Dân Việt

Đây là các con vật nuôi đang "mang tiền về" cho nông dân Bình Phước, thu nhập tăng thấy rõ

Danh Tuấn - Chấn Đức 14/01/2025 13:24 GMT+7
Đầu tư nuôi thỏ thịt, nuôi dê sinh sản, nuôi bò, nuôi các con đặc sản như con dúi có nguồn gốc từ động vật hoang dã...là các mô hình mới, mô hình hiệu quả kinh tế tốt của các hộ dân Bình Phước. Các mô hình sử dụng vốn của Chương trình "Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm" thuộc Ngân hàng CSXH.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Chương trình "Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm" của Ngân hàng Chính sách xã hội (Ngân hàng CSXH), thực hiện ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, đã giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Hầu hết những hộ vay vốn và phát huy hiệu quả đồng vốn vay là nhờ chuyển đổi sản xuất - kinh doanh, từ cây trồng, vật nuôi…

Thật vậy, qua kiểm tra của các cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Phú vào tháng 10/2024 vừa qua, cho thây: Thực tế việc sử dụng vốn, sau khi vay của khách hàng vay vốn tại xã Tân Hưng là rất hiệu quả.

Vay vốn để thoát nghèo, ai ngờ thành…chủ trang trại nuôi thỏ, nuôi dê

Các thành viên đoàn kiểm tra đã có dịp đến thăm quan trang trại nuôi thỏ của anh Võ Minh Châu (sinh năm 1988, thường trú ấp Suối Da, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). Trại nuôi thỏ này được xây dựng nhờ nguồn vốn vay từ Chương trình "Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm", tại Ngân hàng CSXH huyện Đồng Phú.

Đoàn cán bộ Ngân hàng CSXH huyện hết sức vui mừng, khi nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp khách hàng vay vốn phát triển chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Và, thu nhập ổn định trong những năm qua.

Không chỉ thoát nghèo, thành chủ trang trại thỏ, dê nhờ vay vốn ngân hàng - Ảnh 1.

Tại trang trại nuôi thỏ của gia đình nông dân Võ Minh Châu (phải), ở ấp Suối Da, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Danh Tuấn.

Anh Võ Minh Châu cho biết: "Năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 làm kinh tế của gia đình bị kiệt quệ;sản phẩm nông nghiệp thu hoạch xong, không tiêu thụ được. Từ đó, không có nguồn vốn xoay vòng để tái đầu tư.

Khi đó, tôi nhận được thông tin từ Hội Cựu chiến binh xã Tân Hưng cho biết Ngân hàng CSXH huyện Đồng Phú có nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm giao về xã. Tôi lập tức làm đơn đăng ký vay vốn 70 triệu đồng để phát triển mô hình nuôi thỏ sinh sản và thỏ lấy thịt".

Khi được ngân hàng giải ngân số tiền 70 triệu đồng, không chần chừ anh Châu lập tức mua vật tư, cây gỗ… về làm chuồng thỏ. Ban đầu, anh Châu mua 20 cặp thỏ bố mẹ để về chăn nuôi sinh sản. Sau thời gian nuôi, các cặp thỏ giống đã sinh sản ra hàng trăm thỏ con.

Để phục vụ cho mục đích nuôi thỏ lấy thịt, anh Châu đã giữ lại toàn bộ số thỏ con đã được sinh ra. Với thời gian nuôi khoảng 3 tháng, anh Châu có thể xuất chuồng, bán thỏ cho các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn tỉnh Bình Phước và huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

Lứa đầu tiên, anh Châu xuất bán 60 con thỏ thịt; trừ đi các chi phí nuôi thỏ, anh Châu còn lãi 15 triệu đồng.

Không chỉ thoát nghèo, thành chủ trang trại thỏ, dê nhờ vay vốn ngân hàng - Ảnh 2.

Trang trại nuôi dê của hộ nông dân Nguyễn Văn Thuận ở ấp Cây Cầy, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Danh Tuấn.

Thấy mô hình nuôi thỏ là hướng đi mới, phù hợp với kinh tế của gia đình, anh Võ Minh Châu đã mạnh dạn đầu tư thêm chuồng trại để gia tăng số lượng thỏ nuôi lấy thịt. 

Đến nay, số lượng thỏ tại trại nuôi thỏ của anh Châu khoảng 500 con. Trong đó, có 30 con thỏ sinh sản. Mỗi năm, thỏ mẹ có thể sinh sản từ 4-5 lứa, mỗi lứa 4-5 con, nên anh Châu chủ động duy trì nguồn giống, mà không lo bị thiếu con giống.

"Nguồn vốn vay, nhờ tiền lãi từ chăn nuôi thỏ, mà tôi đã trả được 30 triệu đồng. Tôi mong muốn Ngân hàng CSXH sẽ có nhiều nguồn vốn từ Chương trình tín dụng "Hỗ trợ tạo việc làm…", để những người nông dân ở khu vực nông thôn như tôi, được tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất chăn nuôi. Qua đó, thoát được nghèo đói, nâng cao thu nhập cho gia đình" – anh Võ Minh Châu nói.

Tương tự, là mô hình nuôi dê sinh sản của gia đình anh Nguyễn Văn Thuận ở ấp Cây Cầy, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú. 

Theo anh Thuận: Gia đình anh thuộc hộ cận nghèo của xã Tân Hưng. Năm 2022, khi giá các loại nông sản xuống thấp đã làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, thu nhập của gia đình. Chưa biết xoay xở tiền đâu để tái đầu tư, thì anh Thuận được Hội Nông dân xã Tân Hưng hướng dẫn làm đơn, xin vay vốn từ Ngân hàng CSXH.

Không chỉ thoát nghèo, thành chủ trang trại thỏ, dê nhờ vay vốn ngân hàng - Ảnh 3.

Một hộ vay vốn nuôi bò từ Ngân hàng CSXH ở tỉnh Bình Phước. Ảnh: H.N.D

Anh Thuận cho biết: "Tôi đã bàn với mọi người trong gia đình, mạnh dạn đăng ký vay 100 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi dê, kết hợp với trồng tiêu. Tháng 6/2022, tôi được Ngân hàng CSXH huyện Đồng Phú giải ngân số tiền 100 triệu đồng từ Chương trình cho vay đối với hộ cận nghèo.".

Ngay sau khi nhận được tiền vay, anh Thuận lập tức mua sắm vật liệu để bắt tay vào làm chuồng nuôi dê. Lúc đầu, anh Thuận mua 10 con dê bố mẹ để phục vụ mục đích nuôi dê sinh sản.

Sau 1 năm đàn dê giống đã bắt đầu sinh sản. Vớii 10 dê bố mẹ đã sinh ra 23 con dê con. Lúc này, anh Thuận mới làm thêm chuồng để nuôi dê lấy thịt. Lứa dê thịt đầu tiên, anh Thuận xuất bán được 40 triệu đồng. Trừ các chi phí chăn nuôi, anh Thuận còn lãi 18 triệu đồng.

Đến nay, sau hơn 2 năm nuôi dê, anh Thuận đã phát triển thành trang trại nuôi dê. Đàn dê từ 10 con ban đầu lên thành 50 con. Trong đó có 10 con dê bố mẹ dùng để làm giống. Mặt khác, số phân thải ra từ đàn dê đã được anh Thuận dùng làm phân bón cho 1ha tiêu. Đây là nguồn phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng, không dễ có được. Vì vậy, anh Thuận lợi đơn, lợi kép, vườn tiêu tươi tốt cho năng suất cao. Thêm vào đó, tiêu lại được giá bán, nên càng làm tăng thu nhập cho gia đình.

Không chỉ thoát nghèo, thành chủ trang trại thỏ, dê nhờ vay vốn ngân hàng - Ảnh 4.

Hội Nông dân giao bò giống cho người dân chăn nuôi, nhằm thoát nghèo. Ảnh: H.N.D

Theo đánh giá của Ngân hàng CSXH huyện Đồng Phú: Mô hình kinh tế hình thành từ nguồn vốn vay Ngân hàn CSXH của anh Châu và anh Thuận, tại xã Tân Hưng, là hai trong số hàng trăm mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả.

Mô hình nuôi dê của anh Châu, anh Thuận được hình thành từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi do Ngân hàng CSXH huyện Đồng Phú triển khai.

Những mô hình làm ăn có hiệu quả, không những giúp khách hàng vay vốn thay đổi mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; hơn thế, nó còn góp phần hỗ trợ các xã hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Đời sống người dân đổi thay, nhờ vốn vay ngân hàng

Ông Tăng Văn Trung – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước - cho biết: "Hiện nay, tổng dư nợ Ngân hàng CSXH huyện đang quản lý là hơn 407 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi đã giúp các gia đình có cơ hội đầu tư máy móc, công nghệ… Qua đó, thay đổi, mở rộng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chi phí cho con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo học tại các trường chuyên nghiệp trên cả nước".

Không chỉ thoát nghèo, thành chủ trang trại thỏ, dê nhờ vay vốn ngân hàng - Ảnh 5.

Nông dân huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước được vay vốn sản xuất từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Ảnh: H.N.D

Hơn thế, nguồn vốn tín dụng ưu đãi còn giúp các gia đình khu vực nông thôn nâng cao điều kiện sống, sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn, hỗ trợ hộ nghèo có nhà ở ổn định, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động,… được vay vốn xây nhà hoặc mua nhà ở xã hội giúp an cư lạc nghiệp.

Trong đó, nguồn vốn cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đạt 244 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng nguồn vốn tại Phòng giao dịch.

Không chỉ thoát nghèo, thành chủ trang trại thỏ, dê nhờ vay vốn ngân hàng - Ảnh 6.

Tại TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, người nông dân còn được Hội Nông dân tạo điều kiện cho vay vốn nuôi dúi. Con dúi là một trong các con đặc sản vốn là động vật hoang dã được phép nuôi thương mại và đang mang lại lợi nhuận tốt cho nông dân. Ảnh: H.N.D.

Ngoài nguồn vốn do Ngân hàng CSXH Việt Nam phân bổ, hàng năm, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương huyện theo tinh thần của Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đã góp phần rất lớn trong việc đáp dứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn.

Ông Trung cho biết thêm: Đến nay nguồn ngân sách huyện ủy thác qua Ngân hàng CSXH huyện đã đạt hơn 11 tỷ đồng và sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới.

Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng ưu đãi là kênh dẫn vốn, hỗ trợ đắc lực nhất cho người nông dân trong việc phát triển kinh tế; hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống sinh hoạt và giảm nghèo bền vững.

Không những vậy, nguồn vốn tín dụng ưu đãi, còn là một phần không thế thiếu để giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

"Trong thời gian tới để phù hợp với xu thế phát triển của đất nước thì Ngân hàng CSXH, các bộ, ngành có liên quan, cần tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Chương trình tín dụng mới, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyên vọng của người dân. Đặc biệt, là với người dân đang sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi" – ông Trung nói.