Dân Việt

Thương cho cái miệng của chúng ta!

Đỗ Doãn Hoàng 14/01/2025 08:23 GMT+7
Các cụ có câu "Bệnh từ miệng vào, hoạ từ miệng ra". Tôi nói về an toàn thực phẩm kiểu này cũng rất lo bị mắc vạ, nhưng có lẽ cần phải nói và nói nhiều hơn nữa. Đặc biệt khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang đến rất gần, vấn đề an toàn thực phẩm lại nóng hơn bao giờ hết.

Những cảnh báo đỏ

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm làm chết nhiều người và nhiều bà con mình nhập viện thập tử nhất sinh. Những con số của năm 2024 sau đây, có thể làm rùng mình bất cứ ai: Tại tỉnh Sóc Trăng, tiệm bánh mỳ Thu Hà gây ra vụ 150 người bị ngộ độc và nhập viện, do thịt nguội của "gia chủ" bị nhiễm vi sinh vật Salmonella; 2 tháng sau, tại quán Cơm gà Trâm Anh, ở tỉnh Khánh Hoà, 369 người nhập viện, do nhiễm độc bởi từ món thịt gà. Tháng 4/2024, con số khủng khiếp hơn: 547 người "thập tử nhất sinh" vì món chả lụa và thịt lợn đã qua chế biến của tiệm Bánh mỳ Cô Băng ở Đồng Nai bị nhiễm độc.

Các bếp ăn tập thể của các công ty có những cái tên khá… Tây, cũng không kém phần trầm trọng: 95 người của công ty TNHH Dechang Việt Nam (ở Đồng Nai) cùng ăn mỳ Quảng và bị ngộ độc; tại Vĩnh Phúc, 438 người nhập viện sau bữa ăn tại bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam…

Mỗi ngày hầu như chúng ta vẫn phải ăn ở hàng quán và đôi khi cả trà đá vỉa hè với "cà phê siêu sạch"… không rõ nguồn gốc. Thực phẩm bạn mua từ siêu thị đắt nhất, từ vỉa hè lầm bụi nhất, đến các "bạn vàng" trên mạng xã hội, bán đồ "mẹ em trồng, gửi cho em ăn, thừa một chút em bán lại các bác"… - chúng có sạch không? Tôi nói là bẩn, biết đâu bạn sẽ nói là sạch, tốt nhất ta cùng bàn thảo về cơ chế quản lý để thấy những lỗ hổng chết người đã nhé.

Từ 12 năm trước, tôi đã chính thức điều tra và đem mẫu "rượu độc" ở Bắc Ninh đi xét nghiệm ở cơ quan của Bộ Y tế (tốn gần chục triệu đồng tiền túi của tôi), để chứng minh là cồn công nghiệp sản xuất rượu với hàm lượng độc tố chết người ra sao. 

Thương cho cái miệng của chúng ta - Ảnh 1.

Lãnh đạo Cục An toàn Thực phẩm thăm hỏi các bệnh nhân trong vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại công ty Shiwon (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) tháng 5/2024. Ảnh BYT

Tôi đóng giả để làm quen với giới bắt chuột cống ven các bệnh viện hàng đêm đem về giết mổ, bán giả làm chuột đồng, làm thịt don thịt dúi trong nhà hàng. Sau đó, các đồng nghiệp ở VTV cùng chúng tôi đến các nhà hàng, đặt máy quay ở cổng, xem nhóm người vừa giết mổ thịt chuột cống đi giao "thú rừng" cho nhà bếp "lên mâm" đãi khách ra sao...

Kẽ hở chết người ở đâu?

Câu hỏi ở đây là: Tại sao chúng ta lại buông lỏng quản lý thực phẩm đầu vào cho mỗi cơ thể sống thiêng liêng, là sức khoẻ, tính mạng của chính chúng ta như thế? 10 năm sau, tôi trở lại các ổ nhóm đầu độc người tiêu dùng và làm suy giảm giống nòi kia, họ vẫn làm thế, chỉ khác là họ dặn tôi (khi tôi vào vai con buôn với họ): làm hàng ngày, cẩn thận bọn nhà báo quay lén tố cáo là chết.

Kẽ hở chết người ở đâu? Là quá nhiều khi, chúng ta đã buông lỏng quản lý chất lượng thực phẩm trong cả lộ trình của chúng từ nông trại, từ cơ sở sản xuất tới… bàn ăn. Có bao nhiêu thửa ruộng ở ta được giám sát từ lúc gieo hạt tới lúc thu hái? Quê tôi làm chè, vì là đất vỡ hoang nên tính từ khi có dân ở, tới này là 70 năm rồi. Tôi dám chắc là ít ai giám sát bà con phun thuốc sâu loại gì, với hoá chất gì, bao lâu sau phun tưới thì thu hoạch?

Thế nên, tôi hầu như không dám ăn rau ở thành phố. Vì tôi đã chứng kiến các công ty rau sạch ra chợ đầu mối mua hàng nhập lậu từ nước ngoài "ngậm hoá chất" và hàng trôi nổi về đóng gói, dán nhãn, bán cho các siêu thị lớn. Hệ thống "tiêu chuẩn VG" từng bị phanh phui là thứ có thể lập hồ sơ, chạy giấy tờ để được công nhận. Tóm lại là "mua" tất. 

Không tin rau thành phố, tôi về quê tìm nguồn rau sạch để tự cứu mình. Hoá ra ở quê người ta mới tưới chất kích phọt, thuốc trừ sâu "nhẫn tâm" hơn nhiều. Mẹ tôi mua bằng tình làng nghĩa xóm, còn họ cần rau lớn nhanh và đẹp mã. Muốn tưới gì thì tưới, không một ai quản lý.

Thương cho cái miệng của chúng ta - Ảnh 2.

Hơn 80 công nhân tại một nhà máy thuộc khu công nghiệp WHA ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An bị ngộ độc thực phẩm tháng 12/2024 phải nằm điều trị tại bệnh viện. Ảnh: P.N

Một cái nhìn rộng hơn, chúng ta cần có quy trình quản lý, giám sát, tập huấn kỹ hơn cho bà con về đạo đức và kỹ năng sản xuất an toàn. Đặc biệt là phải dựng "bức tường lửa" ngăn đồ độc hại đi vào miệng người dân vô tội. Bất kỳ ai nuôi con gì, trồng cây gì (trừ cây bị cấm như thuốc phiện) hễ thu hoạch là đem thẳng ra chợ bán. 

Tất nhiên, sẽ không thể nào có đủ nhân viên đi xét nghiệm từng bó rau ở cả xứ sở 100 triệu dân, ruộng nương lắt nhắt lẻ tẻ này được. Nhưng chúng ta phải tạo thành thói quen: Kiểm soát việc bán thuốc trừ sâu, việc bán chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng. Vi phạm nào cũng có thể bị khởi tố hình sự, vì đây là sức khoẻ giống nòi, chứ không phải việc kinh doanh lãi lờ.

Thứ nữa là thu gom sản phẩm nông nghiệp vào các chuỗi cung ứng lớn, xét nghiệm chất lượng và quy trách nhiệm cho mọi sai phạm ở lĩnh vực này một cách có địa chỉ. Các hộ cá thể cần được cán bộ cơ sở tập huấn, giám sát. Tạo thói quen cho người dân về việc mua hàng có nguồn gốc xuất xứ và đòi hỏi quyền lợi chính đáng với vấn đề thực phẩm an toàn, đồng thời tố cáo mọi vi phạm một cách có trách nhiệm.

Câu trả lời giản dị của anh bạn người Nhật

Xin được ví dụ vài câu chuyện tôi trực tiếp cóp nhặt ở nước ngoài trong các chuyến công tác của tôi. Ở Đức, bạn tôi từ Việt qua đã sống khoảng 30 năm xứ người, kinh doanh nhà hàng. Hỏi, anh có mua nguyên liệu qua loa để giảm giá thành cho thực đơn được không? "Không, rau thịt của họ có tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm rồi. Có giá cụ thể ở siêu thị. Vào đó, muốn mua loại kém chất lượng cũng không có. Họ thường xuyên kiểm tra nhà hàng, miết tay vào từng cái bếp nấu và các dụng cụ nhà bếp khác, bẩn là bị xử phạt rất nặng, vi phạm nghiêm trọng là bị cấm vĩnh viễn ngay".

Lần khác, ở Nhật, tôi hỏi một ông chủ khu vườn đầy táo đỏ chín: "Cây nhà mình, trong vườn mình thì ăn ngon và lành quá". Bất ngờ ông trả lời, không như suy nghĩ của phần đa người Việt chúng ta lắm: "Táo này trồng lấy bóng mát, để cho nó đẹp không gian, quả rụng cho nó thơm vườn. Cả con phố này đầy táo đỏ chín, anh thấy có ai ăn đâu. Còn táo ngon nhất, tôi ra mua ngoài siêu thị. Vì họ đã kiểm nghiệm rồi. Táo trong vườn nhà tôi có thể bị rắn, ruồi, côn trùng ăn dở, lây đủ thứ bệnh tật".

Anh bạn người Nhật nói giản dị: Táo trong vườn để cho nó đẹp nhà, ra siêu thị mua rất rẻ và an toàn hơn. Nếu cho người dân niềm tin giản dị như thế về những thứ họ ăn mỗi ngày, thì khỏi phải nhà nhà treo biển "rau sạch", "rau an toàn" để làm gì. Đã là đồ ăn thì phải sạch, đến cái ăn vào mồm mà ta không lo cho nó sạch được, thì thử hỏi ta làm được cái gì nữa? Làm được như ở các nước đã làm, chắc chắn không bao giờ có những tấm biển "rau sạch", "nước mía siêu sạch", "rau an toàn", "rau đạo đức" ở khắp hang cùng ngõ hẻm như ở ta.

Thương cho cái miệng của chúng ta - Ảnh 3.

Tác giả bài viết, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Ảnh: DV

Cá ngừ Việt Nam sở dĩ bán được sang Nhật, các cơ quan truyền thông đều nức lòng loan tin. Quả vải, quả xoài, quả vú sữa được xuất sang Âu, Mỹ, là lòng chúng ta rưng rưng tự hào. Thử hỏi, vẫn các loài quả đó, được bán từ thượng cổ tới giờ khắp Việt Nam, nhà nhà bán và nhà nhà mua. Chúng ta có xét nghiệm theo tiêu chuẩn của "Tây" hay của "Ta" không, hay ai muốn tưới phun gì, muốn ướp tẩm gì cũng được?

Khi điều tra về các xưởng mắm tôm siêu độc ở Thanh Hoá (bán ra Hà Nội nhiều tấn mỗi tuần), dẫn cơ quan thanh tra đi xử lý, chúng tôi sốc vì họ được cấp đủ mọi giấy tờ, đạt mọi tiêu chí thực phẩm an toàn. Chúng tôi lôi ra được cả việc cơ quan thanh tra "lộ tin" cho doanh nghiệp về việc đoàn thanh tra tới.

Khi tố cáo các đối tượng mua thịt lợn chết thối (vứt ngoài bãi rác) về ngâm hoá chất, sản xuất đặc sản hun khói tại một huyện ở Cao Bằng, chúng tôi bất ngờ là ông Chủ tịch huyện đã ký giấy cho doanh nghiệp được thu mua lợn chết (ông này sau đó bị xử lý).

Năm 2024, Bộ Y tế đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm; xử lý 9.043 cơ sở (chiếm 40,9% số cơ sở vi phạm), trong đó phạt tiền hơn 33,53 tỷ đồng.

Suy ra, nếu quản lý chặt từ nông trại tới bàn ăn, thì không có lý do gì chúng ta thiếu rau củ quả ngon cho mỗi ngày của mình. Vì nước ta là nước nhiệt đới gió mùa, trồng qua quýt thì rau cỏ nó cũng mọc tum tùm. Nếu mọi rau củ quả, thực phẩm ở mọi cái chợ trên đất Việt Nam đều được quản lý, kiểm nghiệm, hậu kiểm, giám sát, sẽ không có lý do gì để các đô thị người ta đều phải mua mấy bầu đất về nai lưng ra trồng vài cọng rau do tự tay mình chăm bẵm.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Báo cáo mới nhất cho thấy, riêng năm 2024, Bộ Công an cũng phát hiện, xử lý 8.959 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm với 8.978 đối tượng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, khởi tố 62 vụ, 97 bị can... 

Những nỗ lực này cũng đã ít nhiều tạo sự răn đe cho các đối tượng manh nha vi phạm. Nhưng như vậy dường như vẫn là chưa đủ. Về lâu dài, chúng ta hoàn toàn có thể tính tới việc nâng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm lên gấp hàng chục lần mức cũ, như Nghị định 168 đã làm trong lĩnh vực an toàn giao thông, biết đâu tình trạng sẽ khả quan hơn.

Ở một đất nước nhiệt đới gió mùa ẩm, "rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu", người nông dân cần cụ chịu khó, thế mà ngày nào tôi và gia đình, bạn bè cũng chỉ biết ước ao: Giá mà có rau, củ, quả thật sự sạch để ăn. Chỉ cần mỗi thế, có gì nhiều đâu. Vậy mà không dễ gì có được.

Thương thay cho cái miệng của chúng ta!