Dân Việt

Tổng Bí thư Tô Lâm: Công nghệ chỉnh sửa gen, đột phá lớn của sinh học, y học và nông nghiệp

P.V 14/01/2025 14:53 GMT+7
Tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại Hà Nội, ngày 13/1, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, công nghệ chỉnh sửa gen (CRISPR) là đột phá lớn của sinh học, y học và nông nghiệp.

"Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt. Đây chính là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại Hội nghị.

Theo Tổng Bí thư, đột phá, đổi mới sáng tạo mới là yếu tố kỳ diệu để làm nên kỳ tích, bởi đột phá, sáng tạo mới tạo ra bước tiến vượt bậc mang tính cách mạng, mới vượt qua rào cản, giới hạn hiện tại để đạt kết quả vượt trội, nổi bật.

"Đột phá luôn mang tính mới mẻ, tính hiệu quả, vượt giới hạn, tạo ảnh hưởng lớn (Ví dụ: Trong công nghệ: sự ra đời của điện thoại thông minh đã thay đổi cách con người giao tiếp và làm việc; Trong kinh tế: mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số như Uber, Airbnb, thương mại điện tử... là sự bứt phá đối với ngành công nghiệp truyền thống; Công nghệ chỉnh sửa gen (CRISPR) là đột phá lớn của sinh học, y học và nông nghiệp; Trong xã hội là những cải cách về chính sách giáo dục, y tế, văn học nghệ thuật, quản lý đang mang lại những thay đổi to lớn về chất lượng sống của con người", Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ví dụ.

Công nghệ chỉnh sửa gen, đột phá lớn của sinh học, y học và nông nghiệp - Ảnh 1.

Nghiên cứu chỉnh sửa gen trên giống cây trồng tại Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học và công nghệ Bình Định. Ảnh: Thanh Tùng/NNVN.

Công nghệ chỉnh sửa gen ở Việt Nam đã phát triển như thế nào?

Được biết, tại Việt Nam, công nghệ chỉnh sửa gen trong lĩnh vực giống cây trồng cũng đang được các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, ứng dụng, trong đó, Viện Di truyền nông nghiệp là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được giao thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen. Đến nay, Viện đã hoàn thiện và làm chủ quy trình chỉnh sửa gen trên một số giống lúa chủ lực, giống đậu tương, giống sắn, giống ngô…

Viện đã sớm tiếp cận với công nghệ đột biến chính xác bằng CRISPR/Cas từ năm 2017. Với thế mạnh vốn có về nuôi cấy mô tế bào thực vật, nền tảng về sinh học phân tử và kinh nghiệm nhiều năm trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chuyển gen thực vật, kết hợp với các mối quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng, các nhà khoa học thuộc Viện đã tìm hiểu, học hỏi về công nghệ CRISPR/Cas, tiếp nhận chuyển giao và phát triển việc ứng dụng công nghệ đột biến chính xác này trong cả hai hướng nghiên cứu chính của Viện, bao gồm nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng.

Với nguồn kinh phí được cấp từ các đề tài/dự án, trên cơ sở nguồn vật liệu ban đầu là hệ thống vector CRISPR/Cas9 chỉnh sửa gen trên lúa (được chuyển giao từ kết quả hợp tác quốc tế với Viện Nghiên cứu vì sự phát triển - Montpellier, Pháp), nhóm nghiên cứu của Viện Di truyền nông nghiệp đã chủ động nghiên cứu phát triển và đã tạo ra được hệ thống vector chỉnh sửa gen cho cây trồng 1 lá mầm (lúa, ngô, cao lương…) và cây trồng 2 lá mầm (thuốc lá, cà chua, đậu tương, sắn…) của riêng mình.

Bệnh bạc lá là một trong hai bệnh hại lúa nghiêm trọng nhất ở Việt Nam; hầu hết các giống lúa chủ lực đang canh tác hiện nay đều mẫn cảm với bệnh này. Thành công lớn nhất là các nhà khoa học của Viện đã cải tiến tính kháng bệnh bạc lá phổ rộng cho giống lúa chủ lực TBR225 thông qua việc gây đột biến chính xác đồng thời vùng khởi động (promoter) của 2 gen nhiễm OsSWEET13 và OsSWEET14.

Ngoài ra, Viện cũng đang nỗ lực sử dụng hệ thống gây đột biến chính xác CRISPR/Cas9 để tạo ra các dòng ngô có số hàng hạt trên bắp tăng nhằm cải tiến năng suất. Mục tiêu của Viện là tạo ra dòng ngô bố mẹ triển vọng có năng suất cao dùng cho các chương trình chọn tạo giống ngô ưu tú sau này. Một số dòng ngô đột biến gen đích ZmCLE7 và ZmCLE1E5 đang được sàng lọc và đánh giá kiểu gen và kiểu hình.

Công nghệ chỉnh sửa gen, đột phá lớn của sinh học, y học và nông nghiệp - Ảnh 2.

TS Nguyễn Duy Phương, Trưởng Bộ môn Bệnh học phân tử (Viện Di truyền nông nghiệp), trưởng nhóm nghiên cứu chỉnh sửa gen trên lúa trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo GS.TS.Phạm Văn Toản, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, công nghệ chỉnh sửa gen là lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ ở Việt Nam, là công nghệ cho phép tạo ra các giống cây trồng mới có tính trạng ưu việt nhưng chi phí đầu tư nghiên cứu lại thấp, thời gian tạo ra giống cây trồng mới với những tính trạng nổi bật ngắn hơn.

"Với công nghệ này, các nhà khoa học có thể chủ động loại bỏ các yếu tố không thuận lợi, gây nghi ngại, tạo ra các giống cây trồng mới chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận hay dịch hại. Điều đáng mừng là qua báo cáo của các đơn vị tôi thấy bước đầu chúng ta đã làm chủ được công nghệ. Trong 10 năm qua, thế giới đã có những bước tiến vượt bậc trong công nghệ chỉnh sửa gen, trong 2 - 3 trở lại đây, việc công bố thương mại các giống chỉnh sửa gen trên thế giới phát triển nhanh", GS.TS Phạm Văn Toản cho biết.

Theo TS Đặng Ngọc Chi, Chủ tịch Nhóm làm việc về công nghệ sinh học và giống cây trồng, CropLife Việt Nam, chỉnh sửa gen là thành tựu nổi bật của lĩnh vực hóa sinh và sinh học phân tử, được nghiên cứu và phát triển từ những năm đầu thế kỷ 21. Công nghệ này mang lại những bước tiến vượt bậc, trên nền tảng các phương pháp cải tạo giống cây trồng đã tồn tại hàng ngàn năm; sử dụng dẫn chứng khoa học dựa trên mức độ hiểu biết ngày càng cao của chúng ta về trình tự gen và cơ chế hoạt động của các gen ở thực vật.

Theo TS Đặng Ngọc Chi, chỉnh sửa gen cho phép các nhà lai tạo giống nghiên cứu trên chính bộ gen của cây trồng, cho ra các kết quả mà các phương pháp truyền thống khác có thể tạo ra nhưng với mức độ chính xác và hiệu quả cao hơn.

Cây trồng chỉnh sửa gen được xem là giải pháp hiệu quả cho nông nghiệp bền vững, giải quyết nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu với nhiều lợi ích mang lại cho cho nông dân, người tiêu dùng và môi trường.

Cây trồng chỉnh sửa gen được xem là giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, giải quyết nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu với nhiều lợi ích mang lại cho cho nông dân, người tiêu dùng và môi trường.

TS Đặng Ngọc Chi cho rằng, chỉnh sửa gen và biến đổi gen đều là những phương pháp ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Mỗi công nghệ đều có giá trị về mặt khoa học, mức độ và cách thức tác động riêng để tạo ra những cây trồng có tính trạng cải tiến, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng cũng như hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Công nghệ chỉnh sửa gen, đột phá lớn của sinh học, y học và nông nghiệp - Ảnh 3.

Phương pháp gây đột biến chính xác bằng kĩ thuật chỉnh sửa gen (gene editing) ra đời năm 1988. Ảnh: Tùng Đinh.

Cây trồng chỉnh sửa gen vẫn chờ cơ chế

Để tạo sự đột phá trong ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trong 8 nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh việc phải khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách. "Trong năm 2025, càng sớm càng tốt phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm (những quy định nào cần loại bỏ thì bỏ luôn, luật nào phải sửa thì sửa luôn, đồng bộ, thống nhất, tinh thần là thông thoáng, 1 nội dung chỉ quy định ở 1 luật. Cần có tư duy mới, cách tiếp cận trong sửa đổi Luật Công nghệ thông tin, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Luật Viên chức đồng bộ hóa các quy định pháp luật có liên quan)", Tổng Bí thư nói.

Đối với lĩnh vực nghiên cứu cây trồng chỉnh sửa gen ở Việt Nam, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay để đưa các nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tế là chưa có quy định hướng dẫn rõ ràng đối với cây trồng chỉnh sửa gen khiến cho lộ trình ứng dụng và thương mại hoá các sản phẩm này tại Việt Nam đang đi sau so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

TS Nguyễn Duy Phương, Trưởng Bộ môn Bệnh học phân tử (Viện Di truyền nông nghiệp), trưởng nhóm nghiên cứu chỉnh sửa gen trên lúa cho rằng, sự chậm trễ trong việc đưa ra hướng dẫn pháp lý đối với cây trồng chỉnh sửa gen sẽ gây ra nhiều bất lợi cho Việt Nam về nghiên cứu khoa học, thương mại cũng như hạn chế khả năng cơ hội tiếp cận các nguồn giống cải tiến của nông dân trong nước.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học và chuyên gia trong nước hiện đang rất kỳ vọng sớm có các quy định rõ ràng hơn đối với cây trồng chỉnh sửa gen để từ đó tiếp tục triển khai kế hoạch nghiên cứu và thương mại hoá sản phẩm này tại thị trường trong nước. Giống cây trồng được tạo ra bằng những phương pháp cải tiến không nên được đánh giá và quy định khác biệt so với cây trồng thông thường nếu chúng là tương đương hoặc không thể phân biệt so với giống cây được tạo ra bằng phương pháp lai truyền thống.

Bà Sonny Tababa, Giám đốc Công nghệ sinh học CropLife châu Á đánh giá, cây trồng áp dụng công nghệ sinh học giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, giúp người dân nâng cao sinh kế, đảm bảo thu nhập, nhất là tại các vùng chưa đảm bảo về nước tưới, vùng sâu, vùng xa.

Trải qua quá trình 10 năm phát triển công nghệ sinh học, Việt Nam đang trong giai đoạn rực rỡ nhất. Công nghệ chỉnh sửa gen đã khẳng định được vai trò, tầm quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam”, bà Sonny nhìn nhận và khuyến cáo Việt Nam nên có đánh giá tổng thể về hành lang pháp lý, cũng như các giống mới xuất hiện (cả về nông sản lẫn dịch hại) để có một cách tiếp cận mới, phù hợp với yêu cầu hiện tại.

Theo đại diện của CropLife châu Á, cơ quan quản lý nên là đầu mối tiên phong, sắm vai trò “mở đường” cho công nghệ sinh học, giúp người nông dân có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với công nghệ mới.Bên cạnh việc tự nghiên cứu về biến đổi gen, bà Sonny đề nghị Việt Nam tham khảo công nghệ, chính sách của các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Philippines…

GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết, song song với việc nghiên cứu các giống chỉnh sửa gen, Việt Nam cũng cần triển khai đồng bộ các khung khổ pháp lý cho giống cây trồng này phát triển. Đây là yếu tố quan trọng khi thế giới đã tiến rất xa về chỉnh sửa gen.