Trung Quốc vẫn mua "loại quả tỷ USD" nhiều nhất từ Việt Nam, xuất khẩu rau quả năm 2025 có đạt 8 tỷ USD?

Bình Minh Thứ sáu, ngày 03/01/2025 18:18 PM (GMT+7)
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam dự báo xuất khẩu rau quả năm 2025 sẽ thu về 8 tỷ USD là hoàn toàn khả thi, trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam.
Bình luận 0

Dự báo xuất khẩu rau quả năm 2025 đạt 8 tỷ USD

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD, xuất siêu 18,6 tỷ USD. Đóng góp chung vào bức tranh sáng của ngành nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu rau quả dự kiến đạt 7,2 tỷ USD.

Đánh giá về kết quả xuất khẩu ngành hàng rau quả trong năm 2024, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nói kết quả này là của quá trình nỗ lực chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chuyển đổi xanh, là kết quả của quá trình đàm phán, mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản chủ lực.

Năm 2024 ghi nhận nhiều “ngôi sao” trong xuất khẩu rau quả. Trong đó, tăng trưởng nhiều nhất là mặt hàng sầu riêng khi năm nay, xuất khẩu mặt hàng này sẽ thu về trên 3,2 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD so với năm ngoái.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của "loại quả tỷ USD" từ Việt Nam, xuất khẩu rau quả năm 2025 đạt 8 tỷ USD? - Ảnh 1.

Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt 3,2 tỷ USD. Ảnh: Minh Huệ

Trong khi đó, mặt hàng chanh leo cũng sẽ là điểm sáng của ngành hàng rau quả khi mà hiện nay chiếm gần 1/3 kim ngạch xuất khẩu vào EU. Kim ngạch EU khoảng 300 triệu USD/năm. Chanh leo xuất khẩu vào EU chủ yếu là chế biến cấp đông. Hay sản phẩm dừa tươi, dừa chế biến xuất khẩu cũng đạt kết quả khá cao tại thị trường Trung Quốc và Mỹ.

Nói về cơ hội của ngành hàng rau quả Việt Nam trong năm 2025, ông Nguyên cho hay, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng chủ lực và Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 90% giá trị xuất khẩu của loại trái cây này. Sản phẩm dừa tươi cũng sẽ được đánh giá, kiểm duyệt mã vùng trồng đợt 2 của Hải Quan Trung Quốc. Do đó, công suất, vùng trồng và sản lượng cũng sẽ bứt phá.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh leo xuất sang Mỹ và vải thiều đang hoàn thiện hồ sơ để tiếp cận thị trường Hàn Quốc. Dự báo kim ngạch xuất khẩu chanh leo qua Mỹ mỗi năm sẽ đạt từ 50-100 triệu USD. Ngoài ra, bưởi cũng là trái cây được kỳ vọng trong năm tới.

"Năm 2025 dự báo, xuất khẩu rau, quả sẽ thu về 8 tỷ USD là hoàn toàn khả thi", ông Nguyên cho biết.

Đối mặt với sự cạnh tranh của "nhiều đối thủ"

Bên cạnh thuận lợi, ông Nguyên cũng cho rằng, ngành hàng rau quả cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó đến từ nhiều đối thủ cạnh tranh trên sân chơi quốc tế như: Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Australia và một số nước ở Nam Mỹ như Chile, Peru, Ecuador.

Cùng với đó là nhiều thách thức từ các rào cản kỹ thuật khắt khe về chất lượng, về bao bì, truy xuất nguồn gốc của những thị trường nhập khẩu.

Đặc biệt, thị trường Trung Quốc là một “bí ẩn” khi những chính sách kinh tế mới của Mỹ áp dụng với Trung Quốc thì thị trường này có giảm sức mua? Cùng với đó, tuy là thị trường tiềm năng của rau quả Việt nhưng đối thủ tại Trung Quốc cũng rất nhiều. Trong khi đó, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Trung Quốc ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải cập nhật và đáp ứng các yêu cầu từ thị trường.

Cụ thể, các quy định về vệ sinh thực vật và kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc tương đối phức tạp. Hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam phải có mã số vùng trồng do Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cấp. Các cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm xuất khẩu cũng phải được GACC cấp mã số. Bên cạnh đó, quy định về phytosanitary (vệ sinh thực vật) và kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc khá phức tạp và mất thời gian. Các cơ sở chế biến, đóng gói cũng phải đăng ký xin mã số của Hải quan Trung Quốc cấp sau khi kiểm tra nghiêm ngặt.

Cùng với Trung Quốc, nhiều thị trường chủ lực của ngành hàng rau quả Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Australia cũng có hàng rào kỹ thuật ngày càng phức tạp và có tiêu chuẩn cao. Việc tăng loại trái cây nhập khẩu vào Mỹ cũng được đi kèm với những quy định về đa dạng hoá các hình thức kiểm dịch, các vùng trồng và cơ sở chế biến phải đáp ứng các tiêu chuẩn khác nhau, đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không nhiễm các loại vi sinh vật, vi khuẩn nấm mốc. Quá trình thu hoạch không ảnh hưởng đến chất lượng trái cây...

Bộ NNPTNT cho biết, năm 2025, toàn ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tập trung thực hiện việc chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, phát triển kinh tế nông thôn và nông dân văn minh; trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường, thiên tai... để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CTPPP cho hàng nông sản Việt Nam.

Năm 2025, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP 3,3 - 3,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 64- 65 tỷ USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem