Nắng vàng rực rỡ trên sông nước cù lao Phố, tôi đến đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nghe gió sông Đồng Nai lồng lộng thổi vào mát rượi, làm tâm hồn khoan khoái.
Nơi đây thờ vị khai quốc công thần Nguyễn Hữu Cảnh, một danh nhân có nhiều công lao đối với đất nước trong việc khẩn hoang, mở mang bờ cõi đất phương Nam của Tổ quốc.
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh còn được dân địa phương gọi là đình Bình Kính tọa lạc bên tả ngạn sông Đồng Nai, dưới chân cầu Ghềnh, nhìn về hướng Tây Nam, soi mình xuống dòng sông Đồng Nai, xưa kia thuộc ấp Bình Kính, thôn Bình Hoành, tổng Trấn Biên, nay là khu phố Nhị Hòa, phường Hiệp Hòa (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Năm 1991, đền thờ được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Theo sử sách ghi lại, ngôi đền được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, sau thời gian Đức Ông mất (năm 1700).
Vua Gia Long nhà Nguyễn lên ngôi đã cho trùng tu, cắt cử 10 phu trông coi, hàng năm đều xuất quỹ công tế lễ vào ngày giỗ. Vào năm 1851, triều Tự Đức đã cấp 100 quan tiền để sửa chữa đền thờ.
Những chiếc cầu Hiệp Hòa, Bửu Hòa, An Hảo, Ghành, Rạch Cát nối nhịp cù lao Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Đinh Xuân Tuấn.
Ngồi bên dòng sông Cái, nghe tiếng máy công trình cầu Thống Nhất làm xuyên đêm vẫn vang lên đều đều, gió sông man mác thổi vào mang theo vị ngọt phù sa quyện trong mùi hương cây trái ngọt ngào, ánh trăng rằm soi sáng lung linh sóng nước, tôi cảm nhận được một cù lao Phố thật bình yên với thấp thoáng nét xưa sẽ cất cánh vươn cao chỉ trong nay mai…
Cù lao Phố - vùng đất thiêng lưu giữ văn hóa phương Nam
Vùng đất này không chỉ là trung tâm thương mại của Nam kỳ thuở trước mà còn là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa Việt độc đáo, ấn tượng, mang bản sắc riêng.
Sau những năm binh biến, trải qua 325 năm, cù lao Phố vẫn lưu giữ được 11 ngôi đình, 6 ngôi chùa, 3 ngôi tịnh xá, 1 Thất Phủ cổ Miếu, 1 thánh thất Cao Đài, nhiều nhà cổ, lăng mộ cổ xưa và nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia.
Cứ vào tháng 10 âm lịch, người dân cù lao gặp nhau đông vui như Tết ở những đám cúng đình. Tùy theo năm, tùy theo đình làng mà có đình cúng đến 2-3 ngày.
Vào mùa cúng đình, đất cù lao vui lắm, nhộn nhịp lắm. Tính cộng đồng của làng quê Việt đậm đà trong tính cách con người cù lao cần cù, chất phác, chân tình khi gần tới ngày cúng đình, chẳng ai bảo ai mà tề tựu đông đủ quét dọn, lau chùi, trang trí đình làng thật tươm tất.
Ngày cúng, mỗi người một tay nấu nướng, tiếp khách, bày mâm cúng, đãi khách. Tất cả các tục lệ cúng đình được lưu giữ và truyền từ đời này sang đời kia.
Nói đến văn hóa tâm linh ở cù lao Phố có lẽ không ai không biết đến những tên chùa nổi tiếng: Đại Giác, Hoàng Ân, chùa Ông… Mỗi ngôi chùa gắn liền với truyền thuyết, sự tích, tích sử còn ghi dấu muôn đời sau.
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh soi bóng nước dòng sông Đồng Nai, trên vùng đất Cù Lao Phố (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nhìn từ trên cao. Ảnh: Đinh Xuân Tuấn
Chiều hoàng hôn buông xuống trên dòng sông Cái, chúng tôi đứng bên này nhìn sang bên kia cù lao Cỏ, công trình xây dựng cầu Thống Nhất công nhân đang tất bật, hối hả làm việc, ồn ã tiếng máy.
Cả khúc sông nhộn nhịp, tấp nập với những máy móc, giàn khoan, cần cẩu cao chót vót. Những trụ cầu đầu tiên đang được tiến hành khẩn trương đổ bê tông.
Theo thiết kế, cầu Thống Nhất có quy mô từ 6-10 làn xe, bề rộng 45-95m nối P.Hiệp Hòa với P.Thống Nhất và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Cùng với đó là đường trục Trung tâm TP Biên Hòa được kết nối từ đường Võ Thị Sáu đến cầu An Hảo cũng đang được kỹ sư, công nhân làm việc hăng say, chạy đua với thời gian. Những công trình trọng điểm này là điểm nhấn của TP Biên Hòa, giúp cù lao phát triển, có diện mạo mới trong tương lai.
Những năm gần đây, Hiệp Hòa đang thay da đổi thịt nhờ những chiếc cầu Bửu Hòa, Hiệp Hòa, An Hảo nối nhịp.
“Ốc đảo” này đã thông thương, nhiều người lựa chọn hướng này để đi Vũng Tàu, Sài Gòn vì là con đường ngắn nhất. Bộ mặt cù lao đẹp hơn, phố xá khang trang hơn, đời sống người dân đã được nâng lên…