Ngày 15/01, tại huyện Krông Nô, Đắk Nông, Công ty TMT Consulting phối hợp với nhà tài trợ JDE Peet's, Công ty Intimex Đắk Nông và các đối tác công bố triển khai thí điểm mô hình bảo hiểm lượng mưa cho cây cà phê. Đây là một phần của dự án "Sản xuất cà phê bền vững theo hướng giảm phát thải và đáp ứng các quy định chống phá rừng của EU".
Được thiết kế dựa trên chỉ số lượng mưa thực tế, mô hình bảo hiểm này giúp người trồng cà phê giảm thiểu thiệt hại do hạn hán hoặc lượng mưa không ổn định. Đây là lần đầu tiên mô hình bảo hiểm chỉ số thời tiết dành cho cà phê được áp dụng tại Việt Nam, mặc dù đã được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại buổi hội thảo, các bên tham gia đã thảo luận về tính khả thi, cơ chế hoạt động và tiềm năng nhân rộng mô hình này ra các khu vực sản xuất cà phê khác. Đây cũng là cơ hội để người nông dân và các chuyên gia cùng trao đổi về giải pháp ứng phó với những thách thức từ thời tiết cực đoan như hạn hán kéo dài, mưa trái mùa, hay bão lũ.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, với hơn 94% sản lượng tập trung tại khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, vùng này đang chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng khô hạn kéo dài và thiên tai ngày càng nghiêm trọng.
Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ thiệt hại do biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp Việt Nam có thể đạt 6%, và tăng lên 7-10% vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, bảo hiểm lượng mưa không chỉ là giải pháp giúp người trồng cà phê hạn chế rủi ro từ thời tiết mà còn góp phần hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Việc triển khai mô hình tại Đắk Nông được kỳ vọng sẽ trở thành bước khởi đầu quan trọng, mở ra cơ hội nhân rộng trên toàn vùng Tây Nguyên và các khu vực sản xuất cà phê khác, góp phần bảo vệ sinh kế của nông dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành cà phê, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động nghiêm trọng đến nông nghiệp Việt Nam.
Một nông dân được hỗ trợ bảo hiểm lượng mưa, bà Nguyễn Thị Hương, ở xã Đắk D'rô, huyện Krông Nô, chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi được biết đến chương trình bảo hiểm lượng mưa. Sau khi tìm hiểu, tôi nhận thấy mô hình này sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân."
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc TMTconsulting, chia sẻ, mô hình thí điểm này tại vùng dự án sẽ hứa hẹn là khởi đầu tốt đẹp để nhân rộng ra các vùng dự khác trong vùng. Đồng thời, mong muốn nông dân trồng cà phê tại Việt Nam cũng như các HTX, Doanh Nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê cần quan tâm và đẩy mạnh chương trình bảo hiểm lượng mưa để giảm rủi ro thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
"Trong đợt này, mô hình sẽ được thí điểm trên diện tích 200ha cà phê tại hai huyện Krông Nô và Đắk Glong. Đặc biệt, trong hai năm đầu triển khai, bà con nông dân tham gia trên diện tích thí điểm này sẽ được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm", ông Tâm cho biết.
Ngoài ra, đơn vị cũng đang nghiên cứu và phát triển một mô hình bảo hiểm lượng mưa, không chỉ dành riêng cho cây cà phê mà còn mở rộng ra những loại cây có giá trị kinh tế cao khác như sầu riêng, hồ tiêu, và các cây trồng khác.
Theo đó, sản phẩm bảo hiểm lượng mưa được số hóa 100%, hoàn toàn khác biệt so với bảo hiểm nông nghiệp truyền thống. Việc chi trả bảo hiểm không phụ thuộc vào mức độ thiệt hại mà thay vào đó dựa trên lượng mưa đo lường tại khu vực đó. Cụ thể, nếu lượng mưa đo được thấp hơn mức quy định trong hợp đồng, hệ thống sẽ tự động tính toán và chi trả quyền lợi cho người dân.