Tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên, đi dạy học được một năm sau đó về tham gia công tác đoàn tại xóm.
Được sự động viên của anh em, anh Phương Quốc Chủ đã đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư đoàn xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ.
Vốn tâm huyết với ngành nông nghiệp nên trong quá trình vừa làm Phó Bí thư đoàn xã, anh Chủ vừa làm nông nghiệp, tranh thủ ngày Tết lại đi buôn đào cành để kiếm thêm thu nhập.
"Trong quá trình đi cắt cành đào của người dân, nhận thấy có những gốc đào to, cổ thụ đẹp nên về nhà tôi đã thử ghép. Bắt đầu từ năm 2019 tôi đi lấy những gốc đào của người dân đã cắt cành bán mang về thử làm thấy bước đầu có kết quả. Năm 2020, tôi chính thức bắt tay vào làm", anh Chủ tâm sự.
Ngoài lấy giống đào tại vùng đất Khe Mo, anh Chủ còn lặn lội lên tận các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn tìm kiếm để mua phôi về trồng và ghép.
Ban đầu, anh Chủ làm thử 80 cây đào vừa của nhà vừa mua thêm về. Cứ như vậy, mỗi năm anh tăng số lượng lên vài chục cây.
Đến nay, đối với đào cổ và đào thế trong vườn của gia đình anh Chủ có khoảng 200 cây gồm đào bích, đào phai với diện tích gần 1ha (chưa bao gồm đào phôi).
Anh Phương Quốc Chủ (sinh năm 1987, xóm Làng Cháy, xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) bắt tay vào trồng, ghép đào bán Tết từ năm 2020. Ảnh: Hà Thanh.
Tuy nhiên, thời điểm đầu anh Chủ gặp rất nhiều khó khăn do phải tự mình tìm hiểu, tự học hỏi kinh nghiệm từ người khác, rồi qua quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm dần. Theo anh Chủ, tuỳ điều kiện thời tiết và chất đất của từng vùng mà cách làm đào và chăm sóc cũng khác nhau.
Hiện, đối với đào cổ và đào thế trong vườn của gia đình anh Chủ có khoảng 200 cây gồm đào bích, đào phai. Ảnh: Hà Thanh
Thông thường khoảng đầu tháng 11 anh Chủ bắt đầu lấy phôi đào về trồng tại nhà. Một điểm mà anh Chủ lưu ý đó là lúc mới trồng cần sử dụng thuốc kích rễ và trừ sâu để giúp bộ rễ khoẻ và phòng ngừa sâu bệnh. Khi thấy bộ rễ khoẻ sẽ bắt đầu bón phân chuồng.
Kỹ thuật trồng đào Tết đều do anh Chủ tự tìm hiểu và rút kinh nghiệm dần qua quá trình làm. Ảnh: Hà Thanh
Khoảng 10 ngày sau khi lấy gốc về, anh Chủ sẽ tiến hành ghép cành, sau đó chăm sóc đến khi cành dài khoảng 30 – 40cm thì bắt đầu uốn để tạo dáng, tạo thế.
Khi đào lên dăm sẽ tiến hành cắt tỉa, và đến khoảng tháng 8 âm lịch, anh Chủ sẽ hãm để cho đào chuyển từ giai đoạn sinh trưởng sang giai đoạn sinh sản, ra nụ và hoa. Đến tháng 11 sẽ thực hiện việc tuốt lá.
Anh Chủ cho biết, việc hoa nở sớm hay muộn phụ thuộc 70% vào yếu tố thời tiết, còn lại 30% là do con người điều chỉnh.
Để có thể cạnh tranh với các vườn hoa đào khác trên thị trường, theo anh Chủ phải lựa chọn được những dòng hoa đẹp, cần đầu tư thời gian chăm sóc tỉ mỉ để cây đào đạt được chất lượng. Trồng đào cơ bản chi phí không quá lớn nhưng mất nhiều công chăm sóc.
Hiện trong vườn của anh Chủ có nhiều loại đào với kích thước khác nhau, giá bán và thuê tuỳ thuộc vào kích thước và thế, dáng, hoa đẹp. Với những cây đào to, dáng thế đẹp sẽ có giá thuê cao nhất khoảng 12 triệu, giá bán khoảng 22 triệu.
Khách hàng của anh Chủ là những khách quen trước đó từ những thời điểm anh đi buôn đào cành đến nay vẫn giữ mối liên lạc và qua người nọ giới thiệu cho người kia. Ước tính với 200 cây đào sau khi bán, gia đình anh Chủ thu về khoảng 400 triệu đồng.
Những cây đào to, dáng đẹp sẽ có giá trị cao. Ảnh: Hà Thanh
Từ những khu đất cằn cỗi trước đây của gia đình, qua bàn tay chịu thương, chịu khó, cần cù, hăng say lao động, đến nay anh Chủ đã biến chúng thành khu vườn đồi rạng rỡ sắc hoa, mang đậm nét xuân tươi mới mỗi dịp đầu năm.
Anh Chủ hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Khe Mo. Ngoài việc phát triển hiệu quả kinh tế gia đình, anh còn tích cực gương mẫu tham gia các phong trào của Hội và được nhiều người yêu mến, tin tưởng.