Trường đại học “hot” ở TP.HCM giải thể 45 bộ môn, tinh giản gần 30% đầu mối: Nhà trường lý giải
Trường đại học “hot” ở TP.HCM giải thể 45 bộ môn, tinh giản gần 30% đầu mối: Nhà trường lý giải
Tào Nga
Thứ ba, ngày 07/01/2025 09:31 AM (GMT+7)
PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM đã có những chia sẻ trước thông tin sáp nhập khoa chuyên môn, tinh giản các đầu mối đơn vị của trường.
Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM giải thể 45 bộ môn
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM cho biết: "Theo quy định của Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018 và Nghị định số 99/2019/NĐ-NP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học, Trường đã chuẩn bị mọi điều kiện để thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, trên cơ sở rà soát, điều chỉnh, bổ sung, phối hợp thực hiện chức năng nhiệm vụ của Nhà trường theo định hướng phân cấp, giao quyền tự chủ đến đơn vị kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Nhà trường là đơn vị đầu tiên xóa bỏ cơ cấu trung gian: thực hiện giải thể 45 bộ môn để phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học hiện nay. Đồng thời, Nhà trường tiến hành sáp nhập các khoa chuyên môn, hình thành các viện quản lý đào tạo, từ 14 khoa còn 7 viện. Để nâng cao hiệu quả tư vấn, hỗ trợ sinh viên trong học tập, Trường đã bỏ mô hình giáo vụ (từ 14 đầu mối), chuyển sang bộ phận tư vấn đào tạo thuộc phòng Đào tạo của Trường.
Nhà trường cũng là đơn vị tiên phong trong thực hiện kiện toàn hệ thống tổ chức và quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động. Theo đó, trường giảm được 11 đầu mối bên trong (từ 39 đầu mối tinh gọn còn 28 đầu mối), đạt tỷ lệ tinh giản gần 30%".
Cụ thể, khoa Công nghệ thông tin và khoa Điện - Điện tử viễn thông sáp nhập hình thành Viện Công nghệ thông tin và Điện, điện tử. Khoa Lý luận Chính trị sáp nhập vào Viện Ngôn ngữ, Khoa học Xã hội thành Viện Ngôn ngữ, Khoa học Chính trị và Xã hội. Khoa Hàng hải, khoa Máy, Điện tàu thủy, khoa Kỹ thuật tàu thủy sáp nhập hình thành Viện Hàng hải. Phòng Đối ngoại nhập vào Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế...
Theo PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, đây được xem là một bước đi quan trọng trong nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động của Nhà trường nhằm đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả quản lý và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ giúp nâng cao hiệu suất làm việc, tăng thêm thu nhập cho viên chức, người lao động mà còn tạo động lực thúc đẩy các hoạt động khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, tiến tới tự chủ đại học.
Nhiều trường tinh giản bộ máy
Như vậy, đã có một số trường thông báo kế hoạch tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ quyết định sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An vào Trường Đại học Kinh tế Nghệ An và đổi tên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An thành Trường Đại học Nghệ An trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho hay: "Hiện Nhà trường chưa có kế hoạch cụ thể về tinh giản biên chế, tuy nhiên, dự kiến sẽ có một số thay đổi về nhân sự các phòng ban. Nghị định mới được ban hành sẽ tạo điều kiện tốt, khuyến khích cho người lao động".
Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết giảm hơn 2.300 viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước trong 10 năm và Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến giảm đến 40% các ban, phòng và 15% biên chế.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ GDĐT, Bộ này cho biết sẽ tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, nghiêm túc và bảo đảm tiến độ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ GDĐT và bố trí, sắp xếp công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ; chủ động các phương án tiếp nhận, sắp xếp, bố trí nhân sự các đơn vị phù hợp sau khi tiếp nhận các đơn vị về Bộ quản lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.