Dân Việt

Trang trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm ở Quảng Trị: Có khe nước nhìn xuống phát ớn luôn

Ngọc Vũ 09/01/2025 18:42 GMT+7
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có hơn 430 trang trại chăn nuôi lợn. Có những trang trại đã nhiều lần gây ô nhiễm môi trường, khiến nhân dân bức xúc, kiến nghị cần một cuộc “đại giải phẫu” để chấn chỉnh.

"U ám" Rào Trường

Những ngày này, người dân thôn Rào Trường, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đang mong chờ kết quả kiểm tra, xử lý tình trạng trại chăn nuôi lợn xả thải gây ô nhiễm khe Rào Trường.

Trước đó, vào sáng 30/12/2024, người dân thôn Rào Trường phát hiện nước khe Rào Trường đổi màu đen và có mùi hôi.

Trang trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm ở Quảng Trị: Cần “đại giải phẫu”- Ảnh 1.

Trang trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm ở Quảng Trị khiến người dân bức xúc. Trong ảnh là khe Rào Trường, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh chuyển từ nước trong sang màu đen và bốc mùi hôi thối. Ảnh: Đức Tài.

Bà Võ Thị Thuý Na (trú thôn Rào Trường) cho biết, chiều 29/12/2024, nước khe Rào Trường vẫn còn trong xanh nhưng đến sáng thì có màu đen, hôi thối. Phát hiện sự việc, bà Na dùng điện thoại quay video rồi báo với lãnh đạo thôn, xã. Sau đó, người dân cùng trưởng thôn Rào Trường đi dọc khe để kiểm tra thì phát hiện nước thải từ hai trang trại lợn ở thường nguồn chảy ra khe.

Tiếp nhận thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Trị và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu nước ở hiện trường để kiểm nghiệm.

Được biết, khu vực thượng nguồn khe Rào Trường có trang trại lợn của ông Phạm Ngọc Lợi và trang trại lợn của bà Phạm Thị Thống hiện nuôi khoảng 20.000 con lợn thịt.

Trang trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm ở Quảng Trị: Cần “đại giải phẫu”- Ảnh 2.

Trang trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm ở Quảng Trị bị phát hiện, kiểm tra, xử phạt. Ảnh: Đức Tài.

Trước đó vào sáng 2/4/2024, tiếp nhận phản ánh của người dân thôn Rào Trường về tình trạng nước khe Rào Trước chuyển màu đen, hôi thối, cá chết hàng loạt, PV Dân Việt đã trực tiếp đến hiện trường và thông báo đến cơ quan chức năng cùng kiểm tra.

Kết quả phát hiện trang trại lợn của ông Phạm Ngọc Lợi (SN 1982, trú tại xóm 1, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) ở thượng nguồn khe Rào Trường xả thải ra môi trường.

Căn cứ kết quả kiểm tra, UBND tỉnh Quảng Trị quyết định xử phạt ông Phạm Ngọc Lợi 155 triệu đồng về hành vi xả nước thải ra môi trường vượt quy chuẩn cho phép.

Không chỉ Rào Trường, người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng lên tiếng vì trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường.

Đơn cử như cuối năm 2023, người dân xã Cam Chính, huyện Cam Lộ phản ứng gay gắt khi phát hiện 2 trang trại chăn nuôi lợn của ông Trần Văn Sỹ (thôn Đốc Kỉnh) và Nguyễn Văn Đồng (thôn Mai Lộc 2) xả thải gây ô nhiễm. Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng xác định, nước thải từ 2 trang trại này "tuồn" ra môi trường vượt quy chuẩn hơn 10 lần. Vì vậy, chủ 2 trang trại bị xử phạt tổng số tiền 114 triệu đồng.

Cần "đại phẫu thuật" trang trại lợn

Quay lại Rào Trường, bà Võ Thị Thuý Na cho biết, 2 trang trại đóng trên địa bàn thôn không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước mà còn gây mùi hôi khó chịu, khiến người dân cảm thấy ngột ngạt.

Trang trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm ở Quảng Trị: Cần “đại giải phẫu”- Ảnh 3.

Cá chết hàng loạt ở khe Rào Trường do trang trại chăn nuôi lợn của ông Phạm Ngọc Lợi (SN 1982, trú tại xóm 1, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) xả thải trái phép. Ảnh: Ngọc Vũ.

Theo bà Na, người dân thôn Rào Trường trồng nhiều cao su, tràm… vừa để phát triển kinh tế, vừa góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường. Trước đây, khi chưa có 2 trang trại chăn nuôi lợn ở đầu nguồn khe Rào Trường, môi trường sống của người dân trong thôn rất trong lành nhờ rừng cây bao phủ.

Thế nhưng, cuộc sống yên bình, trong lành ấy đã bị phá vỡ sau khi 2 trang trại lợn mọc lên. Vào mùa hè, gió Tây Nam thổi mạnh, mùi hôi từ trang trại lợn bay về thôn Rào Trường khiến ai nấy đều ngột ngạt, choáng váng.

Ông Nguyễn Văn Thao - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà cho biết, năm 2021 xã Vĩnh Hà đạt chuẩn nông thôn mới. Dẫu còn bộn bề khó khăn nhưng những năm qua, xã Vĩnh Hà vẫn cố gắng giữ vững, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, mùi hôi từ trang trại lợn trên địa bàn xã đã ảnh hưởng đến tiêu chí môi trường, khiến địa phương rất lo ngại.

Theo ông Thao, vụ nước khe Rào Trường đổi màu đen, hôi thối phát hiện vào sáng 30/12/2024, cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước xả ra môi trường để kiểm tra, nếu vượt chỉ tiêu cho phép, xã sẽ báo cáo huyện, tỉnh cho 2 trại lợn chấm dứt hoạt động.

Ông Hoàng Đức Thắng – Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng, cứ phát hiện trạng trại lợn xả thải ra môi trường rồi xử lý vi phạm thì dễ, nhưng đó là giải pháp đầu ngọn. Gốc rễ vấn đề nhằm ngăn chặn, chấn chỉnh tình trạng trang trại lợn xả thải ra môi trường cần thực hiện 3 giải pháp. Thứ nhất cần có quy hoạch vùng nuôi hợp lý; thứ hai là yêu cầu các chủ trang trại áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và xử lý chất thải, khí thải; thứ 3 là tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh các trang trại lợn vi phạm.

"Luật Môi trường, Luật Chăn nuôi quy định rất cụ thể, cơ quan chức năng cần yêu cầu nhà đầu tư nghiêm túc thực hiện" – ông Thắng cho hay.

Trang trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm ở Quảng Trị: Cần “đại giải phẫu”- Ảnh 4.

Cần một cuộc "đại phẫu thuật" để kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh các trang trại lợn vi phạm, có nguy cơ vi phạm. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông N.V.B - nguyên lãnh đạo ngành Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, dự án đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn từ 500 con trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Vì vậy, cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, yêu cầu nhà đầu tư, chủ trang trại thực hiện đúng giấy phép môi trường.

Ông B cho rằng, cần thực hiện một cuộc "đại phẫu thuật", tổng kiểm tra các trang trại chăn nuôi lợn có quy mô từ 500 con trở lên để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng vi phạm, gây ô nhiễm môi trường.

"Cuộc đại phẫu thuật này cần thực hiện nhằm giúp nhà đầu tư nhận ra những vi phạm, tồn tại, hạn chế cần khắc phục, từ đó hoạt động đúng quy định, cùng nhau phát triển bền vững, hài hoà lợi ích giữa nhà đầu tư với xã hội, môi trường, đảm bảo xây dựng nông thôn mới, nông thôn xanh, sạch, đẹp, trở thành những miền quê đáng sống" – ông B nói.

Được biết, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có trên 430 trang trại chăn nuôi lợn (trong đó có 23 trang trại quy mô lớn, 84 vừa và 323 trang trại nhỏ) nuôi hàng triệu con lợn mỗi năm.