Bài 3: Để bữa ăn tại trường không còn là nỗi lo lắng
Bài 3: Để bữa ăn tại trường không còn là nỗi lo lắng
Phương Vy - Tào Nga
Thứ hai, ngày 06/01/2025 16:16 PM (GMT+7)
Làm gì để bữa ăn ở trường học không còn là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh, không còn xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc tập thể, thậm chí có em thiệt mạng. "Bài toán" khó này cần có lời giải…
Có 3 con đang học ở cả 3 cấp tại Hà Nội, chị Hoàng Hồng cho biết: "Các con tôi đều trải qua các trường công lập và dân lập. Ngày trước tôi cho con trai lớn học trường công lập không ăn bán trú. Cứ trưa học xong là con tự về nhà ăn trưa, ngủ trưa. Sau đó, con chuyển sang một trường tư, tuy đồ ăn ở đây rất ngon nhưng theo tôi không tốt cho sức khỏe nếu ăn trong thời gian dài".
Chị Hồng giải thích thêm: "Suất ăn trưa ở trường của các con rất nhiều đồ chiên rán. Đồ ăn quà chiều thì đa số là bánh ngọt đóng gói. Đây đều là những món ăn không tốt cho sức khỏe. Không chỉ trường các con tôi mà thực đơn của các trường đa phần như thế. Vì vậy, không chỉ vấn đề về khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, tôi còn lo lắng cả về dinh dưỡng của suất ăn nhưng không biết làm thế nào".
Chị Dương Nhung, có con 5 tuổi đang học một trường mầm non ở Hà Nội, chia sẻ: "Con tôi rất thích ăn tại trường và đi học về luôn kể các món con thích như cháo đậu xanh, canh cải, xôi gấc… Tôi quan sát thấy bếp ăn sạch sẽ, gọn gàng. Tôi rất vui vì con đi học được ăn uống đúng giờ, có nền nếp, ngoan ngoãn, tự giác. Sau thời gian đi học con đã tăng cân, cao lớn, nhanh nhẹn".
Dù vậy, chị Nhung cũng mong muốn nhà trường cần đa dạng thức ăn hơn như tôm, cá… để hạn chế các món từ thịt vì có rất nhiều bữa ăn trong tuần là thịt băm. Đặc biệt hơn, các món chế biến sẵn như giò, chả nếu mua sẵn sẽ không tốt cho sức khỏe, nên loại bỏ khỏi thực đơn.
Ngoài ra, chị Nhung còn lo lắng không biết trên lớp con uống sữa loại gì, tiêu chuẩn ra sao. Chị Nhung mong muốn bên cạnh thức ăn ngon, sạch, con được uống loại sữa tươi có thương hiệu uy tín để bố mẹ yên tâm đi làm.
Thực tế sữa học đường là một giải pháp để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ mầm non, tiểu học - các khuyến nghị của Chương trình sữa học đường quốc gia đưa ra là sử dụng sữa tươi nguyên chất đóng hộp theo định lượng, đi kèm các bữa ăn dinh dưỡng đầy đủ các vi chất tự nhiên là tối ưu nhất cho trẻ.
Giám sát của phụ huynh: Chưa hiệu quả do thiếu quy chuẩn để đối chiếu
Đọc thông tin về các bữa ăn bán trú không đảm bảo chất lượng, các vụ ngộ độc, chị Lê Lan Hương, phụ huynh có con học lớp 5 và 7 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội vô cùng lo lắng.
"Mặc dù ở trường con tôi học chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm hay chưa phát hiện suất ăn bán trú không đảm bảo chất lượng nhưng tâm lý chung tôi rất hoang mang, lo sợ. Ở nhà tôi toàn phải vào siêu thị uy tín mua thực phẩm hoặc ở quê gửi ra nhưng suất ăn ở trường không thể đòi hỏi đồ ăn chuẩn 100% được. Chúng tôi chỉ biết tặc lưỡi trao niềm tin cho nhà trường, cho đơn vị cung cấp suất ăn", chị nói.
Một phụ huynh trong Hội cha mẹ học sinh của trường, cho biết: "Hiện phụ huynh của trường không ai giám sát suất ăn của con. Trước đây mỗi tuần ban phụ huynh chia nhau đi kiểm tra 3, 4 lần. Sau một thời gian không phát hiện vấn đề gì bất thường nên mọi người thống nhất là không nhất thiết phải kiểm tra hàng ngày. Hơn nữa, ai cũng bận việc riêng nên cho dù đã chia nhau giám sát từng giai đoạn nhưng không thể tiến hành thường xuyên được và không có căn cứ gì về tiêu chuẩn để giám sát. Vì vậy, chúng tôi chỉ biết tin tưởng và nhà trường và đơn vị cung cấp suất ăn".
Nói về suất ăn bán trú hiện nay, hiệu trưởng một trường THCS ở quận cầu Giấy, Hà Nội cho hay, mặc dù các khâu tổ chức bếp ăn đã được khép kín nhưng muốn tạo sự yên tâm, tin tưởng cho phụ huynh, các nhà trường không bao giờ được chủ quan, lơ là trong tổ chức bữa ăn bán trú. Khâu kiểm tra nguyên liệu, thực phẩm hàng ngày cần được thực hiện chặt chẽ, có giám sát của đầy đủ thành phần. Ban giám hiệu liên tục kiểm tra, nhắc nhở nhân viên bếp ăn không chỉ nâng cao trách nhiệm mà còn dành tình yêu và sự tâm huyết trong chuẩn bị từng bữa ăn, có như vậy mới không để xảy ra sự cố, dù là nhỏ nhất.
TS.BS. Trần Ngọc Tụ, nguyên Chi cục trưởng Chi Cục ATVSTP Hà Nội cho biết, để phụ huynh tham gia giám sát tại các nhà trường là điều rất cần thiết. Các trường nên phát huy vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp, quy trình phân chia và định lượng suất ăn.
Tuy nhiên, điều đáng nói là ở nhiều nơi, cả giáo viên và phụ huynh đều không có có chuyên môn, công cụ để giám sát thực phẩm và bữa ăn. Mọi sự giám sát đều bằng mắt thường, phụ huynh có thể quan sát thực phẩm có tươi hay không, có bị dập nát, biến chất, đổi màu, có mùi vị lạ hay đã hết hạn sử dụng. Ngoài việc kiểm tra dụng cụ, bát đĩa sử dụng trong chế biến, đựng thức ăn có bảo đảm vệ sinh, phụ huynh có thể đối chiếu với giấy tờ để biết được đơn vị cung cấp có nhập nguyên liệu, thực phẩm đúng với hợp đồng hay không. Còn các vấn đề về thực đơn và dinh dưỡng thì ngoài tầm kiểm soát.
TS.BS. Trần Ngọc Tụ lưu ý, các trường học nên nghiêm túc thực hiện việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước theo đúng quy định. Việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc thực phẩm khi cần. Ngoài ra, bất cứ sản phẩm nào mà ban phụ huynh hay nhà trường nghi ngờ về chất lượng đều có thể lưu lại, Chi cục ATVSTP Hà Nội sẽ hỗ trợ xét nghiệm kiểm tra. Các trường cần thực hiện nghiêm túc hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ với các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú và đơn vị cung ứng thực phẩm, rau an toàn.
Theo nhận định của các chuyên gia, dù việc giám sát của các bậc phụ huynh đối với bữa ăn là rất quan trọng nhưng suy cho cùng việc giám sát vẫn chỉ dừng lại ở mặt cảm tính. Để có thể đảm bảo việc giám sát đạt hiệu quả thì cần có quy chuẩn, tiêu chuẩn và cao hơn nữa là các quy định của pháp luật về dinh dưỡng học đường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.