Xử thật nặng "nguồn nguy hiểm cao độ" trong giao thông: Xót nhưng đáng!

Đào Tuấn Thứ ba, ngày 31/12/2024 06:54 AM (GMT+7)
Từ 1/1/2025, nhiều lỗi vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt với mức “tăng hàng chục lần”. Nhất là những lỗi cố ý như vượt đèn đỏ, đua xe, đi ngược chiều, lùi xe trên cao tốc…”.
Bình luận 0

Tháng 9 năm ngoái, một tai nạn thương tâm xảy ra đã khiến cả thành phố Vinh, Nghệ An choáng váng. Chị L.T.T.T, một thai phụ 34 tuổi- đang điều khiển xe máy trên đường Phan Đăng Lưu thì tông trúng cửa một chiếc ô tô, do tài xế mở ra đột ngột. Chị ngã xuống đường. Một chiếc xe chở rác phía sau lao tới.

2 mẹ con chị T mãi mãi không thể trở về nhà. Thêm đứa con đầu mồ côi mẹ ở độ tuổi bắt đầu cắp sách tới trường. Và một gia đình tan vỡ.

Tất cả, chỉ vì một cú mở cửa thiếu quan sát. Một “nguồn nguy hiểm cao độ” ngay cả khi chiếc xe không hề lăn bánh.

Mặc dù điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rất rõ: Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn. Nhưng thực tế, những vụ tai nạn giao thông do bất cẩn khi mở cửa xe ô tô gây ra là không hề hiếm gặp.

Và câu chuyện “cái ý thức” đó vẫn xảy ra, có nguyên nhân từ mức xử phạt.

Theo Nghị định 100, lỗi “Mở cửa xe, để cửa ô tô mở không đảm bảo an toàn gây tai nạn giao thông” bị xử phạt ở mức 400.000 - 600.000 đồng. Nó quá rẻ, so với nguy cơ.

Nhưng kể từ ngày 1/1/2025, lỗi này - theo Nghị định 168, sẽ bị xử phạt từ 20-22 triệu đồng. Tức là đúng, cao gấp hàng chục lần so với mức xử phạt cũ. Đúng là rất đắt. Rất xót. Nhưng đúng nhất là nó… quá đúng.

Bởi mức xử phạt 400.000 đồng - 600.000 đồng kia thật sự không hề tương xứng với sự nguy hiểm của hành vi.

Bởi mức phạt nặng theo quy định mới, thực ra chính là để răn đe, để ngăn ngừa một tai nạn có thể xảy ra.

Nghị định 168 xử phạt nặng nguồn nguy hiểm cao độ trong giao thông: Xót nhưng đáng!- Ảnh 1.

Đội 15 (Phòng CSGT, CA TP.Hà Nội) lập chốt trên đoạn đường Quốc lộ 3 (đoạn qua Phù Lỗ, Sóc Sơn) để xử phạt các phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cuối tháng 10/2024. Ảnh: Lê Hiếu - Võ Kiên

Hãy đặt địa vị mình vào đứa con hay người chồng của chị T hay thân nhân của những nạn nhân gặp tai nạn kiểu trên trời rơi xuống tương tự. Số tiền phạt liệu có thể khắc phục một hậu quả mà một hành vi bất cẩn, nhưng cực kỳ nguy hiểm- có thể gây ra?!

Có thể dân dã hoá một số lỗi và các mức phạt kể từ 1/1/2025 như sau: Vượt đèn đỏ: Phạt 18-20 triệu đồng; Đi ngược chiều: 18-20 triệu; Không chằng buộc hàng hoá an toàn: 18-22 triệu; Lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ, dùng chân điều khiển vô lăng…: 40-50 triệu; đi ngược chiều, lùi xe trên cao tốc: 30-40 triệu.

Và cả lỗi “sử dụng điện thoại” nữa, mức phạt cũng lên tới 4-6 triệu đồng - không cần xảy ra hậu quả.

Có thể các bạn đã biết: Một nghiên cứu của Cục Quản lý Đường cao tốc và An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy: 24% các vụ va chạm ô tô liên quan đến các cuộc trò chuyện qua điện thoại di động.

Sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện được đánh giá là một nguồn nguy hiểm còn hơn người sử dụng rượu bia. Bởi, khoa học không nói dối: Khi sử dụng điện thoại, khả năng xử lý hình ảnh chuyển động của một người giảm tới 33% và những người lái xe nói chuyện trên điện thoại di động có thể bỏ lỡ tới 50% những gì xung quanh họ.

Điều có thể nhận thấy trong việc tăng nặng các mức xử phạt tại Nghị định 168 là cơ quan thiết kế luật đưa ra các quy định xử phạt căn cứ vào thực tế và việc đánh giá "tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi”. Hầu hết các mức phạt nặng nhắm các lỗi, các hành vi có tính cố ý, là "nguồn nguy hiểm cao độ" và là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn.

Đối với lỗi nồng độ cồn, Nghị định 168 đã có sự phân hoá theo các mức độ: Tài xế có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25 mg/l khí thở, ngoài bị phạt từ 6-8 triệu đồng, sẽ bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe (quy định hiện hành là bị tước bằng lái 10-12 tháng). 

Tài xế có nồng độ cồn vượt quá 50-80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4mg/l khí thở, ngoài mức phạt từ 18-20 triệu đồng, sẽ bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe (quy định hiện nay là bị tước bằng lái 16-18 tháng).

Có nghĩa rằng dù không thay đổi quan điểm “zero cồn”, nhưng biện pháp xử phạt đã linh hoạt hơn rất nhiều lần. Tuy nhiên, mức vi phạm nồng độ cồn cao nhất: Vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, không còn cần phải bàn cãi gì nữa - lái xe bị tước ngay bằng lái 22-24 tháng và phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Không quy định trừ điểm.

Nghị định 168 xử phạt nặng nguồn nguy hiểm cao độ trong giao thông: Xót nhưng đáng!- Ảnh 2.

Tác giả bài viết, nhà báo Đào Tuấn. Ảnh: DV

Một giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm, và tuỳ lỗi, người vi phạm có thể bị trừ từ tối thiểu 2 điểm, cho đến 10-12 điểm. Chẳng hạn không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu (trừ 4 điểm), chạy quá tốc độ trên 35km/h (trừ 6 điểm)…

Việc áp dụng hình thức trừ điểm bằng lái, ngoài phạt thật nặng về hành chính, được quy định xuyên suốt trong Nghị định - sẽ trở thành một hình thức quản lý mới mà dù muốn hay không, mỗi công dân sẽ đều phải chấp hành.

Mức xử phạt cao hơn “cũ” hàng chục lần, nếu so với lương, thu nhập… có thể khiến chúng ta cảm thấy xót xa.

Nhưng thật ra, nó sẽ là rất rẻ, so với những hậu quả khi các lỗi nguy hiểm ấy gây ra một vụ tai nạn.

Các bạn còn nhớ cô gái nạn nhân trong vụ quái xế ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, Hà Nội không!

Cô ấy dừng lại trước đèn đỏ, cô ấy mới chỉ 23 tuổi, cô ấy chuẩn bị lập gia đình…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem