thai không nên ra ngoài.

"Các đối tượng trên dễ nhiễm bệnh, ngoài suy hô hấp còn dễ bùng phát các dịch virus như cúm A vì cơ thể bị suy yếu hệ miễn dịch trong thời tiết ô nhiễm này nhưng nghỉ đến bao giờ vì ô nhiễm cả nhiều ngày nay. Tôi cho rằng thành phố phải có phương án giải quyết các công trường, nhà máy và nạn đốt rác thải", bác sĩ Mạnh chia sẻ.

Trước câu hỏi chất lượng không khí ở mức nguy hại, học sinh có được nghỉ học không, sáng 8/1, trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Lê Ngọc Hoa, Chánh văn phòng Sở GDĐT Hà Nội cho biết: "Vấn đề này Phòng chuyên môn đang tham mưu Ban giám đốc theo quy định".