Ly kỳ hành trình ngược sông Đồng Nai hồi hộp săn cá trèn mỏng dính

Văn Long Thứ ba, ngày 27/11/2018 06:30 AM (GMT+7)
Đang ngồi trò chuyện, ngọn cần câu của anh Tịnh động đậy liên hồi, anh nhanh chóng giật mạnh rồi thu cước vào. Một chú cá trèn chỉ bằng hai ngón tay cái lên bờ, “đấy giờ cá nó nhỏ lắm nên đi săn chúng cũng khá khó”, anh Tịnh (25 tuổi, xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên) vừa gỡ cá vừa nói.
Bình luận 0

Những con cá trèn được người dân tại Cát Tiên (Lâm Đồng) câu về từ sông Đồng Nai chế biến món canh chua, kho tiêu thơm nức, khiến khách lạ nhớ mãi hương vị và cảm giác được trải nghiệm lênh đênh trên dòng nước lớn.

Trong chuyến đi đến huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), tôi được một đồng nghiệp giới thiệu và trải nghiệm đi săn cá trèn của người dân bản địa trên sông Đồng Nai. Từ ngã ba Phù Mỹ đến xã Quảng Ngãi cách xa chừng 5km. Trên chiếc xe Honda chúng tôi đi trên tỉnh lộ 721, qua những cánh đồng thơm mùi mạ non. Người bạn hẹn trước đã đứng ngay ngã ba chờ đợi để dẫn chúng tôi đến điểm câu.

Nơi chúng tôi thả câu là sông Đồng Nai, đoạn nằm giữa Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu di tích khảo cổ Cát Tiên. Địa điểm người dân bản địa cho rằng phong phú và đa dạng về các loại cá.

img

Trải nghiệm câu cá trèn trên sông Đồng Nai cùng người địa phương. Ảnh: Văn Long.

Theo chân anh Ao Thạch Tịnh (25 tuổi, xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên) trên chiếc xuồng gỗ, chúng tôi bắt đầu hành trình lúc 13h trưa, khi mà cái nắng vào lúc chói chang nhất. Trước đó, chúng tôi đã chuẩn bị những con mồi mà cá trèn yêu thích nhất là loài trùng hổ to bằng chiếc đũa.

Thường xuyên câu cá trên sông Đồng Nai, anh Tịnh với chiếc chèo gỗ thoăn thoắt đưa chiếc thuyền lao về phía thác nước. “Loài cá này hay ở những chỗ nước không chảy xiết mà cũng chẳng lặng quá, nên chúng ta cứ đến gần thác nước là có”, anh tiết lộ.

Đến gần thác nước tôi lo lắng sợ thuyền trôi, nhưng với sự thành thạo của mình anh Tịnh mau chóng chèo vào sát bờ, tóm lấy cành tre nhỏ, kê xuống dưới ghế rồi ngồi lên. Tôi ngồi đối diện cũng làm y chang nên chiếc thuyền nằm im bên mà chẳng phải lo lắng gì.

img

Trùng hổ, loại mồi cá trèn ưa thích. Ảnh: Văn Long.

Những con mồi đầu tiên được móc vào chiếc lưỡi câu nhanh chóng, “chúng ta ngồi đây thử xem có cá không nếu không sẽ chuyển đi chỗ khác”, anh Tịnh nói.

Ngồi trên chiếc thuyền, anh Tịnh kể loài cá trèn này nấu canh chua, kho tiêu rất ngon, thế nhưng chúng lại khá nhỏ, lớn cũng chỉ vài lạng. Trước kia, sông Đồng Nai còn khá nhiều nhưng do đánh lưới và kính điện nên chúng cũng thưa dần đi.

Cá trèn là loại cá da trơn bản địa tại Châu Á, chúng có thân dài, mỏng dẹp. Đầu của chúng tù, miệng rộng, đặc biệt chúng có hai chiếc râu giống như cá trê.

Theo anh Tịnh, điều khó chịu nhất khi câu sông là chì mắc đá. Để quăng được mồi ra xa, chìm nhanh không bị nước trôi đi thì người câu phải buộc cục chì to bằng ngón tay trỏ của người lớn. Tuy nhiên, khi câu bằng loại chì này hay bị mắc vào các khe đá dưới lòng sông. Nếu mắc quá sâu, người câu chỉ còn cách kéo mạnh cho đứt cước, hy sinh lưỡi và chì. Vì vậy, khi đi câu lúc nào trong túi đồ nghề của anh Tịnh cũng có cả hộp lưỡi và hàng chục cục chì dự phòng.

Đang ngồi trò chuyện, ngọn cần câu của anh tịnh động đậy liên hồi, anh nhanh chóng giật mạnh rồi thu cước vào. Một chú cá trèn chỉ bằng hai ngón tay cái lên bờ, “đấy giờ cá nó nhỏ lắm nên đi săn chúng cũng khá khó”, anh Tịnh vừa gỡ cá vừa nói.

Khoảng 30 phút sau, vì cá ăn ít mà lại nhỏ nên chúng tôi di chuyển ngược lại khoảng 300m để kiếm vị trí câu mới. Lần này anh Tịnh chọn vị trí là những nơi có những cây tre bị đổ nằm rạp xuống dòng nước. Theo anh, đây là nơi cá hay ẩn nấp, rất dễ câu.

img

Sát những bụi tre, nơi cá thường trú ẩn được anh Tịnh chọn làm điểm câu. Ảnh: Văn Long.

Trên đường chọn điểm câu, chúng tôi bắt gặp những sợi dây thừng lớn bằng đầu đũa, thường buộc vào hai ngọn tre, sau đó buộc ở giữa là những chiếc lưỡi câu lớn. Đây là cách câu của người địa phương mỗi khi mùa nước lớn.

“Câu cá là phải kiên trì, tôi có khi xách cần câu đi cả ngày chỉ được một vài con, thế nhưng có hôm chỉ đi có buổi chiều lại được vài kí cá. Khi đi câu cũng phải để ý nước sông, nếu nước đục thì không nên đi vì cá ít đi ăn”, anh Tịnh tiết lộ bí quyết của mình. Quả thực, ngày hôm đó chúng tôi đi câu đúng ngày thứ 6, các tàu khai thác cát trên sông Đồng Nai hoạt động mạnh nên nước đục ngàu, nên không có cá cắn.

Anh Tịnh chia sẻ, câu cá là cái thú của mỗi người, sau những ngày làm việc, cuối tuần người câu lại được chìm đắm trong không gian tĩnh lặng của núi rừng. Rồi họ chờ đợi những động tĩnh, dấu hiệu riêng để nhận biết con cá đã ăn mồi. “Khi đã mê câu rồi thì người ta khó bỏ, bởi cảm giác chờ đợi, hồi hộp nó khó tả lắm. Hay những lần dìu cá vào đến tận mạn thuyền rồi mà chẳng may đứt cước, gãy lưỡi thì đêm đó chẳng thể ngủ ngon, lòng “ôm hận” sẽ quay lại vào ngày hôm sau để săn bằng được cá”.

img

Những chú cá trèn mỏng dính là thành quả của chúng tôi sau khoảng 4 giờ. Ảnh: Văn Long.               

Người dân ở đây theo thói quen nên thường đi câu vào các ngày thứ 7 và chủ nhật. Vì các tàu cát ngưng hoạt động nên nước trong, cá sẽ cắn nhiều. Lênh đênh trên thuyền khoảng 4 tiếng đồng hồ chúng tôi mới câu được khoảng chục chú cá nhỏ.

Vì trời đã tối nên chúng tôi phải ra về nhưng trong lòng tiếc hùi hụi. Tuy nhiên, anh Tịnh hứa sẽ đưa chúng tôi trở lại đoạn sông này để săn cá lăng, loài cá đặc sản được nhiều người yêu thích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem