Trồng cây ra hoa quý tộc có tên “Hoàng hậu”, dân Đà Lạt "bỏ túi" vài trăm triệu

Văn Long Chủ nhật, ngày 12/01/2025 18:54 PM (GMT+7)
Chỉ trong khoảng 4 tháng cuối năm, người dân trồng loài hoa địa lan ví như "hoa quý tộc" tại thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã có thu hoạch hàng trăm triệu đồng.
Bình luận 0

Những ngày giáp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025, người dân tại thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt lại bận rộn với nhiều công việc như cắt cành, ghép chậu địa lan để cung cấp ra thị trường. Xuân Sơn là địa phương trồng địa lan nổi tiếng tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Trồng loại lan có tên “Hoàng hậu”, nông dân TP. Đà Lạt thu vài trăm triệu chỉ trong 4 tháng - Ảnh 1.

Địa lan là loại hoa mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân tại xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt.

Theo chân ông Phạm Văn Nhường, người trồng địa lan tại thôn Xuân Sơn, phóng viên đến khu vườn rộng hơn 3.000m2 của gia đình ông. Tại khu vườn này, ông trồng hơn 3.500 chậu địa lan chủ yếu là giống FX750 (Hoàng hậu) và Vàng mít.

"Cách đây 6 năm, gia đình tôi trồng lagim và cà phê như nhiều hộ dân khác trong vùng. Thời điểm đó, một người thân trong gia đình tôi đã trồng địa lan này và mang lại giá trị cao. Chính vì vậy, tôi đã đến học hỏi kỹ thuật, cách thức trồng loại hoa lan này.

Thời điểm đó, xây dựng 1.000m2 đất trồng địa lan phải mất khoảng 400 triệu đồng gồm cả nhà kính và giống. 

Sau khi học hỏi được kỹ thuật thì tôi đã về xây dựng nhà kính, mua giá thể và mua giống địa lan được nhập từ Nhật Bản về để trồng. Vừa học vừa làm mà lại được người thân chỉ bảo nên vườn lan phát triển rất tốt. Mỗi năm trồng thêm 1 ít, đến nay, tôi đã có 3.000m2 nhà kính trồng địa lan", ông Nhường nhớ lại.

Trồng loại lan có tên “Hoàng hậu”, nông dân TP. Đà Lạt thu vài trăm triệu chỉ trong 4 tháng - Ảnh 2.

Ông Nhường bên những cành hoa chuẩn bị cắt trong vườn của gia đình mình.

Trồng loại lan có tên “Hoàng hậu”, nông dân TP. Đà Lạt thu vài trăm triệu chỉ trong 4 tháng - Ảnh 3.

Nhờ trồng địa lan, ông Nhường đã có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Nhường cho biết thêm, khó khăn nhất khi trồng địa lan là vốn ban đầu khá nặng. Trong khi đó, 3 năm trồng mới cho thu bói, vì vậy việc thu hồi vốn chậm, không nhanh như các loại cây trồng khác.

"Năm nay, vườn địa lan của gia đình tôi chủ yếu cắt cành, rộ vào những ngày Tết Dương lịch. Hiện tại còn khoảng 2.000-3.000 cành tại vườn. 

Trong 1 năm, địa lan này chỉ thu hoạch trong từ 3-4 tháng, mỗi tháng tôi cắt khoảng 2.000 cành, bán với giá trung bình khoảng 70.000 đồng/cành.

Trong khi đó, có khoảng 100 cành lan nguyên chậu được khách hàng đã đặt dự kiến tôi thu hoạch thêm được khoảng 350 triệu đồng nữa", ông Nhường chia sẻ.

Cũng tại thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường, anh Đặng Văn Hưng (41 tuổi) cũng đang thường xuyên kiểm tra vườn địa lan hơn 3.000 chậu của gia đình mình. Anh Hưng cũng là một điển hình mạnh dạn chuyển đổi từ việc trồng rau qua trồng địa lan tại địa phương.

Trồng loại lan có tên “Hoàng hậu”, nông dân TP. Đà Lạt thu vài trăm triệu chỉ trong 4 tháng - Ảnh 4.

Anh Đặng Văn Hưng cũng là một trong những hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế nhờ địa lan.

Chia sẻ với phóng viên, anh Hưng cho hay, hiện còn khoảng gần 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán nhưng khách hàng đã đặt số lượng gần hết. Hoa địa lan của gia đình anh chủ yếu cung cấp cho thị trường Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh...

Bên những cành hoa địa lan đang nở của mình, anh Hưng chia sẻ: "Hoa địa lan nở thường nở vào đúng dịp Dương lịch và Âm lịch (từ khoảng tháng 10 Âm lịch) nên được nhiều người ưa chuộng. Loại hoa này có cánh hoa dày, nở thời gian dài, trưng bày được khoảng 45 ngày, vì vậy nhiều người chọn để chưng Tết.

Loại lan này khi biết chăm rồi thì cũng khá là dễ làm, quan trọng nhất là phải thường xuyên thăm nom, kiểm tra tình trạng sâu bệnh hại cho nó. Loại bệnh dễ bắt gặp và cũng nguy hiểm nhất đối với địa lan là nhện đỏ và bọ trĩ. Với 3.000 cành trong vườn, trong vụ Tết, sau khi trừ chi phí gia đình tôi có khoảng lãi khoảng 300 triệu đồng".

Địa lan tại địa phương thường được người dân mua của một công ty nhập khẩu giống từ Nhật Bản, phân bón cũng được người dân dùng phân bón Nhật Bản. Người trồng địa lan cho hay, quan trọng nhất với loại hoa này là phân và nước, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất hạn chế.

Trồng loại lan có tên “Hoàng hậu”, nông dân TP. Đà Lạt thu vài trăm triệu chỉ trong 4 tháng - Ảnh 5.

Địa lan cho thu hoạch chủ yếu 4 tháng cuối năm, hoa địa lan có thể nở kéo dài đến 45 ngày.

Đối với loại hoa này, người dân trồng bằng giá thể dớn và vỏ thông. Nước sẽ được tưới cách nhau từ 7-10 ngày một lần tùy theo mùa, phân bón gốc được bỏ cách nhau khoảng 15-20 ngày.

Nói về việc trồng hoa địa lan tại địa phương, ông Phạm Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho hay, đây là loại hoa mang lại giá trị cao, giúp nhiều người dân tại địa phương phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy, hiện nay địa phương đang định hướng để người dân mở rộng diện tích, tăng sản lượng hoa hàng năm.

Theo thống kê, trên địa bàn xã Xuân Trường, có khoảng 15 hộ gia đình trồng hoa địa lan, diện tích khoảng 5ha, sản lượng từ 10.000 cành 1ha.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem