Lâm sản tiếp tục dẫn đầu trong các nhóm ngành hàng về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024, khi mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,2 tỷ USD, tăng 20,3%. Dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu cả năm là mặt hàng ghế khung gỗ, tiếp theo là đồ nội thất phòng khách và phòng ăn; dăm gỗ; đồ nội thất phòng ngủ; gỗ, ván và ván sàn; đồ nội thất nhà bếp.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 55% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu tăng cao và hàng tồn kho giảm tại thị trường này.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong năm 2024. Theo đó, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng do các biện pháp bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc cũng tạo ra cơ hội lớn cho sản phẩm gỗ Việt Nam.
Ngoài ra, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam. Những thị trường này không chỉ có nhu cầu cao, mà còn đòi hỏi các sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng, thiết kế và tính bền vững.
Một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực cũng đã có đóng góp lớn vào kết quả xuất khẩu năm 2024 là thuỷ sản. Dù đối mặt với nhiều thách thức về thị trường, logistics cũng như nguồn nguyên liệu chế biến, xuất khẩu thủy sản năm 2024 vẫn về đích ấn tượng trên 10 tỷ USD.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu năm qua là 2 mặt hàng chủ lực tôm và cá tra, khi chiếm đến 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD, tăng 16,7%; cá tra mang về 2 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, xuất khẩu hải sản khai thác cũng ghi nhận thành công với kim ngạch hơn 4 tỷ USD, gia tăng chế biến sâu các sản phẩm thủy sản cũng được các doanh nghiệp chú trọng để mở rộng và giữ vững vị thế trên các thị trường.
Để có được kết quả này, ông Nam cho rằng, ngay từ đầu năm 2024 các doanh nghiệp và địa phương đã tập trung mở cửa thị trường, trong đó VASEP phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương để mở thị trường trọng điểm như: Mỹ, châu Âu… Điều này đã tác động đáng kể đến các thị phần xuất khẩu.
Dự báo về năm 2025, ông Nam cho hay, năm nay được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt hơn có thể trở lại mốc 11 tỷ USD của năm 2022. "Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy, cho thấy ngành thủy sản đang đi đúng hướng trong việc phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm", ông Nam nói.
Lần đầu tiên xuất khẩu rau quả đạt 7,12 tỷ USD, cao hơn 1,6 tỉ USD so với năm 2023. Đóng góp rất lớn vào kỷ lục này phải kể đến xuất khẩu sầu riêng khi loại quả "tỷ USD" này mang về 3,2 tỉ USD, tương đương 45% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho hay, thành công của ngành rau quả xuất khẩu không chỉ đến từ việc mở rộng thị trường. Những nỗ lực như xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc vào cuối năm 2022, đưa bưởi vào Mỹ và New Zealand trong năm 2023, hay xuất khẩu dừa sang Trung Quốc vào năm 2024 đã giúp tăng mạnh giá trị kim ngạch.
Bên cạnh đó, ngành rau quả Việt Nam đã thích ứng tốt với các hàng rào kỹ thuật khắt khe từ các thị trường quốc tế. Việc đáp ứng yêu cầu về mã số vùng trồng và mã số nhà máy đóng gói đã mở đường cho rau quả Việt Nam chinh phục nhiều thị trường khó tính, thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún.
Ông Tùng cho biết, năm 2025, ngành hàng rau quả phấn đấu xuất khẩu đạt 8 tỷ USD, trong đó, kỳ vọng xuất khẩu sầu riêng sẽ tiếp tục tăng lên 3,5 tỷ USD. Ngoài sầu riêng - mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhiều loại trái cây khác như chuối, mít, xoài, nhãn, vải thiều, thanh long cũng có tiềm năng lớn và đang được đẩy mạnh xuất khẩu tươi, chế biến đông lạnh và sấy khô.
Kết thúc năm 2024, ngành gạo xác lập kỷ lục xuất khẩu mới cả về sản lượng và kim ngạch, lần đầu tiên xuất khẩu vượt 9 triệu tấn, mang về gần 5,8 tỷ USD, củng cố vị thế quốc gia xuất khẩu gạo top 3 thế giới của Việt Nam.
Đánh giá về kết quả xuất khẩu gạo năm 2024, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, đơn giá xuất khẩu bình quân của gạo Việt được cải thiện, năm qua đạt 627 USD/tấn, trong khi trước đây là dưới 600 USD/tấn.
Năm 2024, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 3,6 triệu tấn, chiếm 40% tổng lượng gạo xuất khẩu. Trong khi đó, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm rất mạnh. Ước tính cả năm 2024, sản lượng gạo Việt xuất sang thị trường này chỉ đạt 250.000 tấn, giảm đến 71% so với năm 2023, dù năm 2023 cũng đã giảm nhiều so với những năm trước.
Dự báo về "bức tranh" thị trường gạo năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân tích, nhìn từ thực tế năm 2024, Ấn Độ dù hạn chế xuất khẩu, đến tháng 9/2024 mới chính thức mở kho gạo trắng, gạo tấm nhưng cả năm 2024 sản lượng xuất khẩu gạo nước này vẫn đạt trên 17 triệu tấn, gần gấp đôi Việt Nam. Với việc phục hồi sản lượng sản xuất, dự kiến năm 2025 Ấn Độ có thể xuất khẩu từ 21 - 22 triệu tấn gạo các loại, tăng 5 triệu tấn so với năm 2024. Việc này sẽ ảnh hưởng nhất định đến thị phần xuất khẩu gạo của các quốc gia khác; trong đó có Việt Nam và Thái Lan.
"Về thị trường xuất khẩu, bên cạnh một số nước có khả năng tăng nhập khẩu thì nhịp độ mua vào ở một số quốc gia khác được dự đoán sẽ chậm lại. Điển hình như Indonesia, sau khi liên tục mua vào trong năm 2024, trữ lượng gạo tồn kho của nước này đã cao nhất trong vòng 5 năm. Chính phủ nước này dự định không nhập khẩu gạo hoặc chỉ nhập một lượng nhỏ trong năm 2025, đồng thời tích cực thúc đẩy sản xuất trong nước để hướng tới tự chủ lương thực. Đây là vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý để kịp thời chuyển hướng và đa dạng thị trường, khách hàng trong thời gian tới", ông Nam thông tin thêm.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ, hiện tại sản lượng lúa gạo thương phẩm không nhiều và nhà nhập khẩu cũng có tâm lý chờ đến vụ Đông Xuân sắp tới mới mua vào nên hoạt động mua bán khá trầm lắng.
Dự báo, sau Tết Nguyên đán khi các tỉnh ĐBSCL bắt đầu thu hoạch vụ Đông Xuân, nguồn cung tăng lên, thị trường lúa gạo sẽ tăng dần nhịp độ giao dịch. Giá lúa gạo thế giới và nội địa dự báo sẽ giảm so với năm 2024 vì cạnh tranh thị phần xuất khẩu giữa các nước ngày càng tăng.
Theo ông Bình, sản lượng lúa gạo Ấn Độ lớn nhưng ít cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam bởi cơ cấu giống và chất lượng khác nhau. Đặc biệt, ở phân khúc cao cấp, gạo Việt đã được khách hàng công nhận với nhiều giống đặc sản như ST24, ST25, Jasmine,...
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng không ngại cạnh tranh với các đối thủ từ Thái Lan hay Campuchia nhưng "rất sợ" tình trạng doanh nghiệp trong nước “phá giá” tự triệt tiêu lẫn nhau để giành đơn hàng, khách hàng nhưng sau đó giao hàng không đạt chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu gạo Việt Nam.