Người Raglai, K’ho ở Ninh Thuận, Bình Thuận ăn Tết đầu lúa như thế nào?

Bùi Phụ - Đức Cường Thứ bảy, ngày 29/01/2022 18:54 PM (GMT+7)
Những ngày cuối đông, khi tiết trời còn se lạnh và khi "thần bốn mùa" chuẩn bị bàn giao núi rừng lại cho mùa xuân ấm áp ngự trị thì cũng là lúc những nương lúa rẫy của đồng bào Raglai và K'ho ở các huyện miền núi tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận nặng trĩu hạt.
Bình luận 0

Sau khi dùng tay tuốt những hạt lúa này mang về nhà, phơi khô nấu cơm cúng tổ tiên, bà con bắt đầu tưng bừng với Tết đầu lúa.

Nâng niu "hạt ngọc"của núi rừng

Với đồng bào Raglai và K'ho, lúa được xem là quý nhất, thiêng liêng nhất, là "hạt ngọc"của núi rừng ban tặng. 

Mỗi năm, khi có những cơn mưa đầu mùa, bà con mang lúa giống lên các triền đồi để gieo trồng. Sau khoảng 7 tháng, bà con dùng tay tuốt lúa cho vào gùi mang về nhà, phơi khô, nấu cơm dâng lên tổ tiên, làm lễ cúng Tết đầu lúa.

Giáp Tết Nhâm Dần 2022, chúng tôi có dịp trở lại thôn Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) để "mục sở thị" bà con dân tộc Raglai chuẩn bị Tết đầu lúa. 

Dẫn chúng tôi đi thăm những rẫy lúa chuẩn bị thu hoạch, ông Cà Mau Viên - Trưởng thôn Tà Nôi cho biết, Tết đầu lúa được xem như lễ hội lớn nhất của người Raglai ở đây.

Theo lời ông Cà Mau Viên, những năm trước, cả thôn này, nhà nào cũng cúng rất vui. Thông qua lễ cúng, bà con cầu mong sức khỏe dồi dào, tưởng nhớ về ông bà cha mẹ và các vị thần linh nương rẫy, núi rừng đã cho mình "hạt ngọc" và nuôi sống mình quanh năm.

tat/ Chung vui với Tết đầu lúa của đồng bào Raglai và K’ho - Ảnh 1.

Các nghệ nhân dân tộc Raglai ở thôn Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) tập luyện các tiết mục văn nghệ để tham gia ngày đón Tết đầu lúa 2022. Ảnh: Đ.C

Theo lãnh đạo xã Phan Lâm (huyện Bắc Bình), mùa thu hoạch lúa rẫy vừa kết thúc nên bà con ai cũng phấn khởi. Nhờ hạt cơm lúa rẫy đã nuôi lớn bao thế hệ người Raglai, K'ho, nên việc giữ cây lúa rẫy cũng là gìn giữ những giá trị truyền thống, sự cần thiết trong đời sống sinh hoạt văn hóa hàng ngày của bà con nơi đây…

Do phong tục, Tết đầu lúa năm 2022 của bà con vùng Tà Ôi diễn ra sau Tết Nguyên đán. 

"Lúa mới của đồng bào Raglai thường được gọi là lúa dâng thần, đó là cây lúa rẫy truyền thống gắn liền với cuộc sống bao đời của người Raglai. Khác với lúa nước ở vùng đồng bằng, cây lúa rẫy của người Raglai được trồng trên các sườn dốc núi, sau khoảng 7 tháng mới thu hoạch. Hạt lúa có màu đỏ hoặc đen dùng để nấu cơm cúng tiên trong các lễ lớn của gia đình hay tộc họ..." - ông Viên cho hay.

Già làng Katơ Tư (ở thôn Tà Nôi, xã Ma Nới) cho biết, để chuẩn bị cho nghi lễ Tết đầu lúa, phụ nữ thường chuẩn bị đồ cúng lễ, đàn ông thì sửa sang lại nhà cửa đón ông bà, tổ tiên về ăn mừng lúa mới. Không khí đón mừng lúa mới rộn ràng với các sản vật dâng cúng không thể thiếu là con gà, gạo, thóc, ngô, trầu cau và rượu cần.

"Ngoài các lễ vật trên thì tùy mỗi tộc họ sẽ còn có thêm cây nêu, việc cúng bái diễn ra dưới cây nêu đó để dâng lên, báo với tổ tiên thành quả một năm lao động vất vả, cầu xin tổ tiên phù hộ cho mùa màng năm mới làm ăn khấm khá hơn, gia đình mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa..." - già làng Katơ Tư chia sẻ.

Ngoài những tiếng âm nhạc truyền thống như đàn chapi, tiếng mã la (bộ nhạc cụ gõ bằng đồng của dân tộc Raglai giống như cồng chiêng của người dân Tây Nguyên) để thay lời mời bà con dân bản đến chung vui, thì lửa được xem là "vật thiêng" không thể thiếu trong mỗi dịp ăn mừng lúa mới của từng nhà.

 Sau khi xong các nghi lễ cầu cúng, là phần hội. Trai gái trong làng tập trung cất tiếng hát hòa nhịp trong tiếng mã la rộn ràng, quay quần bên ché rượu cần. Việc vui chơi này giúp bà con gắn kết thêm tinh thần đoàn kết trong cuộc sống…

Trở lại Tà Nôi những ngày này, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay nhanh chóng ở một vùng dân cư xa nhất của xã miền núi Ma Nới, huyện Ninh Sơn. 

Những năm trước, từ trung tâm xã Ma Nới đến thôn Tà Nôi hơn 9km nhưng phải mất gần một buổi đi bộ đường rừng, lội qua hàng chục con suối, thì nay xe máy chạy đến tận nơi.

tat/ Chung vui với Tết đầu lúa của đồng bào Raglai và K’ho - Ảnh 3.

Hội thi nấu cơm trong ống tre Tết đầu lúa ở huyện Bắc Bình (tổ chức năm 2019). Ảnh: T.L

Ông Cà Mau Viên cho biết, trước đây do điều kiện đi lại khó khăn nên cuộc sống của bà con thôn Tà Nôi gần như co cụm trong thôn, việc mua bán trao đổi hàng hóa chủ yếu tự cung tự cấp trong thôn, bọn trẻ chủ yếu chỉ dừng lại việc học hành ở bậc tiểu học.

"Giờ đây con đường lên Tà Nôi thuận lợi hơn, việc vận chuyển nông sản và đi lại của bà con thôn không còn khó khăn như trước nữa. Hiện toàn thôn có 194 hộ với 710 nhân khẩu. Nhờ bà con biết đùm bọc, đoàn kết để lao động sản xuất nhiều hơn nên bây giờ trong thôn tự lao động sản xuất, không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước như trước. Nhờ đó có những hộ khá, giàu lên rồi" - ông Viên khoe.

Tuốt lúa bằng tay

Rời Ninh Thuận, chúng tôi đến các xã miền núi như Phan Tiến, Phan Điền, Phan Lâm… của huyện Bắc Bình (Bình Thuận). 

Những năm trước, bà con dân tộc Raglai, K'ho ở đây mừng Tết đầu lúa rất linh đình, thu hút nhiều khách du lịch.

Những ngày đầu tháng 12 (âm lịch), là thời điểm thu hoạch lúa nên khắp nương rẫy rộn ràng tiếng cười nói. 

Bà con dân tộc ở đây không dùng liềm cắt lúa, mà dùng tay tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi được mang trước bụng. Khi lúa đầy gùi, bà con địu về nhà phơi khô, cất giữ cẩn thận rồi chờ đến ngày nấu cơm cúng tổ tiên, cúng Tết đầu lúa.

tat/ Chung vui với Tết đầu lúa của đồng bào Raglai và K’ho - Ảnh 4.

Thi giã gạo trong ngày hội Tết đầu lúa do huyện Bắc Bình tổ chức năm 2019. Ảnh: T.L

Sau khi xong các nghi lễ cầu cúng, là phần hội. Trai gái trong làng tập trung cất tiếng hát hòa nhịp trong tiếng mã la rộn ràng, quay quần bên ché rượu cần. Việc vui chơi này giúp bà con gắn kết thêm tinh thần đoàn kết trong cuộc sống…

Theo lãnh đạo xã Phan Lâm (huyện Bắc Bình), mùa thu hoạch lúa rẫy vừa kết thúc nên bà con ai cũng phấn khởi. 

Nhờ hạt cơm lúa rẫy đã nuôi lớn bao thế hệ người Raglai, K'ho, nên việc giữ cây lúa rẫy cũng là gìn giữ những giá trị truyền thống, sự cần thiết trong đời sống sinh hoạt văn hóa hàng ngày của bà con nơi đây…

Theo Hội Nông dân xã Phan Lâm, phong tục trồng lúa rẫy của người Raglai và K'ho nơi đây đều phát triển theo tự nhiên của đất trời chứ không hề sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. 

Hàng năm, từ khoảng tháng 5, khi xuất hiện nhưng cơn mùa đầu mùa, bà con bắt đầu dọn rẫy, gieo hạt. Đàn ông đi trước chọc lỗ, đàn bà đi sau bỏ hạt rồi lấp hạt lúa lại. Khoảng tháng 11-12 (âm lịch) bắt đầu thu hoạch. Sản lượng lúa có thể không cao nhưng chất lượng hạt gạo thì ngon tuyệt vời. Lúa rẫy khi nấu cơm, hạt cơm dẻo, có mùi thơm mang đậm chất của núi rừng…

Trước đó dịp Tết năm 2019, chúng tôi có dịp đi cùng đoàn du khách từ TP.HCM đến ăn Tết đầu lúa do xã Phan Lâm đăng cai tổ chức cho toàn huyện Bắc Bình. 

Ngay từ sáng sớm, rất đông đảo bà con 4 xã của huyện Bắc Bình đã tập trung về trung tâm văn hóa xã Phan Lâm. Có thể nói, Tết đầu lúa lúc này không chỉ là lễ cúng đón chào hạt lúa mới, gói gọn trong từng gia đình mà đã trở thành một ngày hội đoàn kết của đồng bào 4 xã vùng cao huyện Bắc Bình.

Hầu hết các thành viên trong đoàn khách hơn 30 người của chúng tôi đều tỏ ra bất ngờ, ấn tượng trước sự nhiệt tình tham gia của bà con. Đặc biệt là đêm hội trình diễn trang phục dân tộc, rước rượu cần, hội thi bắn nỏ. Ấn tượng nhất với chúng tôi là trai gái cùng tham gia các đội thi giã gạo, nấu cơm trong ống lồ ô, đẩy gậy, thi gùi nước về làng, thi dựng cây nêu, đi cà kheo...

Cả đoàn ai cũng hẹn Tết đầu lúa năm sau lại đến Phan Lâm, nhưng rất tiếc thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid -19, chúng tôi không có dịp trở lại để tham gia và thưởng thức lại các hoạt động vui chơi văn nghệ, trò chơi dân gian của bà con.

Tổ chức Tết đầu lúa 2022 phạm vi gia đình

Năm nay do tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Bình Thuận đã quyết định tổ chức Tết đầu lúa và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 cho vùng đồng bào dân tộc tại 4 xã vùng cao huyện Bắc Bình.

 Theo đó, Tết đầu lúa diễn ra từ ngày 17-19/1/2022 (nhằm ngày 15 - 17 tháng Chạp). UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu UBND huyện Bắc Bình vận động đồng bào đón Tết đầu lúa tại gia đình, hạn chế tập trung đông người, giảm việc tổ chức tiệc thết đãi, mời khách tới nhà.

Sáng 14/1 vừa qua, ông Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng đoàn công tác đã có chuyến thăm hỏi, chúc Tết đầu lúa bà con đồng bào Raglai, K'ho và tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang sinh sống tại 4 xã miền núi, vùng cao huyện Bắc Bình

Tại các nơi đến thăm, đại diện chính quyền địa phương đã báo cáo tình hình kinh tế chính trị, đời sống của bà con trong năm 2021. 

Theo đó, trong năm được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, tình hình sản xuất của vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển, nhất là việc đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. 

Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của bà con; tỷ lệ hộ nghèo giảm so với trước. Năm 2021, tình tình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, khiến đời sống và sản xuất của bà con được ổn định.

Chia vui cùng với đồng bào, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã thăm hỏi các già làng, người có uy tín trong cộng đồng cùng bà con nhân dân, và bày tỏ mong muốn đồng bào Raglai, K'ho tiếp tục giữ gìn và phát huy nét độc đáo, lâu đời của Tết đầu lúa. 

Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền và đồng bào hãy tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thi đua phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu, ổn định đời sống về mọi mặt… 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem