Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2024 đạt 38,2 tỷ USD, tăng trưởng 5,5% so với năm 2023. Trong đó, ngành bất động sản thu hút 6,3 tỷ USD (tương đương mức tăng 35% so với năm ngoái), đứng thứ hai trong các lĩnh vực đầu tư. Mức tăng này cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư quốc tế đối với thị trường bất động sản Việt Nam.
Tình hình FDI vào bất động sản đã duy trì mức tăng trưởng ổn định trong suốt nhiều năm qua. Từ mức 4,45 tỷ USD năm 2022, đến năm 2023, lĩnh vực tiếp tục giữ vững vị trí thứ hai với con số đầu tư nâng lên 4,67 tỷ USD.
Các chuyên gia dự báo, năm 2025, bất động sản sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn lớn, đặc biệt là ở các phân khúc hấp dẫn như nhà ở, đất công nghiệp cho thuê, nhà xưởng xây sẵn và các cơ sở công nghiệp công nghệ cao.
Vốn ngoại chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản.
Dòng vốn FDI không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản mà còn kích thích các ngành công nghiệp liên quan, tạo ra các khu đô thị mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu sinh sống và làm việc của các chuyên gia quốc tế.
Các địa phương có tiềm năng về công nghiệp và hạ tầng như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An ở khu vực phía Nam và Bắc Ninh, Quảng Ninh ở khu vực phía Bắc đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư.
Với vị trí giáp ranh TP.HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước, sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, Bình Dương đang nổi lên là một trong những địa phương dẫn đầu thu hút vốn FDI. Theo số liệu từ UBND tỉnh, năm 2024, Bình Dương thu hút gần 2 tỷ USD vốn FDI, vươn lên vị trí thứ hai toàn quốc, vượt qua Hà Nội. Các quốc gia có mức đầu tư lớn vào tỉnh này bao gồm Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Mới đây, ngày 2/1/2025, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận cấp phép cho 20 dự án và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án mới, với tổng vốn đầu tư ước tính lên tới 1,7 tỷ USD. Đặc biệt, nhiều dự án thuộc lĩnh vực bất động sản, khu công nghiệp, hạ tầng điện và có vốn đầu tư trong nước. Điều này chứng tỏ Bình Dương không chỉ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mà còn là địa chỉ vàng cho dòng vốn nội địa.
Hiện tại, các dự án giao thông trọng điểm như mở rộng quốc lộ 13, xây dựng cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đường vành đai 3 đang được đốc thúc và triển khai mạnh mẽ. Cùng với đó, TP.HCM cũng sẽ mở rộng quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến giáp ranh Bình Dương vào dịp 30/4/2025.
Trước đó, Bình Phước cũng đã chính thức khởi công cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đoạn qua địa bàn tỉnh (dài 7km). Điều này sẽ tạo ra kết nối thông suốt giữa Bình Dương và các tỉnh, thành lân cận, giúp tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp quan trọng của khu vực.
Bình Dương là đích đến của vốn ngoại lẫn nội địa.
Sự phát triển mạnh mẽ này đã kéo theo nhu cầu gia tăng về nhà ở, tiện ích xã hội và thương mại, qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng giá trị bất động sản. Các dự án bất động sản cao cấp, khu đô thị hiện đại đang ngày càng phát triển nhiều hơn.
Quan sát thị trường, dễ nhận thấy nguồn cung bất động sản tại Bình Dương trong năm qua gia tăng đáng kể. Một số chủ đầu tư "chiếm sóng" thị trường có thể kể đến như Phát Đạt, Bcons, An Gia, Phú Đông Group, Cát Tường Group... Các dự án ở khu vực gần nhiều khu công nghiệp như TT Avio, Sycamore, Cát Tường J-Home... đều thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư và ghi nhận tỷ lệ hấp thụ cao.
Với các chính sách ưu đãi hấp dẫn và chiến lược phát triển đồng bộ, thị trường bất động sản Bình Dương đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Nhất là khi tỉnh này vừa công bố bảng giá đất năm 2025, với mức điều chỉnh tăng dao động từ 30-80% tùy khu vực, càng làm tăng sức hút của các sản phẩm bất động sản. Việc này không chỉ phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của thị trường mà còn mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư muốn tận dụng tiềm năng tăng giá trong tương lai.