Dân Việt

Đem loại cây cảnh mùa xuân từ Hà Nội vào trồng ở Đắk Lắk, nhiều người đến xem, lãi ròng 400 triệu/năm

Công Nam 12/01/2025 18:54 GMT+7
Chị Vũ Thị Hằng mạnh dạn đưa giống đào Nhật Tân về trồng ở thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk). Không chỉ tăng thu nhập, chị còn góp phần xây dựng thương hiệu hoa đào Buôn Hồ, biến nơi đây thành thủ phủ đào Tết rực rỡ của Tây Nguyên.

Người phụ nữ tiên phong đưa hoa đào Nhật Tân nở rộ trên mảnh đất Tây Nguyên

Hoa đào Buôn Hồ (Đắk Lắk) luôn gắn liền với chị Vũ Thị Hằng, người nông dân mang sắc xuân từ miền Bắc đến với đất trời Tây Nguyên.

Chị Hằng rời quê hương Ninh Bình từ năm 2004 để lập nghiệp tại Buôn Hồ. Khi trở về quê ăn Tết, hình ảnh đào Nhật Tân nở rộ trong không khí đầm ấm của ngày xuân đã đem đến ý tưởng mang giống đào ấy về trồng trên đất Tây Nguyên.

Người phụ nữ mang "hơi thở mùa xuân" từ miền Bắc vào Tây Nguyên, thu về lợi nhuận 400 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 1.

Chị Vũ Thị Hằng, người tiên phong đưa giống hoa đào Nhật Tân về trồng ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.

Sau 4 năm nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm, chị Hằng quyết định đặt mua 400 cây giống đào Nhật Tân từ Hà Nội và trồng trên mảnh đất gia đình ngay sát quốc lộ 14. 

Ban đầu, chị Hằng rất lo ngại khí hậu khắc nghiệt của Đắk Lắk. Thế nhưng, điều bất ngờ là những cây đào không chỉ sinh trưởng tốt mà còn nở hoa rực rỡ.

"Năm đầu tiên, vườn đào của tôi đã thu hút rất nhiều người dân đến thăm quan, chụp ảnh và mua về chơi Tết. Chính sự ủng hộ ấy giúp tôi tự tin mở rộng diện tích trồng đào và đầu tư vào mô hình này", chị Hằng chia sẻ.

Từ 400 cây ban đầu, vườn đào của chị Hằng đến nay đã có hơn 5.000 cây với đa dạng giống như đào bạch, đào phai, đào bích. Vườn đào không chỉ cung cấp đào cho người dân địa phương mà còn xuất bán đi khắp nơi như TP.HCM, Cần Thơ, Long An, Đà Nẵng và cả các nước lân cận.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, chị Hằng tự tay tạo hình cho những cây đào với các thế đẹp mắt như phu thê, tam đa, long phụng, ngũ phúc… Việc tạo thế đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và am hiểu đặc tính của cây.

Người phụ nữ mang "hơi thở mùa xuân" từ miền Bắc vào Tây Nguyên, thu về lợi nhuận 400 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 2.

Những cây hoa đào cổ thụ, dáng đẹp có thể đạt mức trên 10 triệu đồng/cây.

"Cây đào cần được chăm sóc cẩn thận, từng động tác phải nhẹ nhàng để tránh làm gãy cành hoặc rụng nụ. Chúng tôi còn phải theo dõi sát sao hàng ngày để phát hiện sâu bệnh kịp thời. Đặc biệt, vào khoảng 30-45 ngày trước Tết, tôi tiến hành vặt lá, điều chỉnh theo thời tiết để hoa nở đúng vụ", chị Hằng nói.

Người phụ nữ mang "hơi thở mùa xuân" từ miền Bắc vào Tây Nguyên, thu về lợi nhuận 400 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 3.

Không chỉ giúp nhiều hộ dân cải thiện thu nhập, làng hoa đào lớn nhất tỉnh Đắk Lắk còn trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Theo chị Hằng sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu về lợi nhuận khoảng 300-400 triệu đồng từ vườn đào. 

Nhờ đó, cuộc sống của gia đình được cải thiện rõ rệt, đồng thời chị Hằng còn hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân khác trong vùng, giúp họ nhân rộng mô hình này.

Ngày hội hoa đào Buôn Hồ mang sắc xuân vươn xa

Năm 2023, các hộ dân trồng đào tại Buôn Hồ đã liên kết thành lập Hợp tác xã Hoa Đào Đoàn Kết với tổng diện tích hơn 17ha, bao gồm nhiều giống đào độc đáo. 

Sản phẩm "Cây hoa đào Buôn Hồ" đã được công nhận OCOP 3 sao và đang phấn đấu đạt hạng 4 sao để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Người phụ nữ mang "hơi thở mùa xuân" từ miền Bắc vào Tây Nguyên, thu về lợi nhuận 400 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 4.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã đã ký kết mời các nghệ nhân hàng đầu ở Hà Nội vào Buôn Hồ giúp cho các hộ xã viên chăm sóc hoàn thiện các cây hoa đào cổ thụ đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã, chia sẻ: "Cây đào có sức sống mãnh liệt. Dù ngày thường có vẻ khắc khổ, nhưng vào Tết, hoa lại bung nở rực rỡ, trở thành biểu tượng của mùa xuân. 

Trước đây, người dân Tây Nguyên phải mua đào từ các tỉnh phía Bắc với chi phí cao. Giờ đây, nhờ các vườn đào tại Buôn Hồ, họ vừa tiết kiệm chi phí vừa được sở hữu những cây đào đẹp, mang đậm dấu ấn địa phương."

Đặc biệt, nhiều cây đào cổ thụ được các nghệ nhân tạo thế kỳ công, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Điều này không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn đưa hoa đào Buôn Hồ vươn xa, trở thành biểu tượng mùa xuân cho cả khu vực.

Dự đoán nhu cầu chơi đào Tết năm 2025 sẽ tăng mạnh, gia đình ông Thắng đã quyết định trồng thêm 400 cây đào các loại, nâng tổng số cây trong vườn lên 1.700. Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 20% số lượng đào trong vườn đã được thương lái đặt mua

Theo ghi nhận của phóng viên, giá hoa đào tại vườn trên địa bàn thị xã Buôn Hồ dao động từ 250.000 đồng/cây, trong khi những cây đào cổ thụ, dáng đẹp có thể đạt mức trên 10 triệu đồng/cây.

Người phụ nữ mang "hơi thở mùa xuân" từ miền Bắc vào Tây Nguyên, thu về lợi nhuận 400 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 6.

Ngày hội "Hoa đào xuân Ất Tỵ 2025" sẽ được tổ chức vào ngày 25/1.

Ông Đinh Quốc Hùng, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất, cho biết hoa đào được du nhập vào địa phương cách đây khoảng 15 năm, phần lớn các hộ trồng đào tại đây đều là những nông dân quê ở Ninh Bình, trong đó chị Vũ Thị Hằng là người tiên phong đưa giống đào Nhật Tân về trồng.

Chủ tịch UBND phường Thống Nhất cũng thông tin thêm, nhờ hiệu quả kinh tế từ mô hình của chị Hằng, nhiều hộ dân khác đã mạnh dạn thử sức, tuy nhiên không phải ai cũng đạt kết quả như mong đợi.

Do đó, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích, nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu. 

Hơn nữa, thời tiết tại Đắk Lắk không phải lúc nào cũng thuận lợi, dẫn đến nhiều cây chậm phát triển, thưa hoa, thậm chí ra hoa trước Tết Nguyên đán nếu chăm sóc không đúng kỹ thuật.

Theo bà H'Philip Niê Kđăm, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Buôn Hồ, sản phẩm "Cây hoa đào Buôn Hồ" đạt OCOP 3 sao từ tháng 10/2023 và đang phấn đấu lên 4 sao, hướng đến xuất khẩu.

Nhằm quảng bá thương hiệu hoa đào Buôn Hồ, UBND thị xã dự kiến tổ chức ngày hội "Hoa đào xuân Ất Tỵ 2025" vào ngày 25/1. Sự kiện hứa hẹn mang đến không gian lễ hội sôi động, tôn vinh nét đẹp văn hóa gắn liền với sắc đào và thu hút đông đảo khách tham quan, du khách.