Theo UBND huyện Bắc Bình, trong năm 2024, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, chính quyền nên tình hình sản xuất của vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được phát triển.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được quan tâm đẩy mạnh, đến nay đời sống người dân 2 xã Phan Lâm và Phan Sơn đã phát triển đa dạng nhiều loại cây trồng như xoài, sầu riêng, chuối cấy mô…
Bên cạnh đó, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo được quan tâm. Hệ thống giao thông, thủy lợi được đầu tư xây dựng cơ bản, cùng với các chính sách hỗ trợ đã góp phần nâng cao thu nhập của bà con.
Tại các nơi đến thăm, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận biểu dương những kết quả mà hai xã đã đạt được trong năm qua. Đồng thời, đề nghị hai xã tiếp tục phát huy hơn nữa các kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ông Nguyễn Minh lưu ý chính quyền địa phương tiếp tục động viên, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó là chú trọng giữ gìn truyền thống văn hóa, nét độc đáo của dân tộc, chăm lo tốt đời sống cho bà con nhân dân, thực hiện tốt chính sách xóa nhà tạm nhà dột nát của tỉnh Bình Thuận, góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của bà con được tốt hơn.
Nhân dịp Tết Đầu lúa cổ truyền của đồng bào K'Ho, Raglai và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh đã trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa đến cấp ủy, chính quyền, người có uy tín và đồng bào các dân tộc thiểu số tại các địa phương và gửi lời chúc bà con Nhân dân vui Tết "đầm ấm, an vui, hạnh phúc".
Dịp này, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh cũng đã đến thăm, chúc Tết thân nhân gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Khu tại xã Phan Lâm; thăm, chúc Tết thân nhân gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Mang Đa tại xã Phan Sơn.
Theo UBND huyện Bắc Bình, Tết Đầu lúa là lễ hội mừng lúa mới, là ngày tết quan trọng, gắn liền với tập tục trồng lúa rẫy của đồng bào Raglai, K'ho các xã Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Điền, Phan Tiến (Bắc Bình), thường được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng chạp hàng năm.
Với người Raglai, K'ho, lúa được xem là thứ quý nhất, thiêng liêng nhất. Mỗi năm khi có những cơn mưa đầu mùa, bà con lại mang lúa giống được chọn cất từ vụ mùa trước lên các triền đồi để gieo trồng.
Lúa trồng tự nhiên, chủ yếu nhờ nước trời sau 6 tháng mới thu hoạch. Lúa rẫy được thu hoạch chủ yếu bằng cách tuốt tay bỏ vào gùi địu về làng rồi phơi khô cất vào bồ. Hiện nay lúa rẫy không còn trồng nhiều, chủ yếu ở 2 xã Phan Lâm, Phan Sơn.
Ngoài trồng giống lúa mới cho năng suất cao bà con nơi đây hầu như nhà nào cũng đều dành ra diện tích 1 - 2 sào trồng lúa rẫy như là cách gìn giữ nét văn hóa truyền thống và bảo tồn giống lúa, duy trì giống cho các vụ sau.
Tết Đầu lúa thường bắt đầu với các nghi thức cúng dâng, cúng lúa mới do các già làng, trưởng bản thực hiện trước. Các gia đình, dòng họ đều tổ chức cúng lúa mới và quây quần sau mùa vụ. Đây là cách thể hiện sự biết ơn và niềm tin của bà con đối với cây lúa mẹ trên rẫy, cầu mong cho cây lúa không bị sâu rầy, đơm bông trổ hạt, đem lại ấm no cho mọi người.
Theo UBND huyện Bắc Bình, Tết đầu lúa năm nay được tổ chức tại xã Phan Sơn, từ 13 - 14/1 diễn ra tại Nhà văn hóa xã với nhiều hoạt động sôi nổi như dựng trại, trang trí cây nêu, trò chơi dân gian, bắn nỏ, bóng đá mini nam, giã gạo, nấu cơm trong ống lồ ô, gùi nước, biểu diễn trang phục dân tộc, văn nghệ, hát Hơ-ri, thổi kèn, đêm hội rượu cần...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận thăm, chúc Tết Đầu lúa
Cũng trong ngày 14/1, đoàn công tác của tỉnh Bình Thuận do ông Đặng Hồng Sỹ, Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết Đầu lúa và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đồng bào các dân tộc thiểu số tại 2 xã Phan Tiến, Phan Điền, huyện Bắc Bình.
Đoàn đã thăm, chúc tết tặng quà người có uy tín là ông Mang Kim ở Thôn Tiến Đạt và ông Mang Biên ở thôn Tiến Thành xã Phan Tiến) và người có uy tín là ông Mang Sinh ở thôn Phú Điền và ông Mang Tha ở thôn Tân Điền xã Phan Điền, huyện Bắc Bình.
Theo UBND xã Phan Tiến, năm 2024 xã thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội quốc phòng an ninh có nhiều mặt chuyển biến tích cực, nổi bật như chỉ tiêu thu ngân sách tăng cao xã thu đạt 308 triệu đồng, tăng 154% so với năm 2023. Sản xuất nông nghiệp có chuyển biến, nông dân sản xuất lúa được mùa, được giá nhờ chuyển đổi giống mới với tổng sản lượng lương thực đạt hơn 5.500 tấn, vượt 24,8% kế hoạch đề ra và vượt 3% Nghị quyết Đảng ủy xã giao.
Xã Phan Tiến đã đạt 11/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số triển khai thực hiện đảm bảo đầy đủ kịp thời các chính sách cho các hộ đồng bào DTTS theo quy định của Trung ương, của tỉnh…
Riêng xã Phan Điền, dù đối mặt với thời tiết bất lợi, xã vẫn đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống chỉ còn 4 hộ. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được chú trọng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Địa phương đã hoàn thành 18/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó tiêu chí về chợ đang chờ thẩm định…
Ông Đặng Hồng Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận lưu ý, xã Phan Tiến quan tâm tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Xây dựng nông thôn mới mặc dù có nỗ lực cố gắng, vẫn còn 8 tiêu chí cần phải nỗ lực hơn nữa để đạt được, đặc biệt là tiêu chí số 18 xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh cần quan tâm làm cơ sở, nền tảng để thực hiện các tiêu chí khác…
Đối với xã Phan Điền, ông Đặng Hồng Sỹ yêu cầu chính quyền địa phương tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đã đạt, tiếp tục nỗ lực giảm nghèo bền vững không để hộ tái nghèo…