Dân Việt

Ông Macron cáo buộc các thuộc địa cũ của Pháp 'vô ơn'

V.N (Theo RT, Reuters) 08/01/2025 19:00 GMT+7
Cộng hòa Chad và Senegal đã phản pháo các bình luận của Tổng thống Pháp Macron, cho rằng những bình luận như vậy là dấu hiệu của sự khinh miệt Châu Phi và người dân Châu Phi.
Macron cáo buộc các thuộc địa cũ của Pháp là vô ơn - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: GLP.

Một số quốc gia châu Phi đã thể hiện sự bất bình với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau khi ông chỉ trích họ vì những gì ông cho là sự thiếu biết ơn đối với sự hiện diện của quân đội Pháp trong khu vực. 

Tuyên bố hôm 6/1, ông Macron nói rằng Pháp vẫn đang chờ các quốc gia vùng Sahel Châu Phi cảm ơn vì đã bảo vệ họ khỏi cuộc tấn công dữ dội của phiến quân IS.

Ông Macron phát biểu trước hội nghị đại sứ Pháp thường niên nói rằng Pháp đã đúng khi can thiệp vào cuộc khủng hoảng an ninh ở vùng Sahel, nơi có nhiều thuộc địa cũ của nước này.

"Tôi nghĩ rằng họ đã quên cảm ơn chúng tôi, nhưng không sao, điều đó sẽ đến vào thời điểm thích hợp" - Tổng thống Pháp nói.

Ông cũng khẳng định rằng không có quốc gia châu Phi nào mà Pháp được cho là đã hỗ trợ trong chiến dịch quân sự phát động năm 2013 có thể chống lại các cuộc tấn công từ các nhóm cực đoan nếu không có sự hỗ trợ.

"Không ai trong số họ có thể có một quốc gia có chủ quyền nếu quân đội Pháp không được triển khai ở khu vực này" -  ông tuyên bố.

Pháp đã gửi một lực lượng quân sự đến Mali vào năm 2013 để ứng phó với cuộc nổi loạn của người Hồi giáo đe dọa tràn vào thủ đô Bamako của nước này. Năm 2014, Paris đã phát động cái gọi là Chiến dịch Barkhane – một chiến dịch chống nổi loạn ở khu vực Sahel có sự tham gia của lực lượng Pháp gồm 3.000 người.

Trong bài phát biểu hôm 6/1, ông Macron cũng phủ nhận rằng Pháp về cơ bản đã bị đẩy khỏi khu vực, tuyên bố rằng các sự kiện trong đó các quốc gia Châu Phi chấm dứt các thỏa thuận quân sự với Pháp chỉ là một phần của kế hoạch tổ chức lại. 

"Không, Pháp không phải là người thụt lùi ở Châu Phi, họ chỉ đang sáng suốt và tự tổ chức lại", ông tuyên bố.

Trong những năm gần đây, Pháp đã bị đẩy ra khỏi các quốc gia Tây Phi là Mali, Burkina Faso và Niger sau các cuộc đảo chính quân sự. Cộng hòa Chad đã chấm dứt thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Pháp vào tháng 11, trong khi Senegal, một cựu thuộc địa khác, tuyên bố rằng tất cả các căn cứ quân sự của Pháp trên lãnh thổ của mình sẽ đóng cửa vào cuối năm 2025.

Bờ Biển Ngà - một cựu thuộc địa của Pháp ở Tây Phi - là quốc gia cuối cùng yêu cầu rút quân Pháp khỏi khu vực vào ngày 1/1, giống như xu hướng trong khu vực liên quan đến việc các quốc gia đánh giá lại mối quan hệ quân sự của họ với các cường quốc thực dân cũ.

Một số quốc gia Châu Phi không hài lòng với những bình luận của tổng thống Pháp. Bộ trưởng ngoại giao Chad, Abderaman Koulamallah, đã phản pháo ngày 6/1, nói rằng những lời của ông Macron không thể hiện điều gì ngoài sự khinh thường.

Ông Koulamallah cho biết trong bài phát biểu trên truyền hình rằng những phát biểu này "phản ánh thái độ khinh thường đối với châu Phi và người châu Phi". 

Sau đó, bộ trưởng cho biết chính phủ Pháp "phải học cách tôn trọng người châu Phi" và nói thêm rằng sự hiện diện của Pháp trong trường hợp của đất nước ông "thường chỉ giới hạn ở lợi ích chiến lược của riêng họ, mà không có bất kỳ tác động lâu dài thực sự nào đối với sự phát triển của người dân Chad".

Thủ tướng Senegal, Ousmane Sonko, cũng chỉ trích những bình luận của Macron, chỉ ra rằng "Pháp không có năng lực cũng như tính hợp pháp để đảm bảo an ninh hoặc chủ quyền của châu Phi". Ông cũng coi tuyên bố của tổng thống Pháp về việc tổ chức lại quân đội trong khu vực là "hoàn toàn sai sự thật".

Quyết định của Senegal về việc đưa quân đội Pháp rời khỏi lãnh thổ của mình "xuất phát từ quyết tâm của chính họ với tư cách là một quốc gia độc lập và có chủ quyền" - ông Sonko cho biết.